Bộ Công an đề xuất tăng mạnh mức phạt tiền, phạt tù đối tượng bán thực phẩm “bẩn”
ANTD.VN - Tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền đến 3 tỷ đồng, phạt tù tới 20 năm với đối tượng phạm tội về an toàn thực phẩm.
- Ngăn chặn thực phẩm bẩn từ cửa ngõ Thủ đô
- Cận cảnh kho hàng chứa 10 tấn thực phẩm bẩn trong khu công nghiệp
Một trong những tội bị đề xuất nâng mức phạt cao nhất (tăng tới 6 lần) là “Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” (Điều 317).
Theo đó, hành vi dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm bị cấm sử dụng, ngoài danh mục được dùng trong thực phẩm, hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; hành vi sử dụng động vật chết, có nguồn dịch bệnh bị buộc tiêu hủy để chế biến, buôn bán thực phẩm; nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm có chất phụ gia, chất cấm... có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, tùy theo số tiền thu lợi và tính chất nghiêm trọng của hành vi. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, tiền phạt với tội này chỉ bị phạt từ 50 - 500 triệu đồng.
Ngoài tăng mức phạt tiền, dự thảo còn đề xuất nâng mức phạt tù tối thiểu với người phạm tội này từ một năm lên thành 3 năm. Khung hình phạt nhẹ nhất là từ 3 - 7 năm tù (quy định hiện hành từ 1 - 5 năm tù).
![]() |
Thực phẩm "bẩn" gây huy hại đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng |
Cũng theo BLHS 2015, người dùng hóa chất, phụ gia chỉ bị quy trách nhiệm hình sự nếu biết các phụ gia, hóa chất đó thuộc danh mục cấm.
Theo điểm a, khoản 1, Điều 317, phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1 - 3 năm với người sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
Song trong dự thảo Luật mới, Bộ Công an đề xuất bỏ cụm "mà biết". Nghĩa là, người phạm tội sẽ phải chịu hình phạt, dù biết hay không biết các hóa chất, phụ gia và nguồn độc vật đó có hại.
Bên cạnh đó, với “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” (điều 193) cũng bị đề xuất tăng gấp đôi mức phạt bổ sung, từ 20 - 100 triệu lên 40 - 200 triệu đồng. Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tới 36 tỷ đồng (mức hiện tại là 18 tỷ đồng).
Đặc biệt, Dự thảo Luật còn đề xuất mức phạt tù 5 - 10 năm áp dụng với người người sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm "hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên".
Không chỉ có vậy, dự thảo Luật còn đề xuất bổ sung 1 Điều luật mới liên quan đến tội phạm môi trường, đó là “Tội xả trái phép chất thải thông thường ra môi trường (Điều 235a Dự thảo). Tùy theo khối lượng chất thải bị xả trái phép, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 3 tháng - 5 năm.
Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 6 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động 6 tháng - 2 năm.
Theo https://www.anninhthudo.vn/bo-cong-an-de-xuat-tang-manh-muc-phat-tien-phat-tu-doi-tuong-ban-thuc-pham-ban-post609092.antd