Hà Nội nêu những bất cập trong xét tuyển đại học sớm
ANTD.VN - Hà Nội vừa nêu góp ý với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học 2025 với một số bất cập trong việc xét tuyển sớm của các trường ĐH thời gian qua.
- Thí sinh lo lắng do nhầm lẫn khái niệm xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh đại học
- Bộ GD-ĐT dự kiến siết chỉ tiêu phương thức xét tuyển sớm
- Đề xuất trường đại học chỉ công bố kết quả xét tuyển sớm sau ngày 31/5 hàng năm
Năm 2024, số thí sinh Hà Nội đăng ký xét tuyển vào các trường đại học là 107.127 em |
Bà Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội luôn là đơn vị có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và xác nhận nhập học vào các trường đại học, cao đẳng cao nhất cả nước với tỷ lệ nhập học ngày càng tăng.
Năm 2022, số thí sinh xác nhận nhập học vào các trường đại học là 52.529/92.464 thí sinh đăng ký xét tuyển, chiếm 56,81%. Năm 2023, số thí sinh đã xác nhận nhập học là 69.540/98.208 thí sinh đăng ký xét tuyển, chiếm 70,81%. Năm 2024, tính đến nay, số thí sinh Hà Nội đăng ký xét tuyển vào các trường là 107.127 em.
Qua nghiên cứu dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành Cao đẳng Mầm non, bà Vương Hương Giang nhất trí cao với quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm của các trường đại học và quy định điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
Bà Vương Hương Giang cho biết, trong quá trình triển khai hỗ trợ thí sinh tham gia xét tuyển sớm, Sở GD-ĐT Hà Nội nhận thấy một số tồn tại. Với mong muốn trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng bằng chỉ tiêu xét tuyển sớm nên thí sinh đã làm hồ sơ để nộp vào nhiều cơ sở đào tạo.
Tình trạng này dẫn đến các trường THPT mất nhiều thời gian, công sức để sao in học bạ, xác nhận hồ sơ cho học sinh, trong khi đây là thời gian cao điểm ôn thi tốt nghiệp THPT.
Đặc biệt, sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh có tâm lý chỉ cần đạt đủ điểm tốt nghiệp THPT, không tiếp tục ôn tập. Điều này vô hình trung ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi và tâm lý ôn tập của thí sinh khác.
Do đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và điểm chuẩn trúng tuyển như trong dự thảo sẽ đảm bảo công bằng giữa các thí sinh trong những đợt xét tuyển, giảm được được tồn tại nêu trên.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đồng tình với quy định việc xét học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Có như vậy mới đảm bảo đánh giá kiến thức trong toàn cấp THPT, tránh được hiện tượng học lệch, hoặc bỏ không học một số môn ở học kỳ II năm lớp 12, vì chỉ học các môn để thi tốt nghiệp.
Theo https://www.anninhthudo.vn/ha-noi-neu-nhung-bat-cap-trong-xet-tuyen-dai-hoc-som-post598072.antd