Navbar with Dropdown

Hạ tầng số cho công nghiệp văn hóa - Làm gì để bứt phá?

(PLVN) - Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, công nghiệp văn hóa Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để phát triển, còn mở ra những hướng đi mới cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, việc xây dựng một nền tảng hạ tầng số vững chắc và đồng bộ là điều kiện tiên quyết.

Điểm sáng và thách thức

Nhìn vào bức tranh tổng thể, có thể thấy sự chuyển mình tích cực trong việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực văn hóa. Hiện Việt Nam có tỷ lệ người dùng smartphone đạt 84,4%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 63%. Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80%, so với mức trung bình thế giới khoảng 60%. Đây là những tiền đề quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và tiêu thụ các sản phẩm văn hóa số. Đồng thời, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc phát triển hạ tầng số. Năm 2024, hạ tầng viễn thông đã có bước tiến vượt bậc khi Cục Viễn thông phối hợp với các nhà mạng hoàn tất đấu giá băng tần 5G, hoàn thành tắt sóng 2G trên đất liền, phổ cập hạ tầng 3G, 4G và thúc đẩy thương mại hóa 5G, giúp người dân sử dụng dịch vụ băng rộng với chất lượng tốt hơn, tốc độ nhanh hơn và nhiều tính năng hơn.

Một trong những thành tựu thấy rõ là việc ứng dụng công nghệ trong xuất bản. Thống kế của Hội Xuất bản Việt Nam cho thấy, năm 2024, xuất bản phẩm điện tử tăng mạnh, đạt 4.050 đầu (tăng 120,7%), chiếm 8,9% tổng số xuất bản phẩm - vượt 2,3% so với chỉ tiêu năm. Đặc biệt, thị trường sách nói đạt quy mô doanh thu 102 tỷ đồng, với số lượt nghe sách nói và sách điện tử tăng 200% so với năm trước. Sự xuất hiện của nhiều nền tảng trực tuyến trong các lĩnh vực như âm nhạc, phim ảnh, du lịch văn hóa, bảo tàng trực tuyến... cho thấy những nỗ lực ban đầu trong việc tận dụng không gian mạng để lan tỏa giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, một vài ứng dụng công nghệ tiên tiến như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), blockchain (trong quản lý bản quyền) cũng đã manh nha xuất hiện trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật và bảo tồn di sản, mở ra những trải nghiệm mới mẻ và tiềm năng bảo vệ quyền tác giả.

Việt Nam hiện nay chứng kiến một thế hệ doanh nghiệp công nghệ đầy năng động, sáng tạo, có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển vượt bậc về nền tảng công nghệ của đất nước trong những năm qua, có thể kể đến Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) Công ty CMC, Công ty VNG... Đây chính là những “tài sản công nghệ” quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của hạ tầng công nghệ Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, hạ tầng số cho công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn và thách thức, kìm hãm sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Theo thống kê, giai đoạn 2018 - 2022, số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa tăng trung bình 7,2%/năm, với khoảng 70.321 cơ sở vào năm 2022. Lực lượng lao động trong ngành cũng tăng 7,4%/năm, đạt khoảng 2,3 triệu người, chiếm 4,42% tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Mặc dù có sự tăng trưởng về số lượng và lực lượng lao động, nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động vẫn chưa cao, một phần quan trọng là do hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Chất lượng kết nối internet, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, chưa đáp ứng được nhu cầu truyền tải và trải nghiệm các sản phẩm văn hóa số chất lượng cao, tạo ra một khoảng cách số đáng lo ngại. Sự thiếu hụt các nền tảng số chuyên biệt, quy mô lớn, có khả năng tích hợp đa dạng các loại hình văn hóa và đáp ứng nhu cầu của cả nhà sáng tạo và người tiêu dùng là một rào cản lớn, hạn chế sự tương tác và phát triển của thị trường văn hóa số.

Một yếu tố quan trọng khác là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên sâu về công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa. Để tận dụng tối đa tiềm năng của hạ tầng số, chúng ta cần một đội ngũ nhân lực vừa am hiểu về văn hóa vừa có trình độ công nghệ cao. Về hành lang pháp lý, hiện chưa có nhiều văn bản pháp luật quy định rõ ràng về quản lý nhà nước đối với công nghiệp văn hóa trong bối cảnh số, tạo ra những khoảng trống và thách thức trong việc điều chỉnh và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.

Đồng thời, việc đầu tư cho các ngành công nghiệp văn hóa còn mang tính dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh cao.

Hoàn thiện hạ tầng số tạo nền móng cho sự phát triển

Theo các chuyên gia, để công nghiệp văn hóa thực sự bứt phá, nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ là vô cùng cấp thiết và đa dạng ở từng lĩnh vực cụ thể. Điều này đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược và những hành động quyết liệt.

Việc xây dựng một nền tảng hạ tầng số vững chắc và đồng bộ là điều kiện tiên quyết để công nghiệp văn hóa Việt Nam bứt phá. (Ảnh: AI)

Việc xây dựng một nền tảng hạ tầng số vững chắc và đồng bộ là điều kiện tiên quyết để công nghiệp văn hóa Việt Nam bứt phá. (Ảnh: AI)

Điều thiết yếu mà chúng ta đang cần là một chiến lược quốc gia mang tính toàn diện, nhất quán. Đó là chiến lược quốc gia về phát triển hạ tầng số cho công nghiệp văn hóa với các mục tiêu cụ thể, lộ trình thực hiện rõ ràng và cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan. Chiến lược này cần xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên đầu tư, các công nghệ chủ chốt cần phát triển và các chỉ số đánh giá hiệu quả, bảo đảm tính khả thi và khả năng đo lường.

Giờ đây, rất cần thiết phải tăng cường đầu tư công và khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực văn hóa. Ngân sách nhà nước cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho các dự án hạ tầng số trọng điểm, đặc biệt là ở các vùng có tiềm năng văn hóa lớn nhưng hạ tầng còn yếu kém, tạo điều kiện cho sự phát triển đồng đều.

Hiện nay, việc chuyển đổi số trong các tổ chức văn hóa truyền thống như bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim... thông qua việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, trưng bày, biểu diễn và tương tác với công chúng đang được thực hiện tốt. Đây là bước đi quan trọng để khai thác và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong môi trường số và cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, mở rộng phạm vi tiếp cận và nâng cao trải nghiệm người dùng.

Cần hiểu rằng, việc xây dựng các nền tảng số quốc gia cho công nghiệp văn hóa giờ đây không chỉ đơn giản là kho chứa dữ liệu, mà còn đòi hỏi khả năng tích hợp đa dạng các loại hình văn hóa, kết nối nhà sáng tạo, nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng trong một hệ sinh thái số văn hóa phong phú. Các nền tảng này cần được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn về dữ liệu, bảo mật và bản quyền thống nhất, bảo đảm tính tương thích và khả năng mở rộng. Cũng cần có chính sách hỗ trợ các startup công nghệ trong lĩnh vực văn hóa phát triển các giải pháp sáng tạo trên các nền tảng này, tạo ra sự đa dạng và cạnh tranh lành mạnh.

Vấn đề cần đặc biệt quan tâm là yếu tố con người. Trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là then chốt để vận hành và phát triển hạ tầng số văn hóa hiệu quả. Để khắc phục tình trạng thiếu và yếu, chúng ta cần tăng cường đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia có kỹ năng về công nghệ số cho các ngành nghề trong lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, cần có chính sách thu hút các chuyên gia công nghệ thông tin và chuyên gia về văn hóa số trong và ngoài nước, cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ, rút ngắn khoảng cách về trình độ.

Hoàn thiện khung pháp lý để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hạ tầng số văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng số. Điều này bao gồm việc xây dựng và thực thi hiệu quả các quy định pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số, quản lý nội dung số văn hóa lành mạnh và tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh mạng cho các nền tảng và hệ thống hạ tầng số văn hóa, tạo niềm tin cho cả nhà sáng tạo và người tiêu dùng.

Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 9/10/2024 đã đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng số tiên tiến, hiện đại ngang tầm các nước phát triển. Chiến lược này tập trung vào phát triển hạ tầng viễn thông và Internet, hạ tầng dữ liệu, Hạ tầng vật lý - số, nền tảng số và công nghệ số như dịch vụ. Việc triển khai hiệu quả chiến lược này sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa số.

Nếu quyết tâm thực hiện thành công chiến lược hạ tầng số, thì không chỉ hạ tầng số cho công nghiệp văn hóa được hoàn thiện, thúc đẩy nền văn hóa phát triển mạnh mẽ, mà còn là tiền đề để góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số hiện đại, thông minh.

Theo https://baophapluat.vn/ha-tang-so-cho-cong-nghiep-van-hoa-lam-gi-de-but-pha-post547921.html
KINHTEPLUS.VN

Bản tin kinh tế toàn cảnh của Việt Nam và thế giới. Góc nhìn từ các chuyên gia kinh tế. Kết nối hợp tác kinh doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ.

KẾT NỐI CHÚNG TÔI

  • fab fa-facebook
  • fab fa-google
  • fab fa-twitter
  • fab fa-youtube
  • fab fa-instagram
Image
BÀI NỔI BẬT
CHUYÊN MỤC
Liên Hệ
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HVL MEDIA
Hotline: 0904114818
Tổng giám đốc: Nguyễn Phương Loan
Email: kinhteplus.vn@gmail.com
Page: https://www.facebook.com/profile.php?id=100063543881374