Hàng loạt hộ dân ở Khánh Hòa lao đao vì bị "cò tôm hùm" nợ hơn 43 tỷ đồng
(PLVN) - Nhiều người nuôi tôm hùm tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa) điêu đứng vì bị “cò tôm hùm” nợ hơn 43 tỷ đồng trong thời gian dài.
Lãnh đạo Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã lập hồ sơ, điều tra sự việc liên quan người dân ở TP Cam Ranh tố cáo bị người thu mua tôm nợ số tiền lớn trong thời gian dài. Hiện, Công an đã thụ lý sự việc và đang trong quá trình điều tra.
Động thái này của Công an tỉnh Khánh Hòa đưa ra sau khi nhiều người có đơn tố cáo về việc họ bị thương lái “xù tiền” mua tôm hùm.
Lâm nợ vì người môi giới cùng thương lái nợ tiền tỷ
Trong số nạn nhân có bà Hồ Thị Chanh, 47 tuổi, ở phường Cam Thuận. Trình bày với P.V, bà Chanh cho biết, gia đình có 100 lồng nuôi tôm hùm, nuôi trên vịnh Cam Ranh. Giữa năm 2022, số tôm trong lồng nuôi trong các lồng đạt trọng lượng, xuất bán được.
Lồng nuôi tôm hùm của người dân trên vịnh Cam Ranh, TP Cam Ranh. |
Lúc này, ông Trần Hữu Tránh (40 tuổi, phường Cam Thuận, TP Cam Ranh) tỏ ý mua. Ông Tránh giới thiệu, mình đang là đối tác của bà N.T.A.Th. (35 tuổi), và bà Th. này là đại diện một doanh nghiệp ở TP Thủ Đức, TP HCM. Bà Th. có nhiều đối tác xuất hàng đi nước ngoài.
Tin lời, bà Chanh xuất tôm trong lồng và thu mua tôm của người dân trong vùng để qua môi giới là ông Tránh để bán cho bà Th. 1kg tôm hùm mà bà Chanh thu của người dân, ông Tránh trả 2.000 đồng tiền công môi giới.
Bà Chanh cho hay, ban đầu ông Tránh thu giá cao, thanh khoản liền, nên hợp tác. Nhiều tháng liền trong năm 2022, bà Chanh thu tôm giao ông Tránh với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, hai người này thường xuyên nợ tiền, rồi đưa nhiều lý do không chịu trả. Hiện, ông Tránh còn nợ bà Chanh hơn 6 tỷ đồng, chưa chịu trả. Tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.
Bà Chanh và chồng kinh doanh lĩnh vực hải sản. Họ đứng ra thu mua tôm của người dân, nhưng lâu không trả tiền bị nhiều người tìm tới nhà đòi. Vợ chồng bà phải vay ngân hàng khoảng 7 tỷ đồng để trả cho người bán tôm và tái đầu tư cho các lồng tôm. Mỗi tháng trả lãi suất khoảng 50 triệu đồng.
“Tôi làm ăn lâu năm, người dân tin tưởng nên phải trả cho họ. Còn ông Tránh, bà Th., không chịu trả tiền thời gian dài khiến gặp khó khăn, nợ nần chồng chất”, bà Chanh nói và cho biết đã làm đơn tố cáo tới công.
Bà Hồ Thị Chanh rầu rĩ khi bị nợ hơn 6 tỷ đồng tiền tôm, còn gia đình phải vay ngân hàng để xoay sở |
Tại TP Cam Ranh, nhiều người dân cũng rơi vào cảnh tương tự như bà Chanh khi “cò tôm” và bị bà Th. còn nợ trên 43 tỷ đồng suốt thời gian dài. Nhiều trường hợp phải vay ngân hàng để đầu tư xuống giống tôm cho vụ mới. Số khác phải gác lồng nuôi.
Như trường hợp ông Trương Văn An ở TP Cam Ranh cũng rơi vào cảnh tương tự. Vốn được xếp vào diện gia đình có kinh tế khá giả trong vùng, nay vợ chồng ông lâm vào cảnh nợ nần. Mỗi tháng, gia đình phải trả lãi 90 triệu đồng sau khi thế chấp 6 sổ đỏ vào ngân hàng vay 9,5 tỷ đồng. Số tiền trên để trả cho người bán tôm, sau khi vợ chồng bị ông Tránh và bà Th., “ngâm” 11 tỷ đồng suốt thời gian dài, rồi biệt tăm.
Giọng rầu rĩ, ông An cho hay, hơn 20 năm trong nghề chưa bao giờ lâm vào cảnh khó khăn như thế này. Ông nhớ lại, năm 2022, ông Tránh tìm tới gặp, nhờ ông An thu mua tôm giúp để bán cho bà Th. Một kg tôm hùm sẽ trả công 2.000 đồng.
Ông Trương Văn An ở Cam Ranh đối mặt với nợ nần, mỗi tháng trả lãi ngân hàng 90 triệu đồng vì bị nợ tiền bán tôm hùm |
Thời gian đầu tiền bán tôm được thanh toán nhanh, cùng người quen giới thiệu nên vợ chồng tin tưởng. Họ đi khắp nơi thu mua tôm hùm của nhiều chủ lồng để giao ông Tránh và bà Th. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, số tiền 11 tỷ đồng hai người này chưa chịu trả. “Chúng tôi liên tục yêu cầu thanh toán, bà Th., hẹn rồi viết giấy nợ cam kết trả tiền, song không thời gian qua không thực hiện, rồi biệt tăm”, ông An bức xúc.
“Cò tôm” bị siết nhà vì tin tưởng thương lái
Liên quan việc này, ông Nguyễn Văn Tránh thừa nhận đã gom tôm hùm của gần 100 hộ nuôi tôm hùm ở Cam Ranh, sau đó bán cho bà Th., lấy tiền hoa hồng với giá 10.000 đồng/kg. Ông Tránh giãi bày, năm 2022, giai đoạn đầu hợp tác bà Th., thu giá cao, thanh toán tiền nhanh nên rất tin tưởng. Tuy nhiên, vài tháng sau hợp tác, bà Th. nợ lên đến 43 tỷ đồng. “Khi tôi đòi tiền hàng thì bà Th., đưa ra lý do tiền bị luồng đỏ, xin khất lại. Thậm chí, bà Th., cũng viết giấy nợ, hứa sẽ trả mà từ 2022 đến nay chưa trả”, ông Tránh nói, than vãn căn nhà của vợ chồng ông đã bị người mua tôm siết.
Ông Nguyễn Văn Tránh môi giới tôm hùm lao đao khi tin tưởng thương lái. |
Về phía bà N.T.A.Th., khi trả lời báo chí, bà thừa nhận, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6/2022, đã thông qua ông Tránh mua tôm hùm của người dân ở Cam Ranh, số lượng lớn. Tổng tiền mua tôm qua môi giới là ông Tránh 114 tỷ đồng, hiện thanh toán hơn 70 tỷ đồng. Số còn lại nợ tiền.
Đồng thời, bà Th., đưa ra lý do còn nợ tiền là vì số tôm thu mua về kém chất lượng, số bị chết và bản thân bà không kiểm soát được khâu vận chuyển cùng nguyên do khác. Thương lái này cũng xác nhận nợ ông Tránh 43 tỷ đồng, nên đang tìm cách xử lý.
Trao đổi P.V Báo Pháp Luật Việt Nam, Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết (Giám đốc Công ty MTV Hãng luật Bạch Tuyết), nêu: vụ việc này có nhiều dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà N.T.A.Th đã dùng các thông tin giả để tạo lòng tin, như Công ty xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, có nhiều tài sản để đảm bảo trả nợ, có nhiều khách hàng là các siêu thị lớn. Còn thực tế Công ty Thành Nhơn không được xuất khẩu tôm sang Trung Quốc, không hoạt động tại trụ sở và không có sổ sách kế toán.
Theo Luật sư Tuyến, bà Th., cũng từng lẩn trốn, che giấu nơi ở khi bị người dân truy tìm và chỉ đến khi bị cơ quan điều tra mời làm việc. Hành vi của bà Th. có thể được xem là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo phương thức ‘xuyên bức màn che công ty’ thường gặp trên thế giới”.
Theo https://baophapluat.vn/hang-loat-ho-dan-o-khanh-hoa-lao-dao-vi-bi-co-tom-hum-no-hon-43-ty-dong-post519074.html