Navbar with Dropdown

Cần nhiều chính sách thúc đẩy ngành bán lẻ

(PLVN) - Bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, do đó, cần có nhiều chính sách thúc đẩy ngành này, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Nhiều xu thế bán lẻ mới xuất hiện

Phát biểu tại Diễn đàn Chính sách và Pháp luật Phát triển Thương mại trong nước năm 2024 với chủ đề “Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại nhanh, bền vững”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/12, TS. Vương Quang Lượng - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương nhận định, bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (năm 2023 chiếm đến 78%). Điều này cho thấy phát triển thị trường bán lẻ là một trong những mục tiêu và động lực quan trọng của tăng trưởng thương mại nội địa cũng như tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Hiện, các thành phần kinh tế tham gia hoạt động bán lẻ cũng ngày càng đa dạng, thương mại bán lẻ đang có sự chuyển dịch từ những phương thức kinh doanh truyền thống sang hình thức kinh doanh hiện đại trên nền tảng số và thương mại điện tử (TMĐT), mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến… Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự hình thành các mô hình, phương thức kinh doanh bán lẻ hiện đại, chuyên nghiệp, đặt ra cho ngành bán lẻ Việt Nam những yêu cầu phát triển mới với những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi tạo ra những bước đột phá lớn.

Đáng chú ý, ông Long cho rằng, khái niệm về thị trường bán lẻ không còn đơn thuần là mua và bán một mặt hàng mà đã mở rộng ra cả những dịch vụ hỗ trợ và trải nghiệm tiêu dùng cho khách hàng. Để cạnh tranh, các nhà bán lẻ liên tục phải đổi mới phương thức và kênh bán hàng, trong đó chú trọng các dịch vụ như giao hàng tận nơi, giao hàng trong ngày, ứng dụng các công cụ trực tuyến để giúp khách hàng lựa chọn hàng hóa, thử hàng, chuyển đổi hay trả hàng, cũng như thanh toán điện tử một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất có thể.

Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng sẽ phát triển nhanh với các thói quen tiêu dùng mới như thanh toán không tiền mặt, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt sẽ chiếm tỷ trọng cao trong các giao dịch thanh toán thương mại bán lẻ. Xu hướng cạnh tranh về công nghệ giữa các nhà bán lẻ để cải thiện độ tiện ích trong thanh toán trực tuyến sẽ là xu hướng chủ đạo trong những năm tới.

Ngoài ra, những thay đổi về nhân khẩu học của người tiêu dùng (NTD) được dự báo sẽ diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, tạo ra những nhu cầu và mong muốn ngày càng mở rộng và đa dạng. Những đặc điểm như độ tuổi trung bình cao hơn, các bệnh liên quan đến béo phì, huyết áp, tim mạch… cũng tác động đến cơ cấu hàng hóa tiêu dùng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, NTD cũng có kỳ vọng cao hơn đối với các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong việc duy trì các sáng kiến ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Trong một báo cáo nghiên cứu của Công ty Deloite, 3/4 số NTD thuộc Gen Z cho biết tính bền vững quan trọng hơn thương hiệu khi đưa ra quyết định mua hàng.

Bà Đoàn Thị Hương Thanh, Giám đốc Pháp chế, Wincommerce cho biết thêm, TMĐT nước ngoài (nhất là các nước có vị trí liền kề với Việt Nam) đang phát triển mạnh và có nhiều ưu thế như chuyển phát nhanh, giá thành rẻ, hệ thống kho bãi, logistic, thông quan qua các cửa khẩu thông minh, chính sách thuế tốt… đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN Việt Nam nói chung và đặc biệt là các DN bán lẻ nói riêng.

Tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh tốt hơn

Trước các khó khăn, thách thức mà ngành bán lẻ đang đối mặt, bà Đoàn Thị Hương Thanh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần có chính sách và biện pháp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ, logistics tại vùng, địa phương để đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển mạng lưới logistics quốc gia, đầu tư hệ thống kho bãi, vận tải và các trung tâm logistics hiện đại để tăng cường hiệu quả và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, tạo lợi thế cạnh tranh so với DN nước ngoài.

Đồng thời, đề nghị các tỉnh hỗ trợ đẩy nhanh quá trình công nhận các quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nội địa (đặc biệt là đặc sản Việt Nam) và có hướng dẫn triển khai việc đánh giá, cấp chứng nhận nhãn hiệu nổi tiếng cho các nhà bán lẻ nhằm tăng cường nhận diện sản phẩm/nhà bán lẻ nội địa, tránh đạo nhái, làm giả hàng hóa.

Ngoài ra, bà Đoàn Thị Hương Thanh cũng kiến nghị Chính phủ cần triển khai các hành động thúc đẩy nhanh sự phát triển của TMĐT trong nước, như hoàn thiện khung pháp lý, phát triển dịch vụ công phục vụ cho TMĐT; hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào vận hành kinh doanh, quản lý kho, phân tích dữ liệu khách hàng để tăng trải nghiệm người dùng; Hỗ trợ DN Việt Nam xây dựng các sàn TMĐT nội địa có tính cạnh tranh với các nền tảng nước ngoài và tổ chức sự kiện, hoạt động với DN Việt Nam quảng bá, giới thiệu sản phẩm nội địa trên nền tảng TMĐT.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực - Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các DN nhỏ và vừa, cung cấp các gói tín dụng ưu đãi hoặc giảm thuế cho các DN đầu tư vào công nghệ sạch và thân thiện với môi trường bởi đây là lực lượng chủ yếu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất hàng hóa chất lượng cao, mở rộng quy mô thị trường và thực hiện các trách nhiệm xã hội.

Theo https://baophapluat.vn/can-nhieu-chinh-sach-thuc-day-nganh-ban-le-post533869.html
KINHTEPLUS.VN

Bản tin kinh tế toàn cảnh của Việt Nam và thế giới. Góc nhìn từ các chuyên gia kinh tế. Kết nối hợp tác kinh doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ.

KẾT NỐI CHÚNG TÔI

  • fab fa-facebook
  • fab fa-google
  • fab fa-twitter
  • fab fa-youtube
  • fab fa-instagram
Image
BÀI NỔI BẬT
CHUYÊN MỤC
Liên Hệ
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HVL MEDIA
Hotline: 0904114818
Tổng giám đốc: Nguyễn Phương Loan
Email: kinhteplus.vn@gmail.com
Page: https://www.facebook.com/profile.php?id=100063543881374