Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.
Giáo dục, đào tạo luôn là ưu tiên hàng đầu
Sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91 đánh giá quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận định GD&ĐT nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Kết luận 91 cũng đồng thời đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm với yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về GD&ĐT.
Tại cuộc gặp mặt nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; luôn luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác. Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, GD&ĐT có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc”.
2024 là năm đầu tiên việc thực hiện xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú theo Nghị định mới của Chính phủ. So với nghị định cũ, Nghị định 35/2024 quy định rõ hơn cách tính thời gian, nhóm đối tượng và tiêu chuẩn xét tặng; dành sự quan tâm tới nhóm đối tượng đặc thù… Từ năm 1986 đến năm 2024, qua 16 lần xét tặng, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng 671 Nhà giáo Nhân dân và 10.248 Nhà giáo Ưu tú. Năm 2024, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng 21 Nhà giáo Nhân dân, 1.167 Nhà giáo Ưu tú.
Phát triển đội ngũ nhà giáo
Sau gần 20 năm ấp ủ, hơn một năm gấp rút chuẩn bị, dự thảo Luật Nhà giáo trình lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo trong phiên thảo luận tại tổ Quốc hội: “Phải làm sao để Luật Nhà giáo ra đời sẽ được các thầy cô chào đón. Phải làm sao để người thầy đón nhận Luật Nhà giáo thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy”. Theo dự kiến, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV này.
Năm 2024 đánh dấu thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai CT GDPT trên cả nước. Thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên của CT GDPT mới còn ghi dấu bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo chương trình 2006, chuẩn bị khẩn trương, tích cực, chất lượng cho kỳ thi đổi mới từ năm 2025. Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi, đề thi tham khảo kỳ tốt nghiệp THPT từ 2025 theo chương trình mới.
Cùng với quá trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT, những chuẩn bị cho đổi mới tuyển sinh phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng được triển khai trong năm 2024 thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy chế hiện hành.
Năm 2024, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” và phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.
Trong năm, lần đầu tiên Hội nghị toàn quốc các giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên được Bộ GD&ĐT tổ chức. Cũng trong năm 2024, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công bố danh sách 64 thành phố đến từ 35 quốc gia được công nhận là thành viên "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu", trong đó có hai thành phố của Việt Nam là TP Hồ Chí Minh và TP Sơn La, tỉnh Sơn La.
Cho tới nay, Việt Nam có tổng số 5 thành phố được công nhận là thành viên "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu". Để tiếp tục thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, Bộ GD&ĐT đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Học tập suốt đời.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục
2024 tiếp tục là năm ngành Giáo dục dành sự quan tâm cho công tác chuyển đổi số, đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành và kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.
Đồng thời, ngành Giáo dục triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, triển khai đại trà trong thời gian tới. Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số và đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao trình Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sớm ban hành khung năm lực số cho người học từ mầm non đến đại học (bao gồm năng lực ứng dụng AI) nhằm nâng cao năng lực số cho người học, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia…
Năm 2024, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học khu vực châu Á và quốc tế tiếp tục có sự gia tăng ấn tượng. Theo công bố của Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds - Anh) về xếp hạng đại học thế giới "QS World University Rankings: Sustainability 2025" cho 1.751 trường đại học trên toàn thế giới, Việt Nam có 10 trường góp mặt, tăng 2 cơ sở so với năm trước. Đặc biệt ở lần xếp hạng này, Đại học Quốc gia Hà Nội thăng tiến mạnh xếp hạng 325 thế giới (tăng 456 bậc so với vị trí 781 - 790 tại kỳ xếp hạng 2024), xếp 51 ở khu vực châu Á và số 1 Việt Nam.
Trong năm 2024, Việt Nam có 17 trường đại học trong bảng xếp hạng hàng đầu châu Á của QS, trong đó có 4 trường trong top 200; 9 trường đại học trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới của Tổ chức Times Higher Education (THE),13 trường đại học trong Bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của THE.
Năm 2024, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 với chủ đề “Kết nối cùng toả sáng”. Đại hội không chỉ là nơi tôn vinh tài năng thể thao mà còn đề cao sự kết nối của học sinh các quốc gia trong khu vực, cùng đoàn kết vì một thế hệ trẻ Đông Nam Á hội nhập và phát triển.
Đầu tháng 9/2024, cơn bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh khu vực Bắc Bộ nước ta. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 16/9/2024, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương, 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích... do bão số 3 và hoàn lưu bão. Tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính là 1.260 tỷ đồng. Toàn ngành Giáo dục đã chung tay, nỗ lực khắc phục hậu quả để sớm nhất ổn định việc dạy và học. Ngành Giáo dục cũng đã nhận được nhiều hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cả nước.
Theo https://baophapluat.vn/nhin-lai-nhung-quyet-sach-phat-trien-giao-duc-nam-2024-post536387.html