Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết
ANTD.VN - Sốt xuất huyết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.
- Bộ Y tế đề xuất đưa vaccine sốt xuất huyết vào tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí
- Số ổ dịch sốt xuất huyết và sởi ở Hà Nội tiếp tục tăng nhanh, đang trong cao điểm
Những biến chứng nguy hiểm
Gây biến chứng về mắt. Mù đột ngột và xuất huyết trong dịch kính mắt là hai biến chứng sốt xuất huyết cực kỳ nguy hiểm. Do xuất huyết võng mạc làm cho các mạch máu của võng mạc tổn thương làm suy giảm thị lực. Dịch kính là chất lỏng nhầy giúp chúng ta có thể nhìn được. Nhưng khi bị xuất huyết làm che phủ lớp dịch này và hòa tan gây ra xuất huyết trong dịch kính mắt khiến cho bệnh nhân gần như bị mù.
Sốt xuất huyết nếu không được điều trị đúng cách hoặc điều trị muộn có thể gây biến chứng nguy hiểm và có thể để lại những hậu quả nặng nề |
Sốc mất máu. Khi bị sốt xuất huyết ở giai đoạn nguy hiểm sẽ làm tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương và cô máu. Vì vậy máu sẽ bị đẩy ra ngoài qua những biểu hiện như: chảy máu khi chưa đến chu kỳ kinh nguyệt, chảy máu qua vết thương hở nặng hơn sẽ chảy máu cam, chảy máu chân răng. Thậm chí sẽ khiến cơ thể kiệt quệ, sốt cao dài ngày, buồn nôn, vã mồ hôi.
Mất ý thức, hôn mê. Biến chứng xuất huyết nặng nhất chính là hôn mê. Nguyên nhân là do dịch huyết tương bị ứ đọng ở màng não qua các thành mạch gây phù não và các hội chứng thần kinh dẫn đến hôn mê.
Hội chứng tràn dịch màng phổi. Lượng huyết tương tăng nhanh dẫn đếntràn dịch màng phổi, viêm phổi, phù phổi cấp ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao.
Dễ sảy thai, sinh non. Đối với phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt quệ, chán ăn do đó không đủ dinh dưỡng để nuôi bào thai. Thậm chí có thể dẫn đến bụng to cổ chướng do huyết tương bị thoát nhanh ra ngoài.
Suy gan, thận, tim. Khi bị xuất huyết sẽ làm máu chảy liên tục, tim sẽ không đủ sức bơm máu dẫn đến suy tim. Ngoài ra, tim còn bị tràn dịch gây ứ đọng do dịch huyết tương xuất huyết ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Cùng với đó, để bài tiết huyết tương qua nước tiểu thận cũng phải làm việc hết công suất. Vì thế bệnh nhân có thể bị suy thận cấp, rất nguy hiểm.
Đau đầu, chóng mặt, tụt huyết áp. Nhức đầu cực độ dẫn đến xuất huyết não và tử vong là biến chứng sốt xuất huyết não nghiêm trọng nhất. Bệnh nhân sẽ cảm thấy huyết áp giảm đột ngột, nhức đầu, khó khăn trong việc đứng và đi lại.
Ai dễ gặp biến chứng do sốt xuất huyết?
Người béo phì. Sốt xuất huyết ở người béo phì, dư cân, bác sĩ sẽ gặp không ít khó khăn trong vấn đề theo dõi, bù dịch so với người có cân nặng bình thường và việc điều trị sốt xuất huyết sẽ phức tạp hơn. Nguyên nhân là do người béo phì bị rối loạn về nhiều mặt như rối loạn chuyển hóa mỡ, đạm, đường, điện giải, rối loạn nhịp thở, rối loạn miễn dịch... Tỉ lệ sốc do sốt xuất huyết ở người có cân nặng bình thường là 4,6% thì ở người béo phì lên đến gần 15%.
Người mắc bệnh mãn tính, bệnh lý đi kèm. Sốt xuất huyết ở người bị viêm loét dạ dày tá tràng, người bị rối loạn đông cầm máu, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, suy gan, men gan tăng cao, phụ nữ có thai... dễ có biến chứng khi bị sốt xuất huyết. Đối với sốt xuất huyết ở người bị viêm loét dạ dày tá tràng, đây là bệnh cảnh sốt xuất huyết Dengue nặng, bệnh nhân sẽ bị xuất huyết tiêu hóa, làm cho tình trạng trở nên nghiêm trọng.
Nhận biết dấu hiệu nguy hiểm
Chảy máu: Xuất hiện các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều bất thường/chảy máu âm đạo. Người bệnh nôn liên tục; Đau bụng dữ dội; Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; Khó thở… Ngoài ra, nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường, cũng nên đến bệnh viện để được xử trí càng sớm càng tốt. Các trường hợp có tiểu cầu hạ thấp cũng cần vào viện để theo dõi, tránh nguy cơ chảy máu, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng.
Làm gì để hạn chế biến chứng?
Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được thăm khám ở cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trong trường hợp được bác sĩ khám bệnh cho điều trị tại gia đình, cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết người bệnh (nếu có) cũng như các dấu hiệu bất thường xuất hiện, nếu cần phải cho người bệnh đến bệnh viện ngay.
Điều trị và theo dõi sốt xuất huyết tại gia đình phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt không được dùng Aspirin, chỉ dùng Paracetamol đơn chất theo chỉ định của nhân viên y tế. Cần bù dịch sớm bằng đường uống, khuyến khích người bệnh uống nhiều nước Oresol, nước trái cây, nước cháo loãng với muối. Khi bệnh nhân không uống được do nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước, xét nghiệm Hematocrit tăng cao phải chỉ định truyền dịch.
Theo https://www.anninhthudo.vn/bien-chung-nguy-hiem-cua-sot-xuat-huyet-post597047.antd