Đổi mới sáng tạo: Chìa khóa phát triển bền vững tại Đồng Nai
(PLVN) - Năm 2024, hàng loạt chương trình và sự kiện lớn đã được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Đồng Nai triển khai thành công. Điển hình là Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai (Techfest DongNai 2024), thu hút hơn 1.500 đại biểu từ khắp cả nước.
Sự kiện này không chỉ là nơi trưng bày các sản phẩm đổi mới sáng tạo mà còn mở ra cơ hội kết nối các dự án khởi nghiệp với nhà đầu tư. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam phỏng vấn ông Lại Thế Thông – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai liên quan những thành tựu của ngành trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội.
Lan tỏa tinh thần “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”
- Trong năm qua, chuỗi sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest DongNai 2024) trong đó nổi bật là chương trình Chợ Công nghệ - Thiết bị và Thương mại (Techmart DongNai 2024) đã gặt hái được nhiều thành tựu. Ông có thể chia sẻ về mục tiêu và những nỗ lực Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai đã thực hiện?
Ông Lại Thế Thông: Năm 2024 là một năm đặc biệt với chúng tôi khi hàng loạt chương trình và sự kiện lớn đã được triển khai thành công. Điển hình là Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh Đồng Nai thu hút hơn 1.500 đại biểu từ khắp cả nước.
Trong tháng 8/2024 vừa qua, Sở KH&CN đã tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai (Techfest DongNai 2024) lần thứ 4 với chủ đề "Đường băng sáng tạo - Nai vàng cất cánh". Đây là sự kiện đánh dấu sự tập trung chất xám vào lĩnh vực kinh tế tuần hoàn với nhiều chủ đề nóng đang được quan tâm như: chỉ số PII địa phương, phát triển xanh trên nền tảng KCN xanh, thiết kế nhà máy xanh...
Chuỗi sự kiện của Techfest DongNai 2024 với 6 sự kiện tập trung do các đơn vị trong tỉnh và các Làng công nghệ Techfest Quốc gia phối hợp tổ chức. Trong đó là các thông tin, kiến thức, kinh nghiệm như: Cung cấp các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đẩy mạnh liên kết các thành phần trong Hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh nói riêng và cả nước thông qua hoạt động thúc đẩy hoạt động các CLB khởi nghiệp. Kết nối các chủ thể hệ sinh thái, giới thiệu, quảng bá, trưng bày các dự án, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP địa phương qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Kết nối các dự án/ý tưởng khởi nghiệp đạt giải các cuộc thi của tỉnh với các doanh nhân, nhà đầu tư để hỗ trợ vốn, thị trường, … Giới thiệu các công nghệ mới trong canh tác nông nghiệp 4.0.
Một hoạt động nổi bật trong chuỗi sự kiện Techfest DongNai 2024 là Chợ công nghệ - Thiết bị và Thương mại tỉnh Đồng Nai (Techmart DongNai 2024) gắn với chủ đề Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập. Mục đích chính của Techmart Dong Nai 2024 nhằm đẩy mạnh việc tạo lập và phát triển thị trường KH&CN; tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo với sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại hóa sản phẩm KH&CN, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chất lượng hàng hóa trong thời kỳ hội nhập.
Ông Lại Thế Thông - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai. |
- Ở góc độ nhà quản lý, ông đánh giá thành công của chuỗi sự kiện trên như thế nào?
Ông Lại Thế Thông: Techfest DongNai không chỉ là một sự kiện thường niên mà đã trở thành điểm sáng trong bản đồ khởi nghiệp quốc gia, thu hút nhiều địa phương đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Techfest DongNai 2024 thu hút sự tham dự, học hỏi kinh nghiệm của các đoàn đến từ Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tp Hồ Chí Minh, Long An, Quảng Nam, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, …
Bên cạnh đó, Techmart Dong Nai 2024 còn là nơi tăng cường sự hợp tác liên kết giữa các tỉnh, thành trong hoạt động KH&CN nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Với ý nghĩa và mục tiêu đó, chương trình đã thu hút sự tham gia tích cực của 65 đơn vị của 11 địa phương trong cả nước với số lượng 100 gian hàng. Trong đó có 6 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh thành nơi khác.
Số công nghệ và thiết bị được đem ra chào bán tại chợ đã lên đến hàng trăm công nghệ thiết bị và các sản phẩm, giải pháp phần mềm. Nổi bật như: Về nông nghiệp: thiết bị cảm biến không dây phục vụ sản xuất nông nghiệp, thiết bị điều khiển tưới từ xa trong nông nghiệp, Thiết bị giám sát và điều khiển đèn chiếu sáng qua mạng di động 3G/4G, Phần mềm quản lý thông tin vùng trồng và nhật ký canh tác, Robot cạo mủ cao su, Thiết bị máy bay nông nghiệp Agras T50 (Hãng DJI),... Về công nghệ thông tin: Sản phẩm và giải pháp Smart home, Smart farm, Năng lượng tái tạo, Smart city, Nền tảng quản lý QR Code xác thực truy xuất thông tin, Công nghệ chống giả siêu vô hình, Phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP.
Song song đó, còn có các sản phẩm thuộc các đề tài nghiên cứu của Sở KH&CN các tỉnh, thành tham gia trưng bày sẵn sàng chuyển giao, các dịch vụ thử nghiệm thành thạo phòng kiểm nghiệm (hóa lý, hóa thực phẩm, hóa vi sinh, biến đổi gen, chất lượng nước & môi trường). Các công nghệ về sinh phẩm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, máy kiểm tra vệ sinh bề mặt trong sản xuất thực phẩm và thủy hải sản, máy phân tích dư lượng chất kháng sinh…
Tập trung ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số
- Với những nỗ lực trên, kết quả cụ thể về vị thế của Đồng Nai trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia hiện nay ra sao, thưa ông?
Ông Lại Thế Thông: Năm 2023, Đồng Nai xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố về chỉ số đổi mới sáng tạo và đứng thứ 4/7 trong vùng Đông Nam Bộ. Những năm qua, chúng tôi đã không ngừng xây dựng và mở rộng hệ sinh thái KNĐMST với nhiều hoạt động như kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, bảo hộ nhãn hiệu, và tổ chức các chương trình cố vấn cho các dự án khởi nghiệp.
- Tỉnh Đồng Nai đang hướng tới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và những bước đi chiến lược của tỉnh?
Ông Lại Thế Thông: Đồng Nai có nhiều lợi thế để thực hiện mục tiêu này. Hiện tỉnh đã có hơn 30 khu công nghiệp hoạt động, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn 34 tỷ USD. Bên cạnh đó, chúng tôi còn luôn nằm trong top dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và có nhiều trường đại học, cao đẳng đóng tại địa bàn. Đây là những nền tảng quan trọng để phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, chúng tôi tập trung ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, và xây dựng hệ thống thông tin khoa học – công nghệ hiện đại. Đặc biệt, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo tại huyện Long Thành với quy mô 300 ha sẽ là hạt nhân của hệ sinh thái này, kết nối nghiên cứu, ứng dụng công nghệ với sản xuất kinh doanh.
- Ông có thể chia sẻ thêm về định hướng của Sở trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao vai trò của đổi mới sáng tạo tại Đồng Nai?
Ông Lại Thế Thông: Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN, và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh đến năm 2030 đã được phê duyệt, nhằm bảo vệ các ý tưởng sáng tạo và nâng cao giá trị thương hiệu địa phương.
Đồng thời, việc kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp và chính quyền sẽ được đẩy mạnh. Đây là chìa khóa để thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trên quy mô lớn, đưa Đồng Nai trở thành trung tâm khoa học – công nghệ hàng đầu khu vực.
Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng các nhà khởi nghiệp và doanh nghiệp để góp phần xây dựng một nền kinh tế bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo https://baophapluat.vn/doi-moi-sang-tao-chia-khoa-phat-trien-ben-vung-tai-dong-nai-post533979.html