Navbar with Dropdown

Bước ngoặt trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Nhân đạo quốc tế

ANTD.VN - Việc Viện Raoul Wallenberg (RWI) - một tổ chức quốc tế có trụ sở tại Thụy Điển nổi tiếng với các hoạt động thúc đẩy nhân quyền đưa ra sáng kiến Cơ sở dữ liệu giám sát tuân thủ tình hình vi phạm Luật Nhân đạo quốc tế (IHL) có thể coi là bước ngoặt lớn trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng vi phạm IHL trên thế giới.

Những thành tựu bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam là không thể xuyên tạc, phủ nhận

Những thành tựu bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam là không thể xuyên tạc, phủ nhận

Công cụ hỗ trợ truy tố hành vi vi phạm

Sáng kiến Cơ sở dữ liệu giám sát tuân thủ tình hình vi phạm IHL (ICMD) có thể coi là một hệ thống đột phá nhằm thu thập, phân tích và cung cấp thông tin về các vi phạm IHL trên toàn cầu. Với sự hỗ trợ từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ICMD không chỉ cung cấp dữ liệu đáng tin cậy mà còn hỗ trợ các tòa án quốc tế trong việc truy tố các hành vi vi phạm. Nó còn là một nền tảng hỗ trợ các cuộc đối thoại chính sách và những nỗ lực vận động nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình.

Luật Nhân đạo quốc tế (IHL), hay còn gọi là Luật Chiến tranh, là một lĩnh vực pháp lý nhằm bảo vệ những người không tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang và hạn chế phương thức, phương tiện chiến tranh mà các bên tham chiến có thể sử dụng. Khái niệm này ra đời từ nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc, đặc biệt là khi những cuộc xung đột làm ảnh hưởng đến hàng triệu dân thường.

Lịch sử phát triển của IHL bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX, khi Henry Dunant - một nhà từ thiện người Thụy Sĩ chứng kiến sự tàn phá và đau thương mà trận chiến Solferino (1859) ở miền Bắc Italia gây ra. Đây là cuộc giao chiến khốc liệt giữa quân đội liên minh Pháp - Italia chống lại quân chiếm đóng Áo đã để lại trên chiến trường xác 40 nghìn người. Từ trải nghiệm kinh hoàng này, ông đã viết cuốn sách “Ký ức về Solferino”, kêu gọi sự cần thiết phải thành lập các tổ chức cứu trợ và quy định về cách đối xử với những người bị thương trong chiến tranh.

Năm 1864, Công ước Geneva đầu tiên được ký kết, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc hình thành IHL. Công ước này thiết lập các nguyên tắc cơ bản nhằm bảo vệ thương binh và bệnh nhân trong chiến tranh. Từ đó, nhiều công ước khác được ban hành để mở rộng phạm vi bảo vệ, bao gồm các quy định về tù nhân chiến tranh và dân thường. Đặc biệt, các nghị định thư bổ sung năm 1977 đã điều chỉnh và mở rộng bảo vệ cho những người không tham gia trực tiếp vào xung đột, nhấn mạnh sự cần thiết phải phân biệt giữa các mục tiêu quân sự và dân sự. Các văn kiện này đã được quốc tế công nhận và cam kết tuân thủ, tạo nên một khung pháp lý mạnh mẽ để bảo vệ nhân quyền trong bối cảnh chiến tranh. Tuy nhiên, hơn một thế kỷ sau khi Công ước Geneva đầu tiên được thông qua, tình trạng vi phạm IHL vẫn diễn ra phổ biến và nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề cho hàng triệu người dân vô tội.

Sử dụng sức mạnh của AI và học máy để phân tích dữ liệu từ hàng nghìn nguồn thông tin, bao gồm các báo cáo nhân quyền, thông tin từ các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (LHQ) và các phương tiện truyền thông xã hội, ICMD cung cấp bằng chứng và dữ liệu đáng tin cậy để các tòa án có thể sử dụng trong quá trình truy tố các cá nhân và tổ chức vi phạm. Một ví dụ tiêu biểu là ICMD giúp xây dựng hồ sơ vụ án liên quan đến các cuộc tấn công nhắm vào dân thường tại các khu vực xung đột ở châu Phi, cung cấp cơ sở pháp lý để đưa các thủ phạm ra trước công lý.

Một điểm đột phá là ICMD không chỉ tập trung vào việc xác định vi phạm mà còn cung cấp các dự báo về xu hướng xung đột, hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc ngăn chặn xung đột trước khi chúng xảy ra. Phát biểu tại lễ ra mắt ICMD, Giáo sư Morten Kjaerum - Giám đốc RWI nhấn mạnh: “ICMD không chỉ là một công cụ thu thập dữ liệu mà còn là một biểu tượng của cam kết nhân đạo. Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng một thế giới nơi không ai có thể trốn tránh trách nhiệm trước các hành động vi phạm IHL”.

Tôn trọng, tuân thủ các điều ước về chiến tranh

Là quốc gia đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước trong lịch sử, Việt Nam nhận thức rõ về những hệ quả nghiêm trọng do các cuộc xung đột vũ trang gây ra. Việt Nam đã tham gia các Công ước Geneva 1949 về bảo vệ những người ngoài vòng chiến đấu, hoặc đã bị loại khỏi cuộc xung đột, từ năm 1957, cùng nhiều điều ước quốc tế khác liên quan đến chiến tranh và luôn tôn trọng, tuân thủ các điều ước về chiến tranh mà Việt Nam là thành viên.

Kể từ khi gia nhập LHQ năm 1977 đến nay, Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều điều ước quốc tế về chiến tranh và các điều ước có liên quan khác, như: Công ước về Quyền Trẻ em 1989 và Nghị định thư không bắt buộc về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang 2000; Nghị định thư Geneva về khí độc và các phương pháp sinh học; Công ước về cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ các loại vũ khí vi trùng (sinh học) và vũ khí độc hại cũng như về sự hủy diệt của các loại vũ khí đó 1972; Công ước về một số vũ khí thông thường (CCW) 1980; Công ước cấm vũ khí hóa học 1993; Hiệp ước cấm sử dụng vũ khí hạt nhân 2017…

Thực thi nghĩa vụ thành viên của các điều ước quốc tế về chiến tranh, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của các điều ước. Biên bản “Tóm tắt chính sách đối với tù hàng binh trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954”, quy định rõ: Binh lính địch đã hạ vũ khí hay chịu bắt làm tù binh thì đối xử tử tế, không khinh bỉ dọa nạt, không vuốt ve suồng sã, đồng thời phải đề cao cảnh giác; Tuyệt đối không chửi mắng, đánh đập, bắn giết tù hàng binh; Phải cứu chữa tù hàng binh bị thương; Không được lấy đồ dùng và tiền bạc riêng của tù hàng binh. Vũ khí quân dụng và tài liệu quân sự thì phải tịch thu quỹ công; Luôn luôn tuyên truyền giải thích giác ngộ cho tù hàng binh.

Việt Nam cũng đã có cụ thể hóa một số quy định trong các điều ước quốc tế về chiến tranh vào pháp luật quốc gia. Điều này được thể hiện trong các quy định trong pháp luật hình sự. Ba nội dung rất quan trọng về chiến tranh và hòa bình được chi tiết hóa vào trong Luật Hình sự Việt Nam, đó là tội chống loài người (Điều 422), tội phạm chiến tranh (Điều 423), tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê (Điều 424); tội làm lính đánh thuê (Điều 425) với các chế tài pháp lý rất nghiêm khắc.

Tại LHQ, Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi các quốc gia tăng cường thực thi IHL và phối hợp trong việc thiết lập các cơ chế giám sát hiệu quả. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, nơi mà Luật Nhân đạo quốc tế được áp dụng như một phần quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ dân thường. Bên cạnh đó, Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức các hội thảo, hội nghị nâng cao nhận thức về IHL trong khu vực ASEAN. Với sáng kiến ICMD mới được đưa ra, Việt Nam không chỉ bày tỏ sự ủng hộ mà còn có thể đóng vai trò là cầu nối giữa các quốc gia trong khu vực, chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích sự tham gia của các nước vào sáng kiến này.

Theo https://www.anninhthudo.vn/buoc-ngoat-trong-no-luc-ngan-chan-tinh-trang-vi-pham-luat-nhan-dao-quoc-te-post597781.antd
KINHTEPLUS.VN

Bản tin kinh tế toàn cảnh của Việt Nam và thế giới. Góc nhìn từ các chuyên gia kinh tế. Kết nối hợp tác kinh doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ.

KẾT NỐI CHÚNG TÔI

  • fab fa-facebook
  • fab fa-google
  • fab fa-twitter
  • fab fa-youtube
  • fab fa-instagram
Image
BÀI NỔI BẬT
CHUYÊN MỤC
Liên Hệ
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HVL MEDIA
Hotline: 0904114818
Tổng giám đốc: Nguyễn Phương Loan
Email: kinhteplus.vn@gmail.com
Page: https://www.facebook.com/profile.php?id=100063543881374