Những bệnh ung thư dễ di truyền
ANTD.VN - Nếu trong gia đình có nhiều thành viên thuộc các thế hệ khác nhau mắc cùng một loại bệnh ung thư, có khối u ở cùng vị trí cần chú ý phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị sớm.
- Hợp tác nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh ung thư tại Việt Nam
- Ăn cà chua mỗi ngày giúp ngăn ngừa bệnh ung thư hiệu quả?
Thống kê cho thấy khoảng 10% các trường hợp ung thư là do di truyền. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cũng cho thấy hơn 22 loại ung thư là những bệnh di truyền có xu hướng quần tụ trong gia đình. Ung thư được hình thành dưới sự tương tác của các yếu tố di truyền và môi trường. Nói cách khác, những người mang gene ung thư thường cần các điều kiện môi trường cụ thể để phát triển ung thư.
![]() |
Khuynh hướng di truyền làm tăng nguy cơ phát triển ung thư do đột biến ở một số gene cụ thể |
Ung thư dạ dày
Khoảng 5 -10% ung thư dạ dày thuộc loại ung thư di truyền. Những người có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày, bao gồm tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày, thói quen ăn uống kém (chẳng hạn như người hút thuốc, nghiện rượu hoặc những người thích ăn thực phẩm nhiều muối, cay nóng, đồ chua và đồ nướng), những người bị loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính và các bệnh dạ dày khác nên tầm soát ung thư dạ dày thường xuyên từ tuổi 40, nội soi dạ dày 3 năm một lần. Nếu trong gia đình có người bị ung thư dạ dày di truyền thì độ tuổi tầm soát nên nâng cao lên 30-35 tuổi.
Ung thư gan
Virus viêm gan B có tính chất lây truyền dọc, dễ gây ung thư gan có xu hướng quần tụ trong các gia đình. Đặc biệt nếu người mẹ nhiễm virus viêm gan B thì con cái của họ có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn. Ung thư gan có liên quan mật thiết đến nhiễm trùng gan. Chỉ cần một người trong gia đình bị nhiễm viêm gan B hoặc C thì nguy cơ lây nhiễm của các thành viên khác trong gia đình sẽ tăng lên rất nhiều.
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt cũng có yếu tố di truyền rõ ràng. Nếu một người trong gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt, nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt đối với người khác sẽ tăng gấp đôi. Nếu có hơn 2 người trong gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt, nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt sẽ tăng lên 5-11 lần.
Ung thư vú và buồng trứng
Các gene di truyền gồm đột biến ở gene BRCA1và BRCA2 làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú và buồng trứng. Người có đột biến gene BRCA1, BRCA2 làm tăng nguy cơ ung thư vú tuổi 80 gấp 6 lần, cũng có thể phát triển bệnh này sớm hơn, nên xét nghiệm tầm soát.
Ung thư tuyến tụy
Có khoảng 3-5% bệnh ung thư tuyến tụy là do hội chứng di truyền, 5-10% ung thư tuyến tụy mang tính chất gia đình (tiền sử gia đình mắc bệnh). Ung thư tuyến tụy liên quan đến đột biến gene, hội chứng Lynch. Người có thành viên trong gia đình mắc hội chứng Peutz-Jeghers. Đây là hội chứng liên quan đến gene STK11 có thể dẫn đến polyp đường tiêu hóa và tàn nhang trên da. Nguy cơ ung thư tuyến tụy và các bệnh ung thư khác do hội chứng Peutz-Jeghers cũng cao hơn.
Ung thư thận, ung thư phổi
Những thay đổi DNA di truyền có thể gây ra ung thư thận như đột biến gene VHL - gene ức chế khối u. Các gene ức chế khác như FH (liên quan đến ung thư bạch cầu), FLCN (hội chứng Birt-Hogg-Dubé), SDHB và SDHD (ung thư thận gia đình) làm tăng nguy cơ ung thư thận. Theo các nghiên cứu bệnh chứng từ Hiệp hội Ung thư Phổi Quốc tế, những người có người thân cấp một (bố, mẹ, anh, chị, em, con cái) bị bệnh ung thư phổi sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh này lên 1,51 lần so với những người không có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi.
Ung thư đại trực tràng
Hai hội chứng đại trực tràng di truyền thường gặp là bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình và ung thư đại trực tràng di truyền không polyp do các đột biến gene di truyền gây nên. Các đột biến này không chỉ làm tăng nguy cơ hình thành khối u đường tiêu hóa mà có thể là nguyên nhân sinh u tại nhiều cơ quan khác như tuyến tụy, tuyến giáp, nội mạc tử cung, gan... Phát hiện sớm thành viên mang gene bệnh giúp có kế hoạch tầm soát định kỳ hoặc điều trị dự phòng.
Ung thư tuyến giáp
Đây là bệnh ung thư của tuyến nội tiết thường gặp nhất. Phần lớn thể bệnh hay gặp là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa. Đây là thể bệnh có tiên lượng tốt nếu được điều trị đúng phác đồ. Ung thư tuyến giáp thể tủy có tiên lượng xấu hơn và có tính di truyền mạnh. Đột biến gene RET gây bệnh này còn là nguyên nhân của các khối u nội tiết khác như u tủy thượng thận, adenoma tuyến cận giáp, u thần kinh ở niêm mạc của môi, lưỡi, đường tiêu hóa.... Tất cả người bệnh chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể tủy đều nên được chỉ định xét nghiệm gene cho bản thân và người thân trong gia đình.
Để ngăn ngừa ung thư di truyền, người có tiền sử gia đình với khuynh hướng ung thư phức tạp nên chủ động tầm soát sớm, định kỳ. Với nhóm nguy cơ cao, việc sàng lọc di truyền giúp họ kịp thời phát hiện bản thân có mang gene gây bệnh hay không và có biện pháp điều trị phù hợp. Mỗi người nên xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học, ăn uống điều độ, tích cực tham gia thể dục thể thao, giữ thái độ lạc quan để sống vui, khỏe.
Theo https://www.anninhthudo.vn/nhung-benh-ung-thu-de-di-truyen-post612711.antd