Nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”: Cần được thúc đẩy trở thành động lực thu hút đầu tư phát triển đất nước
(PLVN) - Thời gian qua, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh của nước ta ngày càng được hoàn thiện và có những bước tiến đáng kể, có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải tiếp tục cải cách thể chế theo hướng thực chất hơn nữa.
Nhận diện những vướng mắc, khó khăn
Nghiên cứu từ thực tế của một chuyên gia cho thấy khá nhiều quy định pháp luật thuộc lĩnh vực đầu tư, kinh doanh đã và đang làm khó doanh nghiệp và nhà đầu tư, tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Điển hình là Luật Đầu tư 2020 liên tục được sửa đổi, bổ sung một số điều trong các năm 2022 (theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự - Luật số 03/2022/QH15) và năm 2024 (theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu - Luật số 57/2024/QH15) nhưng vẫn chưa tạo đột phá về thủ tục.
Có thể thấy rõ nhất là về điều kiện kinh doanh giảm hình thức, “phình” ở nội hàm. Từ Luật Đầu tư năm 2014 đến Luật Đầu tư năm 2020 đã có một bước tiến dài về cải cách thủ tục môi trường đầu tư kinh doanh. Nếu như từ năm 2014, Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư gồm 267 ngành nghề; thì đến năm 2020, Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện giảm còn 227 ngành, nghề. Chất lượng đăng ký kinh doanh trong một số lĩnh vực đã được thiết kế có hệ thống, rõ ràng, dễ hiểu, dễ theo dõi. Các yêu cầu điều kiện về phù hợp với quy hoạch hoặc có phương án, kế hoạch kinh doanh cũng được cắt giảm đáng kể; các yêu cầu về vốn được bãi bỏ ở hầu hết các lĩnh vực... Nhờ đó, môi trường kinh doanh đã thuận lợi hơn, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp tham gia thị trường cũng như đầu tư, sản xuất và kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.
Mặc dù vậy, theo khảo sát sơ bộ gần đây nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược), cho thấy số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tuy giảm về hình thức nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn.
Ví dụ: Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật 2014 quy định “Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã thông thường”; đến Luật 2020, ngành nghề này được rút ngắn với nội dung: “Nuôi động vật rừng thông thường”. Hay như nghề “Kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm thức ăn thủy sản” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật 2014; đến Luật 2020 thì ngành nghề này mở rộng thêm: “Kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi”. Thậm chí trên thực tế, số lượng ngành nghề cụ thể có quy định về điều kiện kinh doanh tại pháp luật chuyên ngành lớn hơn nhiều con số 227 ngành nghề theo Danh mục của Luật Đầu tư 2020...
Tiếp tục cuộc cách mạng về cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh
Những rào cản nói trên đã làm tăng chi phí, giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp, giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh... và từ đó tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Thực tế này đòi hỏi cuộc cách mạng về cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh lần thứ 4 phải được tiếp tục theo hướng thực chất, không chạy theo số lượng. Ngay từ bây giờ các Bộ, ngành có chức năng phải khẩn trương rà soát và đề xuất loại bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh có nội hàm quy định còn chung chung, không hợp lý, thiếu rõ ràng, khó xác định, không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý nhà nước đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã rất nhiều lần đề cập đến nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Tham dự và phát biểu tại Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi bảo đảm công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi xanh; mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn vốn, công nghệ xanh, công nghệ sạch, quản trị và nguồn nhân lực... Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Tại Phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, khó khăn, thuận lợi đã được nhìn nhận rõ. Tinh thần là cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, Nhân dân phải cùng vào cuộc để làm, để giải quyết những khó khăn hiện nay; đoàn kết thống nhất, chung sức chung lòng, hài hòa lợi ích, chia sẻ khó khăn. Thủ tướng nhấn mạnh, phải với tinh thần đó để cùng làm.
Chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu phát biểu thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhau; cố gắng, nỗ lực, quyết tâm và nhường nhịn, hy sinh; đóng góp sáng kiến để cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng phát triển, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 5 năm 2024, Thủ tướng kêu gọi tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
“Trong quá trình phát triển sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn cần giải quyết, những khó khăn, thách thức cần vượt qua. Điều quan trọng là cùng lắng nghe, thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển, cùng có niềm vui, hạnh phúc và tự hào”, Thủ tướng nói.
Và liên tiếp trong những cuộc gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân trong nước và nước ngoài những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng đều nêu rõ nguyên tắc hợp tác “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và “cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”.
Ngày 5/4, diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong lĩnh vực đầu tư”
Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp chí Pháp luật và Phát triển đã cung cấp nhiều thông tin về Hội thảo đến các cơ quan báo chí.
Thực hiện nguyên tắc chỉ đạo của Thủ tướng và nối tiếp những thành công lớn của Hội thảo quốc gia về “Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh”; Hội thảo trọng điểm “Luật Đấu thầu 2023 - Kỳ vọng và thách thức trong thi hành trên lĩnh vực xây dựng”, ngày 5/4, tại Quảng Ninh, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ phối hợp với Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong lĩnh vực đầu tư”.
Hội thảo nhằm hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Báo Pháp luật Việt Nam (10/7/1985 - 10/7/2025), giúp ghi dấu ấn cho Báo ở tuổi 40 bằng hoạt động khoa học có ý nghĩa.
Hội thảo được tổ chức nhằm xác định các giá trị thúc đẩy và những rào cản trong thể chế hiện hành về đầu tư trực tiếp hướng tới hiện thực hóa nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong bối cảnh hoạt động đầu tư được điều chỉnh bởi nhiều luật mới gồm: Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) 2020, Luật Đấu thầu 2023, Luật Đất đai 2024...
Tại Hội thảo, dự kiến khoảng 150 đại biểu tham gia, đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, sẽ trao đổi về 3 nhóm chuyên đề với hơn 30 chuyên đề tham luận bao gồm: Các chuyên đề tổng quan về thể chế và nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; Các chuyên đề về nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong các lĩnh vực cụ thể; Các chuyên đề về vai trò quản lý nhà nước và giải quyết tranh chấp.
Từ những phát hiện các bất cập, hạn chế trong pháp luật thực định cũng như thực tiễn thi hành, Hội thảo sẽ đề xuất các giải pháp khắc phục để thúc đẩy nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hoàn thiện thể chế nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như chủ trương của Đảng đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Hội thảo đặc biệt có ý nghĩa thời sự và giá trị thúc đẩy phát triển trong thời điểm hiện tại khi những sự thay đổi về thể chế đang được tiến hành toàn diện trên các lĩnh vực tác động rất lớn đến những nội dung của pháp luật đầu tư, hướng đến một hệ thống pháp luật có khả năng bảo đảm sự phát triển của đất nước thông qua nhiều giải pháp, trong đó thu hút đầu tư có vai trò quyết định. Thể chế, đặc biệt là yếu tố pháp luật trong đó, phải bảo đảm hiện thực hóa nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” vì mục đích thu hút đầu tư.
Hội thảo đồng thời tìm cách xác định những yêu cầu phổ quát quốc tế và yêu cầu đặc thù do bối cảnh Việt Nam mà nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” đặt ra gắn với thể chế hiện hành và việc hoàn thiện trong tương lai, nhận diện các giải pháp có khả năng thúc đẩy nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trở thành động lực thu hút đầu tư phát triển đất nước.
Theo https://baophapluat.vn/nguyen-tac-loi-ich-hai-hoa-rui-ro-chia-se-can-duoc-thuc-day-tro-thanh-dong-luc-thu-hut-dau-tu-phat-trien-dat-nuoc-post544404.html