Doanh nghiệp phải chuyển đổi sản xuất khi Châu Âu áp dụng kế hoạch kinh tế tuần hoàn
(PLVN) - Kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn (CEAP) sẽ có tác động đến 7 nhóm lĩnh vực xuất khẩu chính của Việt Nam, trong đó có thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, nhóm về pin; nhóm về bao bì, nhóm về nhựa, dệt may, da giày và một số lĩnh vực khác… cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Nhiều quy định phức tạp
Ông Đỗ Hữu Hưng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, CEAP là một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu. CEAP có rất nhiều quy định, nhưng doanh nghiệp (DN) cần phải quan tâm một số quy định liên quan đến thiết kế sinh thái, sản phẩm bền vững. Quy định này đã có hiệu lực từ tháng 7/2024, có thể ảnh hưởng đến một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may và giày dép, các sản phẩm nhựa và bao bì.
Ông Hưng nhấn mạnh: “Phải khẳng định những quy định này rất phức tạp, ngay cả bản thân chúng tôi khi nghiên cứu cũng thấy như vậy. Tuy nhiên, hiện giờ phía EU chưa có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Dự kiến có thể đến cuối năm 2025 họ mới có những quy định, hướng dẫn cụ thể hay liên quan đến ngăn chặn, tiêu hủy những sản phẩm dệt may và giày dép tồn kho thì có thể giữa năm 2026 họ mới chính thức áp dụng”.
TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực chất kinh tế tuần hoàn là việc làm rất hiệu quả nhưng lâu nay DN thường sản xuất theo cách truyền thống và không để ý những việc cần phải làm để hướng đến quy trình sản xuất theo hướng tuần hoàn. “Tôi nghĩ nếu DN nào làm được tốt những quy trình hoặc những giải pháp kinh tế tuần hoàn thì DN đấy sẽ đạt được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh tốt hơn. Vì kinh tế tuần hoàn là tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm được năng lượng, kéo dài được vòng đời sản phẩm, giảm thiểu được chất thải… Đấy là những hiệu quả chính cho DN và sau đó cho xã hội, bớt đi gánh nặng về xử lý những vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chuyển đổi sản xuất sẽ tạo được hiệu quả kinh doanh tốt hơn
Theo ông Hưng, để đáp ứng được những quy định liên quan đến CEAP thì các DN sẽ phải đầu tư sản xuất, sẽ phải thay đổi quy trình sản xuất, quy trình quản lý; chi phí đầu tư tăng cũng có thể khiến chi phí, giá thành sản phẩm sẽ tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Đây là những thách thức lớn đối với các DN trong nhiều lĩnh vực, nhưng những quy định này cũng có thể tạo ra một số cơ hội nhất định.
Ví dụ ở châu Âu, DN có thể sẽ có những tệp khách hàng mới. Bởi trước khi những quy định CEAP của châu Âu có hiệu lực thì bản thân người châu Âu đã có xu hướng tiêu dùng bền vững. Một bộ phận đã có xu hướng nhận thức cao về bảo vệ môi trường, ưu tiên những sản phẩm bảo vệ môi trường. “Chính vì thế, nếu DN của chúng ta có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn như thế thì có thể sẽ tiếp cận được những đối tượng khách hàng mới” - ông Hưng nói.
Bên cạnh đó, ông Hưng cho rằng, mặc dù chi phí đầu tư sản xuất để thay đổi nhằm đáp ứng được những tiêu chuẩn châu Âu ban đầu có thể cao, nhưng khi các DN đã có được chiến lược đầu tư bài bản sẽ thu được những hiệu suất kinh doanh sản xuất tốt hơn thì cũng sẽ giảm được chi phí về lâu dài.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên cũng khẳng định, kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội với DN Việt. Có thể nói, yêu cầu của thị trường có tính quyết định, DN lập tức phải chuyển đổi bởi vì nếu không đáp ứng được thì không thể vào được thị trường.
Đáng chú ý, ông Dương cho rằng, kinh tế tuần hoàn cũng chính là động lực thúc đẩy DN chuyển đổi sản xuất và đạt hiệu quả kinh tế hơn. Ví dụ, May Hưng Yên đã xử lý được toàn bộ phần giẻ vụn có thể dùng để tái chế mà không thải ra môi trường. Hoặc 100% các nhà máy đều dùng máy cắt tự động, qua đó, giảm được lượng giẻ, giảm được các chi phí nguyên liệu và có mức độ cắt chính xác tốt hơn. Điều này khẳng định khi DN chuyển đổi thì chắc chắn sẽ tạo ra được hiệu quả kinh doanh và giảm ô nhiễm môi trường.
Theo https://baophapluat.vn/doanh-nghiep-phai-chuyen-doi-san-xuat-khi-chau-au-ap-dung-ke-hoach-kinh-te-tuan-hoan-post533182.html