Xin chữ đầu xuân - Nét đẹp văn hóa của người Việt

Những nét chữ phượng múa rồng bay chứa đựng ước vọng về năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an. Phong tục khai bút, xin chữ đầu xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới.

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều người thường đi xin chữ các ông đồ.

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều người thường đi xin chữ các ông đồ.

Từ lâu, người xin chữ thường chọn ngày tốt, thậm chí có nhiều người còn cẩn thận chọn hướng tốt, giờ tốt để xuất hành xin chữ đầu năm. Ông đồ cho chữ thường là nho sĩ, thầy giáo, hiền tài đức độ, học rộng hiểu nhiều, viết chữ đẹp. Những ước vọng tốt đẹp trong năm mới được thể hiện trên từng nét bút phượng múa rồng bay. Người xin chữ vừa mong được thầy đồ chúc phúc vừa mong đời sống được ứng nghiệm với câu, chữ mình xin.

Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng của người xin chữ, nhưng đầu xuân năm mới mọi gia đình thường mong một cuộc sống bình an, từ đó người dân thường hay xin chữ “An”, chữ “Phúc” cho toàn thể gia đình, con cháu, người kinh doanh, buôn bán thì hay xin chữ “Hưng”, chữ “Thịnh”, chữ “Phát”, chữ “Lộc”, chữ “Tín”, người đi học thường xin chữ “Tài”, “Đăng khoa”, người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ “Thọ”…, có người muốn rèn khả năng chịu đựng thường xin chữ “Nhẫn” vì có nhẫn có nhịn thì mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành...

Chữ thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm của người phương Đông còn duy trì tới ngày nay, màu đỏ là màu của sự sống và sự tái sinh, là biểu tượng của sự may mắn, nên trong ngày Tết mọi thứ đều có màu đỏ: hoa đào, câu đối, phong bao mừng tuổi... đều có màu đỏ.

Khi xin được câu đối hay con chữ linh thiêng như ý, đem về nhà treo vào nơi trang trọng nhất, linh ứng nhất, dễ ngắm nhìn, để cầu nguyện thành đạt cho cuộc sống và cho học hành thi cử.

 

Nhiều người thường xin chữ đầu năm cầu may mắn, bình an.

Nhiều người thường xin chữ đầu năm cầu may mắn, bình an.

Từ xa xưa, thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày đầu năm mới của người Việt được coi là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình. Điều đó đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam từ nhiều thế kỷ, ngày càng được nối tiếp, thừa kế và gìn giữ.

Theo nhà thư pháp Cung Khắc Lược, xin chữ đầu năm chính là mong muốn của người xin chữ cho cả một năm mới mang đến những điều may mắn, bình an và phúc thọ tràn đầy. Mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ.

Những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới hạnh phúc, bình an được lồng trong những nét mực uyển chuyển. Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ và lấy chữ để răn mình. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Chữ Nho có thể viết theo nhiều cách, nên người cho chữ tùy tâm trạng, tùy hoa tay có thể tạo ra những hình tượng lạ mắt. Mỗi chữ hiện ra dưới tay các thầy đồ không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân.

Tục xin chữ - cho chữ đầu xuân sớm không rõ bắt đầu từ khi nào, nhưng có lẽ bắt nguồn từ chính những bậc hiền tài, hiếu học, hay chữ, trân trọng “nét chữ nết người”. Vì vậy, tục lệ xin chữ, cho chữ ngày xuân như hành động trao, nhận sự may mắn, phước lành. Mỗi người mỗi ý tứ, mong muốn xin chữ khác nhau nhưng tựu trung lại đều cầu mong những điều tốt lành, an vui từ trong tâm hồn cũng như thể hiện sự tôn trọng với nét chữ, nét hồn của dân tộc.

Mùa xuân mới đã về, mai đào khoe thắm và người người lại rủ nhau xin chữ cầu may đầu năm. Theo dòng chảy thời gian và sự chuyển biến của xã hội, thích ứng an toàn với dịch bệnh nhưng người dân nhiều thế hệ vẫn nhớ, mặn mà với tục khai bút, xin chữ, cho chữ đầu xuân thực sự là điều đáng mừng, rất cần được bảo tồn và phát huy theo đúng với ý nghĩa nhân văn của phong tục này.

Nguồn: Phapluatplus.vn