Nhiều đơn vị gửi ý kiến đóng góp hồ sơ xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, sau một thời gian lấy ý kiến các Bộ, ngành, Nhân dân và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi, đã có nhiều ý kiến gửi về Cục.
Theo đó, có 13 Bộ, cơ quan ngang Bộ về cơ bản các ý kiến đều đồng ý với hồ sơ. Đối với các đơn vị của Bộ Y tế có 10 đơn vị gửi góp ý, trong đó đồng ý với dự thảo và không có ý kiến bổ sung là 4 Vụ, Cục. Về cơ bản đồng ý với dự thảo và có thêm ý kiến góp ý, chỉnh sửa, bổ sung là 6 Vụ, Cục. Đối với các doanh nghiệp có 16 đơn vị gửi góp ý. Còn lại là ý kiến đóng góp của người dân.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật ATTP sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu mới đặt ra, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATTP. Luật ATTP có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 với nhiều quy định mới mang tính đột phá. Sau hơn 12 năm thi hành, Luật ATTP và các nghị định quy định chi tiết, các quy định về ATTP trong hoạt động thương mại hiện hành đã tạo hành lang pháp lý tích cực cho hoạt động kinh doanh thực phẩm trong nước cũng như quốc tế.
Tuy nhiên đến nay, Luật ATTP năm 2010 đã có nội dung, quy định không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATTP cũng như điều kiện kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, một số quy định và cấp chứng nhận hợp quy về công bố hợp quy đối với sản phẩm thực phẩm chưa phù hợp với thực tiễn (giai đoạn 2010 - 2017) vì số lượng sản phẩm thực phẩm nhiều nhưng số lượng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia còn ít; điều kiện sản xuất, kinh doanh chưa sát đối với hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Thứ hai, còn thiếu quy định về quản lý như: Quy định về chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật còn thiếu, chưa đồng bộ để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; quy định về phân cấp trong điều tra ngộ độc thực phẩm; quy định về thu hồi Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/đăng ký bản công bố sản phẩm chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt… Do lĩnh vực ATTP rộng, liên quan đến nhiều quy định của nhiều văn bản pháp luật khác nhau nên một số quy định hướng dẫn Luật ATTP còn chưa đồng bộ.
Thứ ba, một số khái niệm còn thiếu như sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; chưa thống nhất giữa các luật như khái niệm “sản xuất thực phẩm” và “kinh doanh thực phẩm” chưa thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật ATTP; khái niệm “cấm sử dụng”, “danh mục được phép sử dụng”, “chưa được phép sử dụng”, “chưa được phép lưu hành tại Việt Nam”... chưa được thống nhất và giải thích rõ ràng trong các tiêu chuẩn và quy chuẩn để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện Luật ATTP.
Thứ tư, một số quy định còn chưa đồng bộ, khó triển khai như tại khoản 1 Điều 36 Luật ATTP quy định về hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong đó quy định hồ sơ cấp có “Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về ATTP của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành”; khoản 1 Điều 10 Nghị định 17/2020/NĐ-CP quy định “Người trực tiếp sản xuất phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận”. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn Luật ATTP chưa quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm thuộc cơ quan nào thực hiện tập huấn kiến thức ATTP. Việc giao cho các doanh nghiệp, cá nhân tự tổ chức tập huấn không bảo đảm tính khách quan và tính hiệu quả trong thi hành pháp luật...
Bộ Y tế cho biết, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế lĩnh vực quản lý ATTP, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế, khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật ATTP, cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ATTP trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật này.
Theo https://baophapluat.vn/nhieu-don-vi-gui-y-kien-dong-gop-ho-so-xay-dung-luat-an-toan-thuc-pham-sua-doi-post533293.html