Navbar with Dropdown

Hà Nội: Bàn giải pháp nhằm xây dựng và phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa

ANTD.VN - Với sự góp mặt của đại diện các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL, UBND TP Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà sáng tạo, tổ chức, doanh nghiệp... hội thảo "Giải pháp tổ chức hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa" nhằm lấy ý kiến đóng góp cho 2 dự thảo quan trọng đang được UBND TP Hà Nội xây dựng. 

Hội thảo vừa diễn ra vào sáng ngày 18/4 tại Hà Nội. Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội - Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.

Trong khi dự thảo Nghị quyết quy định về trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 điều 21 Luật Thủ đô) quy định về thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hóa. Thì dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 điều 21 Luật Thủ đô) lại quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Hội thảo là cơ hội quý để TP Hà Nội tiếp thu các ý kiến của cơ quan Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân, nghệ sỹ và các tổ chức, doanh nghiệp, để hoàn thiện và xây dựng thể chế bảo vệ và phát triển văn hoá Thủ đô, xứng tầm với truyền thống ngàn năm Thăng Long Hà Nội, xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá cả nước nói chung, phát triển văn hoá Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, để thi hành Luật Thủ đô, hiện TP Hà Nội đang xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hoá các quy định của Luật Thủ đô. Theo kế hoạch tại kỳ họp HĐND TP sẽ xem xét, ban hành 2 dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa và Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa.

Với 12 tham luận và ý kiến đóng góp, hội thảo đã tập trung làm rõ tầm quan trọng của 2 dự thảo nghị quyết trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô. Đồng thời chỉ ra những vướng mắc, những khó khăn bất cập trong hoạt động của các không gian sáng tạo với thuê mặt bằng, thuế... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã lấy ví dụ về các không gian sáng tạo trên thế giới để rút ra bài học trong tận dụng các không gian công nghiệp, các công trình xây dựng bị bỏ hoang, xây dựng thành các trung tâm sáng tạo, các không gian vui chơi, giải trí cho người dân Thủ đô tới tận hưởng. Từ đó giúp tái tạo sức lao động, tạo ra nguồn thu cho thành phố.

KTS Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX - Vietnam), từng tham gia nhiều dự án quy hoạch, chỉnh trang đô thị tại Hà Nội cho biết, ngành công nghiệp văn hóa châu Âu mỗi năm mang về 110 tỷ USD, chỉ đứng sau xây dựng và kinh doanh nhà hàng khách sạn. Trong khi Hà Nội và vùng Région Ile-de-France và Hà Nội lại có khá nhiều điểm tương đồng như khu đô thị nội đô dày đặc di sản, vùng ngoại ô hấp dẫn bởi cảnh quan tươi đẹp, thoáng đãng. Nếu biết khai thác và xây dựng các trung tâm công nghiệp văn hóa hiệu quả, nguồn lợi là không hề nhỏ.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy

KTS Emmanuel đặc biệt lưu ý Hà Nội trong xây dựng không gian sáng tạo và các trung tâm công nghiệp văn hóa cần có sự kết nối với giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị hiện và sẽ tiếp tục hoàn thiện trong tương lai. Việc dùng metro để kết nối giao thông là điều lý tưởng bởi sức chuyên chở lớn của phương tiện công cộng này.

Bà Phạm Thanh Hường, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã nêu bật ưu điểm của các trung tâm văn hóa là làm hồi sinh các không gian văn hóa bị lãng quên, các cơ sở công nghiệp, các tòa nhà. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước bằng các biện pháp như giảm thuế, hạ tầng cơ sở, mặt bằng, các không gian sáng tạo rất cần các quỹ được tổ chức định kỳ hoặc các quỹ tài trợ nhỏ thu hút sự tham gia của cộng đồng. Bà Hường còn đề cao mối liên kết đa ngành từ các hoạt động văn hóa. Đặc biệt, bà Hường cho rằng, cần có sự linh hoạt trong quy định, cho phép thử nghiệm các hoạt động sáng tạo văn hóa, cho dù có thất bại nhằm tạo điều kiện cho các ý tưởng mới mẻ được nuôi dưỡng và phát triển.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh nhấn mạnh tới mô hình quản lý các trung tâm công nghiệp văn hóa sẽ giống như mô hình của các chung cư hiện nay, đó là do dân lập nên và tự quản lý. Bên cạnh đó, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, kích thước của các khu sáng tạo văn hóa cần rộng từ 1ha đến 5ha với nhiều khu vực phục vụ nhu cầu giải trí và sáng tạo của người dân.

Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp, các đơn vị nghệ thuật đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và văn hóa đã có những chia sẻ về khó khăn vấp phải trong quá trình xây dựng tác phẩm và hoạt động của mình.

Đạo diễn Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, ngành công nghiệp văn hóa non trẻ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước và tư nhân. Đạo diễn lấy ví dụ. Năm 2024, Nhà hát Tuổi trẻ làm các sản phẩm nghệ thuật phục vụ tại phố đi bộ Trần Nhân Tông. Sản phẩm làm ra nhận được nhiều lời khen ngợi và đánh giá cao. Tuy nhiên, việc duy trì các buổi biểu diễn định kỳ tại phố đi bộ, nuôi sản phẩm lớn lên lại vướng mắc trong khâu mặt bằng, kinh phí duy trì bộ máy nhân sự. Do vậy, cho đến nay, sản phẩm nghệ thuật này đã tạm dừng. Còn một chương trình hợp tác khác được nhà hát Tuổi trẻ xây dựng tại biệt thự Pháp vừa khánh thành cũng lâm vào tình cảnh tương tự do không đủ kinh phí duy trì.

Không gian sáng tạo của Toong_Ảnh: toongcoworking
Không gian sáng tạo của Toong_Ảnh: toongcoworking

Ông Lê Việt Cường, Giám đốc doanh nghiệp Vụn Art đóng góp về thuế VAT trong hoạt động doanh nghiệp sáng tạo hiện nay là 10%, khá cao với thu nhập của một doanh nghiệp dành cho người khuyết tật.

Với những ý kiến đóng góp tâm huyết của các tổ chức, cá nhân, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội - Lê Hồng Sơn khẳng định, việc xây dựng các trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa cần có lộ trình và từng bước được thực hiện. Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được UBND TP Hà Nội ghi nhận và nghiên cứu để sửa đổi và bổ sung 2 nghị quyết quan trọng, cụ thể hóa Luật Thủ đô.

Theo https://www.anninhthudo.vn/ha-noi-ban-giai-phap-nham-xay-dung-va-phat-trien-trung-tam-cong-nghiep-van-hoa-post609366.antd
KINHTEPLUS.VN

Bản tin kinh tế toàn cảnh của Việt Nam và thế giới. Góc nhìn từ các chuyên gia kinh tế. Kết nối hợp tác kinh doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ.

KẾT NỐI CHÚNG TÔI

  • fab fa-facebook
  • fab fa-google
  • fab fa-twitter
  • fab fa-youtube
  • fab fa-instagram
Image
BÀI NỔI BẬT
CHUYÊN MỤC
Liên Hệ
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HVL MEDIA
Hotline: 0904114818
Tổng giám đốc: Nguyễn Phương Loan
Email: kinhteplus.vn@gmail.com
Page: https://www.facebook.com/profile.php?id=100063543881374