Thế giới “nín thở” trước diễn biến khó lường về cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine

Thế giới “nín thở” trước diễn biến khó lường về cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine ảnh 1

Tổng thống Nga V.Putin có động thái mới trong đối đầu với phương Tây khi ký Sắc lệnhcông nhận độc lập cho 2 khu vực miền Đông Ukraine

Căng thẳng trở lại

Sau khi tương đối im ắng trong năm ngoái, tình hình ở Donbass “nóng” trở lại kể từ đầu năm nay. Cuối tuần qua, một số cuộc pháo kích dữ dội đã xảy ra dọc theo một số khu vực chiến tuyến giữa Ukraine với khu vực ly khai tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Các cuộc pháo kích của phe ly khai đang ở mức cao nhất trong gần 3 năm, trong khi lực lượng vũ trang Ukraine cũng bị cáo buộc sử dụng vũ khí hạng nặng nhằm vào các khu vực dân sự. Cuối tuần qua, 2 nước Cộng hòa tự xưng này đã tổ chức sơ tán hàng loạt dân thường sang Nga, đồng thời kêu gọi đàn ông ở lại cầm vũ khí trước nguy cơ quân đội Ukraine sắp tấn công.

Xung đột ở Donbass nổ ra vào năm 2014 sau khi lực lượng chống Chính phủ chiếm giữ các tòa nhà công sở ở các thị trấn và thành phố trên khắp miền Đông Ukraine. Sau các cuộc giao tranh ác liệt, các khu vực phía Đông Luhansk và Donetsk của khu vực Donbass rơi vào tay lực lượng ly khai. Cùng năm, Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine, 2 nước cộng hòa tự xưng đã tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết vào ngày 11-5-2014 rồi tuyên bố độc lập vào ngày hôm sau. Các nước Cộng hòa tự xưng này không được Chính phủ nào công nhận, kể cả Nga. Chính phủ Ukraine từ chối đối thoại trực tiếp với họ.

Thỏa thuận Minsk II năm 2015 đã dẫn đến ngừng bắn, nhưng lại chuyển thành “chiến tranh tĩnh” giữa đôi bên. Ngôn ngữ xung quanh cuộc xung đột bị chính trị hóa nặng nề. Chính phủ Ukraine gọi lực lượng ly khai là “những kẻ xâm lược” hay “những kẻ chiếm đóng”. Còn truyền thông Nga gọi lực lượng ly khai là “dân quân” và khẳng định họ là những người dân địa phương tự vệ chống lại Chính phủ Kiev. Hơn 14.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Donbass kể từ năm 2014. Ukraine cho biết 1,5 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ, trong đó hầu hết ở lại các khu vực Donbass vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine và khoảng 200.000 người tái định cư ở khu vực Kiev rộng lớn hơn.

Thế giới “nín thở” trước diễn biến khó lường về cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine ảnh 2

Xung đột ở Donbass (miền Đông Ukraine) có thể sẽ bùng phát bất cứ lúc nào

Tại sao Donbass lại là trung tâm khủng hoảng?

Hôm 21-2, Hội đồng An ninh quốc gia Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức họp báo tuyên bố công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk ở vùng Donbass theo đề nghị của 2 khu vực. Như vậy, Tổng thống V.Putin đã gia tăng đáng kể cuộc đối đầu của mình với Mỹ và các đồng minh NATO khi ký Sắc lệnh công nhận 2 khu vực miền Đông Ukraine bị lực lượng ly khai chiếm giữ. Matxcơva cho biết, họ sẽ cử “lực lượng gìn giữ hòa bình” tới các khu vực này, đồng thời bảo vệ hàng trăm nghìn công dân được cấp hộ chiếu Nga đang sinh sống tại đây.

Ngày 22-2, tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề Ukraine, đa số giới ngoại giao tại Liên hợp quốc cho rằng, động thái của Nga đã “vi phạm luật pháp quốc tế” và đặt dấu chấm hết cho kế hoạch mang lại hòa bình cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine vốn đã rất mong manh. Nhiều nước tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đánh giá, nếu Nga đưa quân tới Luhansk hay Donetsk đều là nhằm mở đường cho kế hoạch chiếm đóng Ukraine.

Sáng 22-2, phản ứng về việc này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, các đường biên giới của Ukraine được quốc tế công nhận sẽ không thay đổi, đồng thời nhấn mạnh nước này sẽ không có bất cứ nhượng bộ nào về lãnh thổ.

Trước đó, hôm 16-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine có hành vi “diệt chủng” ở Donbass. Từ lâu, Nga vẫn chỉ trích Ukraine vi phạm nhân quyền của người Nga và những người nói tiếng Nga ở Ukraine. Những cáo buộc của ông Putin không phải là mới, nhưng ở thời điểm này, các nhà hoạch định chính sách phương Tây lo ngại nó sẽ thổi bùng xung đột như ở Gruzia năm 2008. Cũng như vào năm 2014, khu vực Donbass hiện là tâm điểm của cuộc xung đột giữa Đông và Tây, giữa nỗ lực của Tổng thống V.Putin nhằm khẳng định lại quyền kiểm soát trong khu vực và khát vọng ngày càng tăng của người Ukraine trong việc gia nhập các nền dân chủ châu Âu.

Thế giới “nín thở” trước diễn biến khó lường về cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine ảnh 3

Bước đi khó đoán của Nga

Giới quan sát cho rằng, những gì diễn ra trong vài ngày tới sẽ định hướng cho thế giới trong những năm tiếp theo. Nếu ông Putin dừng lại ở đây, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể sẽ được kiềm chế, thậm chí còn cho Tổng thống Nga cơ hội để phân tích tình hình và loại bỏ một cuộc chiến tranh toàn diện sau khi có thêm lãnh thổ mới trong nhiệm vụ ngăn chặn Ukraine gia nhập phương Tây. Một bước lùi như vậy còn có ý nghĩa chia rẽ Mỹ - nước luôn cho rằng Nga có ý định “xâm lược” Ukraine - với các đồng minh ít hiếu chiến hơn. Từ đó có thể tránh được một cuộc khủng hoảng toàn cầu rộng lớn. Ở Mỹ, kịch bản tạm thời này cũng có thể giúp người Mỹ giảm bớt nỗi lo sau thiệt hại do giá xăng và lạm phát tăng đột biến, đồng thời cho phép Tổng thống Mỹ Joe Biden gỡ được phần nào mức độ giảm tín nhiệm trong 1 năm bầu cử giữa nhiệm kỳ khó khăn.

Tuy nhiên, thật không may, bằng chứng về lời phát biểu quyết liệt của ông Putin, sự hiện diện của 190.000 quân Nga ở biên giới Ukraine và hầu hết các đánh giá của giới tình báo Mỹ cho thấy, hy vọng về một cuộc xung đột hạn chế là điều mơ tưởng. Trong bài phát biểu từ Điện Kremlin ngày 21-2, ông Putin nói rõ rằng, ông coi Ukraine không phải là thực thể độc lập và không thể phân biệt với Nga. “Ukraine là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa, không gian tinh thần của chúng ta” - Tổng thống V. Putin khẳng định và nhắc đến những người đồng chí, người thân và những người “gắn bó máu thịt với nước Nga”. Hầu như không có lập luận nào cho thấy sự kiềm chế trong đó. Nhà lãnh đạo Nga còn yêu cầu những người nắm giữ quyền lực ở Kiev chấm dứt ngay các hành động thù địch.

Thế giới sẽ sớm tìm hiểu xem liệu cơn giận dữ của Tổng thống Putin hôm 21-2 có phải là dấu hiệu báo trước của một vụ bùng nổ rộng lớn để kết thúc thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và mở ra một kỷ nguyên căng thẳng mới ở châu Âu hay không. Thực tế đó sẽ đòi hỏi một sự cân nhắc rất lớn về an ninh xuyên Đại Tây Dương - bao gồm cả việc điều động hàng nghìn lính Mỹ trở lại các căn cứ mà họ đã để lại vào những năm 1990 và đầu những năm 2000. Việc triển khai như vậy cũng sẽ làm phức tạp thêm mong muốn của Washington trong việc xoay trục sức mạnh quân sự của mình sang châu Á để mở ra một cuộc xung đột kiểu Chiến tranh Lạnh mới nhắm vào một siêu cường đang trỗi dậy là Trung Quốc.

Một cuộc xung đột địa chính trị kéo dài với Nga cũng sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và châu Âu phải cân nhắc xem ông Putin có thể cố gắng thúc đẩy nỗ lực vẽ lại biên giới của châu Âu đến đâu. “Điều khiến tôi lo lắng là những gì xảy ra sau Ukraine” - cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho biết trên CNN vào tối 21-2. Bên cạnh Ukraine, còn hàng loạt quốc gia từng thuộc Liên Xô hiện có số lượng lớn người Nga sinh sống như Latvia, Lithuania và Estonia... Bất kỳ nỗ lực nào của Matxcơva nhằm mở rộng nguyên tắc của mình ở đó đều có thể cực kỳ nguy hiểm, vì các nước này hiện đều là thành viên NATO - nơi họ có Hiệp ước phòng thủ chung theo quy định của liên minh này. Vài ngày tới, thực tế sẽ cho thấy Tổng thống V.Putin sẵn sàng hành động như thế nào và câu hỏi của cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper có thể có lời giải.

Tình báo Mỹ dự đoán, sau khi tuyên bố công nhận độc lập với 2 khu vực ở Donbass ngày 21-1, Nga sẽ sớm đưa quân tới đây. Thế giới sẽ sớm tìm hiểu xem liệu bước đi mới này có phải là dấu hiệu báo trước của một vụ bùng nổ rộng lớn để kết thúc thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và mở ra một kỷ nguyên căng thẳng mới ở châu Âu hay không.

(Theo CNN/AP)

Nguồn: Anninhthudo.vn