Lời hẹn ước xúc động của “ông nội” ở Làng Nủ
(PLVN) - Trong chuyến hành trình vượt gần 300km đến Làng Nủ (Lào Cai), thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie, đã mang theo không chỉ trái tim tràn đầy tình yêu thương mà còn có một lời hẹn ước đặc biệt. Khoảnh khắc gặp gỡ tại ngôi làng mới được tái thiết, không chỉ chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc mà còn mở ra một trang mới trong “cuốn sách cuộc đời ” của 22 đứa trẻ may mắn được ông yêu thương và bảo bọc.
Những ngôi nhà mới vừa được bàn giao cho bà con Làng Nủ, niềm hạnh phúc rưng rưng lại đầy hơn ở ngôi làng này nhờ những hình ảnh của người thấy giáo già - người được 22 đứa trẻ ở Làng Nủ gọi là "ông Nội" - thầy Nguyễn Xuân Khang Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie. Ba tháng sau khi chính thức nhận nuôi 22 đứa trẻ mồ côi sau trận lũ, thầy đã quyết định lên đường, vượt qua hơn 300km từ Hà Nội để gặp gỡ những "cháu nội" của mình.
Chia sẻ với VietNamnet, thầy Khang cho biết, đây là một chuyến đi vô cùng đặc biệt đối với ông, 22 cháu là lý do để ông vượt qua mọi khó khăn về thời tiết, khoảng cách để được ở bên cạnh và chứng kiến sự khởi đầu mới của các em tại ngôi làng được tái thiết này.
“Từ xa, tôi đã được chào đón bằng tình cảm ấm áp của người dân địa phương. Nhìn thấy điểm trường mới, những ngôi nhà mới, tôi rất phấn khởi và cảm động”, thầy nói.
Thầy Khang cùng các cháu Làng Nủ ngày hội ngộ. (Ảnh: VietNamnet). |
Đến thăm ngôi làng cũ, nơi còn lưu giữ dấu tích của những ngày tháng đau thương, thầy đã không kìm được xúc động khi gặp lại các cháu và bà con trong làng. Đặc biệt, khi chị Nguyễn Thị Kim, mẹ của bé Hà Khánh Ngân (3 tuổi) – một trong hai đứa trẻ nhỏ nhất mà thầy đã nhận nuôi – chạy vội đến đón thầy.
Gặp thầy, chị nghẹn ngào, bật khóc. “Con gái con gặp ai cũng khoe “Con có 2 ông nội”. Bé rất mong chờ ngày ông cháu gặp nhau. Con không biết nói gì hơn và rất cảm động khi thấy thầy bước đến, gọi tên cháu”.
Thầy Khang xúc động khi nhìn tấm bảng ghi tên những người dân Làng Nủ bị thiệt mạng trong trận lũ. (Ảnh: Vietnamnet). |
Trong chuyến thăm, thầy Khang cũng đã đến thắp hương tưởng niệm những nạn nhân bị lũ cuốn trôi và đi thăm những ngôi nhà mới của các cháu. Dù chỉ mới gặp nhau lần đầu, thầy vẫn nhớ mặt nhớ tên, nhớ hoàn cảnh của từng em.
Gặp bà Hoàng Thị Hiến, bà nội của hai em Hoàng Xuân Phúc và Hoàng Gia Bảo, thầy đã xin phép được chăm sóc các cháu cho tới khi chúng trưởng thành. “Nếu bà cho phép, tôi xin được làm ông và đồng hành cùng các cháu đến khi 18 tuổi,” thầy nói. Bà Hiến đồng ý, nghẹn ngào trong nước mắt.
Chuyến đi này của thầy Khang cũng mang theo một tâm nguyện là gặp mặt các cháu và 23 ông cháu cùng nhau ký lời hẹn ước 15 năm: “Ông giữ gìn sức khoẻ/Cháu chăm chỉ học hành”.
Thầy Khang cho biết, kể từ khi hay tin, hình ảnh đầu tiên khiến thầy xúc động và bắt đầu nghĩ đến lũ trẻ sống sót sau trận lũ quét ở làng Nủ là khi cháu Hoàng Ngọc Lan ở trong bệnh viện. Thảm họa đã khiến cô bé mới chỉ 6 tuổi phải mồ côi bố mẹ, mất đi cả 2 người anh trai.
Hình ảnh cô bé này làm thầy Khang khóc nhiều nhất. “Tôi thầy mình có duyên nợ với các cháu, vì thế muốn xin làm ông của các cháu ở thôn, với mong muốn được làm chỗ dựa của các con, ít nhất từ nay đến khi các con 18 tuổi”, thầy nói trước những người đỡ đầu, người dân Làng Nủ cùng đại diện giáo viên các trường có học sinh do thầy nhận nuôi.
Thầy Khang hy vọng mối quan hệ ông cháu giữa ông và các em nhỏ sẽ được mọi người chấp thuận. Ông cũng mong muốn thực hiện một bức ảnh kỷ niệm với 23 ông cháu, ghi lại từng bước trưởng thành của các cháu hàng năm, để cùng nhau chia sẻ niềm vui và sức khỏe qua những bức ảnh được gửi đi. Vào đúng ngày 22/12/2039, khi thầy Khang 90 tuổi và hai cháu nhỏ nhất là Gia Hân và Khánh Ngân tròn 18 tuổi, tất cả sẽ gặp nhau tại Hà Nội để chụp một bức ảnh tương tự, giống hệt như bức ảnh đã chụp tại Làng Nủ.
Thầy Khang chia sẻ, "Khi lên đây gặp các cháu, tôi cảm thấy yên tâm và có niềm tin sẽ sống ít nhất thêm 15 năm nữa để được nhìn thấy 2 cháu bé nhất là Gia Hân và Khánh Ngân trưởng thành. Tôi không chắc mình có thể sống đến 90 tuổi hay không, nhưng tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe để có thể đạt được điều đó. Nếu tôi không còn nữa, gia đình tôi, các con tôi sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và chăm sóc các cháu."
Các cháu cùng ông ký vào "bản hẹn ước". (Ảnh: Vietnamnet). |
Trước khi ký bản cam kết "Ông giữ gìn sức khoẻ, cháu chăm chỉ học hành," thầy Khang hứa sẽ ăn nhiều hơn, ngủ nhiều hơn, và làm việc ít đi một chút để có thể sống lâu hơn, đủ để có mặt trong bức ảnh thứ hai. "Để có mặt trong bức ảnh thứ hai không dễ, nhưng ông sẽ cố gắng," thầy nói với lũ trẻ. Đổi lại, thầy Khang cũng mong 22 đứa cháu của mình sẽ nỗ lực học tập, vì ông tin rằng chỉ có giáo dục mới mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các em trong tương lai. Rồi, ông cháu đồng lòng, lần lượt ký tên, điểm chỉ vào bản hẹn ước.
Trước đó, vào tháng 9 vừa qua, cơn bão số 3 đã gây ra những thiệt hại nặng nề tại khu vực phía Bắc Việt Nam, đặc biệt là tại Làng Nủ, Lào Cai. Khi chỉ trong vài phút, ngôi làng này gần như bị xóa sổ. Nhiều gia đình chỉ trong chốc lát đã mất hết người thân, nhà cửa, và đau lòng nhất là số phận của những đứa trẻ bị mồ côi cha mẹ.
Là một người thầy, thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie, đã không thể cầm lòng trước những hoàn cảnh của các em nhỏ tại Làng Nủ. Thầy không muốn bất kỳ đứa trẻ nào phải từ bỏ giáo dục vì thảm họa này. Vì vậy, thầy đã quyết định nhận nuôi 22 đứa trẻ mồ côi sau trận lũ. Trong 22 cháu được thầy Khang nhận nuôi, có 12 bé gái, 10 bé trai, cháu bé nhất 3 tuổi đang học mẫu giáo và cháu lớn nhất 17 tuổi đang học lớp 12.
Khi nhận nuôi các cháu, thầy luôn tâm niệm “mong sống được nhiều thêm một chút để chứng kiến tất cả các con trưởng thành. Nếu không được như vậy, tôi ra đi sớm hơn, đã có con tôi, cháu tôi, đồng nghiệp trong Trường Marie Curie sẽ thực hiện ước nguyện của tôi cho đến khi đứa bé nhất trưởng thành".
Theo https://baophapluat.vn/loi-hen-uoc-xuc-dong-cua-ong-noi-o-lang-nu-post535931.html