Navbar with Dropdown

Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam và sứ mệnh với dân tộc (Bài 4): Doanh nhân thời kỳ mới: Tự hào, tự tôn dân tộc để nâng tầm giá trị

(PLVN) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới cần hội tụ những đặc điểm quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, yếu tố cốt lõi vẫn là tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc. Cũng chính điều đó đã tạo nên những doanh nghiệp dân tộc (DNDT), doanh nhân dân tộc...

Tư duy đổi mới sáng tạo là điều kiện tiên quyết

Khẳng định tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc là nền tảng cơ bản của sự phát triển, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội cho rằng: Doanh nhân thời kỳ mới không chỉ hướng đến lợi ích kinh tế mà còn phải gắn bó chặt chẽ với mục tiêu phát triển quốc gia, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường. Cùng với yếu tố cốt lõi trên, tư duy đổi mới sáng tạo là điều kiện tiên quyết để DN phát triển. Doanh nhân phải nhạy bén với xu hướng công nghệ, sẵn sàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và các nền tảng công nghệ hiện đại khác để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Sự sáng tạo không chỉ dừng lại ở việc làm mới sản phẩm mà còn là cách tiếp cận thị trường, xây dựng mô hình kinh doanh linh hoạt và bền vững.

TS. Mạc Quốc Anh.

TS. Mạc Quốc Anh.

Yếu tố tiếp theo là năng lực quản trị DN chuyên nghiệp. Điều này đòi hỏi doanh nhân phải có kiến thức sâu rộng về quản lý tài chính, nhân sự và chiến lược kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt. Cuối cùng, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội là nền tảng để tạo dựng niềm tin với khách hàng, đối tác và cộng đồng. “Doanh nhân thời kỳ mới cần cam kết phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường, thúc đẩy chuyển đổi xanh và bảo vệ quyền lợi người lao động” - TS. Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Không phải chỉ quẩn quanh trên “sân nhà”

Theo ông Hồ Hoàng Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phú Thành: Điều đầu tiên lãnh đạo các DN phải luôn có là tư duy “Go Global” chứ không phải chỉ quẩn quanh trên “sân nhà”.

Phải có tầm nhìn dài hạn và có chiến lược kinh doanh rõ ràng để thực hiện mục tiêu “Go Global”. Cùng với đó, DN phải đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu, tăng cường sự hiện diện tại các thị trường thông qua các triển lãm quốc tế hoặc hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài; Áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. “Đây vừa là nhiệm vụ cấp thiết để quản lý doanh nghiệp hiệu quả và cạnh tranh, vừa là yêu cầu của xã hội, của người tiêu dùng và của pháp luật” - ông Hồ Hoàng Hải khẳng định.

Ông Hồ Hoàng Hải.

Ông Hồ Hoàng Hải.

Cùng với đó, ông Hồ Hoàng Hải cho rằng, đội ngũ doanh nhân luôn cần gây dựng niềm tin với đối tác, khách hàng, đó chính là một phần quan trọng của văn hóa kinh doanh. Mà văn hóa kinh doanh cũng như văn hóa DN thường dựa trên những giá trị cốt lõi của dân tộc. Đạo đức, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội là những yếu tố không thể thiếu để DN Việt Nam thành công và phát triển bền vững.

Về kỳ vọng của DN vào “đòn bẩy” của Nghị quyết 41-NQ/TW, CEO Phú Thành đánh giá: “Không phải bây giờ mà rất nhiều thế hệ các DN, doanh nhân Việt Nam trước nay vẫn luôn có khát vọng đưa Việt Nam trở nên hùng cường. Nhưng trong “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc hiện nay, các DN luôn kỳ vọng và quyết tâm hơn bởi ý thức được cơ hội quý để bứt phá khi có những cam kết mạnh mẽ, hành động quyết liệt của Chính phủ; Cho thấy sự chung tay của Chính phủ cũng như hệ thống chính trị ủng hộ, hỗ trợ các DN vươn mình vào kỷ nguyên mới”.

Gặp khó vì thiếu tầm nhìn chiến lược

Mặc dù lực lượng doanh nhân Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên, theo TS. Mạc Quốc Anh, DN Việt vẫn tồn tại một số điểm yếu và thiếu cần khắc phục như: Thiếu tính chuyên nghiệp trong quản trị: Nhiều DNNVV (SMEs) chưa có hệ thống quản trị bài bản. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát chi phí, nâng cao năng suất lao động và mở rộng quy mô kinh doanh. Hạn chế trong năng lực cạnh tranh quốc tế: Phần lớn DN Việt Nam vẫn tập trung vào thị trường nội địa với sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Chất lượng sản phẩm chưa ổn định và thương hiệu quốc gia chưa được xây dựng mạnh mẽ trên trường quốc tế. Thiếu vốn và công nghệ hiện đại: Nhiều DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến khả năng đổi mới sáng tạo và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hạn chế về trách nhiệm xã hội: Một số DN chưa coi trọng việc thực hiện trách nhiệm xã hội, chưa đầu tư đủ vào các hoạt động bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng và đảm bảo quyền lợi người lao động. Tư duy ngắn hạn: Một bộ phận doanh nhân còn thiếu tầm nhìn chiến lược, chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt mà chưa chú trọng đến các mục tiêu phát triển bền vững dài hạn.

Cải thiện chính sách để “vươn mình”

Để phát triển, phát triển bền vững và nâng cao giá trị, TS. Mạc Quốc Anh cho rằng Chính phủ nên tập trung vào các giải pháp như: Cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình thành lập và vận hành DN, giảm thiểu chi phí không chính thức và tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi. Đồng thời, Chính phủ cần có các chương trình hỗ trợ DN trong việc nghiên cứu và phát triển (R&D), tiếp cận công nghệ mới và ứng dụng chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ sở đào tạo cần phối hợp với DN để xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là nền tảng để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Về tăng cường liên kết vùng và chuỗi giá trị: Chính sách cần khuyến khích sự liên kết giữa các DN lớn và nhỏ, giữa các vùng kinh tế trong nước và với các đối tác quốc tế. Điều này giúp DN Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Về hỗ trợ tài chính: Các quỹ đầu tư và ngân hàng cần xây dựng các gói tài chính linh hoạt, ưu đãi cho các DN tiềm năng. Đồng thời, cần mở rộng kênh tiếp cận vốn thông qua thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm. Về xây dựng thương hiệu quốc gia: Chính phủ và các hiệp hội ngành nghề cần phối hợp để xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia, thúc đẩy hình ảnh hàng Việt Nam chất lượng cao trên thị trường quốc tế.

Về khuyến khích chuyển đổi xanh: Cần có chính sách khuyến khích DN tham gia vào các hoạt động sản xuất bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính. Điều này không chỉ giúp DN đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia...

TS. Luật sư Đặng Văn Cường.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường.

Chia sẻ về những giải pháp này, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Hoàn thiện chính sách pháp luật để tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, phòng, chống tham nhũng quyết liệt để đảm bảo công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường là yếu tố quan trọng để tạo môi trường thuận lợi cho DN và doanh nhân hoạt động, có cơ hội phát triển và cống hiến cho xã hội, cho đất nước.

Ngoài ra, trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ doanh nhân Việt cũng cần phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, kiến thức về đầu tư, kinh doanh và đặc biệt là khả năng ngoại ngữ, hiểu biết về luật pháp quốc tế để khi ra môi trường lớn hơn thì cần có sức mạnh hơn, tầm nhìn rộng hơn và có đủ năng lực để tham gia vào các quan hệ thương mại quốc tế. Các cơ sở giáo dục về thương mại quốc tế, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, an ninh mạng, công nghệ thông tin tiếp tục cần được quan tâm đầu tư hơn nữa. Các chuyên ngành, lĩnh vực bổ sung kiến thức, kinh nghiệm cho DN và doanh nhân, các cơ sở đào tạo doanh nhân cũng cần được tạo điều kiện, có sự quản lý của Nhà nước sao cho doanh nhân có cơ hội học tập, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.

“Hiện nay, các DNNVV cũng chưa quan tâm nhiều đến vấn đề phòng ngừa rủi ro pháp lý, nhận thức hiểu biết pháp luật hạn chế dẫn đến những thua thiệt trong giao dịch, đặc biệt là trong thương mại quốc tế. Bởi vậy, phòng ngừa rủi ro cho DN bằng cách nâng cao hiểu biết nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật và xây dựng hệ thống pháp luật DN để bảo vệ DN trong nước cũng là một vấn đề quan trọng cần quan tâm trong thời gian tới” - Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát: Cần đặc biệt tháo gỡ về thể chế chính sách, thủ tục hành chính

Doanh nghiệp Việt Nam cần cơ chế, chính sách gì để phát triển vươn tầm quốc tế? Để đất nước phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn thì cần đặc biệt tháo gỡ về thể chế chính sách, thủ tục hành chính.

Về việc này, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt. Khi những “nút thắt” về cơ chế, chính sách, các thủ tục đầu tư sản xuất kinh doanh được tháo gỡ kịp thời, doanh nghiệp sẽ phát huy được mọi nguồn lực vốn có để vươn tầm, phát triển mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành cần có chính sách quy định cụ thể, ủng hộ và bảo vệ hợp lý cho hoạt động sản xuất trong nước theo các quy định của Việt Nam và thế giới cho sản xuất trong nước. Như thế các doanh nghiệp sẽ yên tâm đẩy mạnh đầu tư hơn, mở rộng quy mô hoạt động và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Quỳnh Chi (ghi)

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường tài chính và Bất động sản Toàn Cầu: Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là về vốn

“Theo suy nghĩ của tôi, DN Việt khá năng động, năng lực làm việc rất cao. Họ cũng rất cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Những đức tính này được tích lũy qua hàng ngàn năm lịch sử, tạo nên một sức mạnh to lớn giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, cùng với những điểm mạnh, DN Việt cũng có nhiều hạn chế như: Tính tuân thủ pháp luật không cao; Sự sáng tạo cũng còn kém so với một số nước trong khu vực và trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc...). Mặt khác, một bộ phận người Việt cũng không nhất quán trong công việc, ứng xử nên chất lượng công việc chưa được như mong muốn.

Để trở thành lực lượng tiên phong, nòng cốt của nền kinh tế, DN cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là về vốn. Đây có thể nói là yếu tố sống còn của DN. Bên cạnh đó, cần thiết phải đào tạo đội ngũ nhân sự quản lý thật sự chất lượng, tăng cường công tác quản trị DN nhằm tạo nên những DN lớn, DN đầu đàn dẫn dắt nền kinh tế phát triển xứng tầm. Cùng với đó, nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý kinh doanh của các quốc gia tiên tiến, có nền kinh tế phát triển, có như vậy kinh tế đất nước mới có thể phát triển và vươn xa...”.

Đoan Trang (ghi)

(Còn tiếp)

Theo https://baophapluat.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan-viet-nam-va-su-menh-voi-dan-toc-bai-4-doanh-nhan-thoi-ky-moi-tu-hao-tu-ton-dan-toc-de-nang-tam-gia-tri-post536279.html
KINHTEPLUS.VN

Bản tin kinh tế toàn cảnh của Việt Nam và thế giới. Góc nhìn từ các chuyên gia kinh tế. Kết nối hợp tác kinh doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ.

KẾT NỐI CHÚNG TÔI

  • fab fa-facebook
  • fab fa-google
  • fab fa-twitter
  • fab fa-youtube
  • fab fa-instagram
Image
BÀI NỔI BẬT
CHUYÊN MỤC
Liên Hệ
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HVL MEDIA
Hotline: 0904114818
Tổng giám đốc: Nguyễn Phương Loan
Email: kinhteplus.vn@gmail.com
Page: https://www.facebook.com/profile.php?id=100063543881374