Navbar with Dropdown

Nữ diễn viên 9x “nặng lòng” với sân khấu kịch Việt Nam

(PLVN) - Dù mới chỉ 27 tuổi nhưng nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Thu (sinh năm 1996) đã có gần 5 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, ghi dấu với hàng loạt vai diễn đáng nhớ. Gần đây nhất, cô đã đạt Huy chương Vàng Cuộc thi Tài năng Diễn viên kịch nói toàn quốc năm 2023.

“Say nắng” sân khấu kịch từ giây phút đầu tiên

Gặp gỡ Minh Thu, mọi người đều nhớ đến cô với nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt khả ái, cùng cách nói chuyện cuốn hút, hấp dẫn. Cô là một gương mặt khá quen thuộc ở Nhà hát Kịch Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Minh Thu cũng xuất hiện trên một số bộ phim truyền hình phát sóng trên kênh VTV như “Hương vị tình thân”, “Phố trong làng”,…

Diễn viên Minh Thu dành trọn tình yêu với sân khấu kịch Việt Nam. (Nguồn: NVCC)

Diễn viên Minh Thu dành trọn tình yêu với sân khấu kịch Việt Nam. (Nguồn: NVCC)

Chia sẻ về câu chuyện nghề, Thu cho biết, ban đầu cô chọn thi vào Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Việt Nam với mong muốn làm một diễn viên truyền hình, điện ảnh, khoe sắc, tỏa sáng trong các vai diễn. Lúc ghi danh vào chuyên ngành Diễn viên Kịch, điện ảnh - truyền hình, cô mong muốn được rèn luyện nghề để nhanh chóng được đóng phim. Sau này, Minh Thu cũng như nhiều sinh viên trong chuyên ngành mới biết, bên cạnh đào tạo diễn viên, cô và các bạn còn phải học để làm một diễn viên kịch nói.

Minh Thu chia sẻ: “Lúc đấy, có một số sinh viên rẽ sang một hướng đi khác, nhưng tôi thì không. Tôi bắt đầu yêu sân khấu kịch từ những giây phút đầu tiên được đi xem”. Thu cho biết, cô yêu niềm say mê, nhiệt huyết của các bậc đàn anh, đàn chị trên sâu khấu. Mê mẩn ánh đèn, cách bài trí sân khấu độc đáo đầy sáng tạo nghệ thuật. Cô yêu cách mình cất lên giọng nói vang vọng, tròn đầy cảm xúc khi biểu diễn.

Vậy là Minh Thu theo nghề, như một cái duyên, một năm sau khi tốt nghiệp cô được nhận vào Nhà hát Kịch Việt Nam để thử việc. Vào năm 2020, cô chính thức vào biên chế của Nhà hát Kịch Việt Nam. Hiện nay, Minh Thu đang công tác ở Đoàn hát Kịch cổ điển - Nhà hát Kịch Việt Nam, cô hoàn thành rất nhiều vai diễn chính, phụ trong các vở kịch.

Diễn viên sân khấu kịch còn lắm gian nan

“Vẻ đẹp của diễn viên không phải ở ngoại hình mà ở trong chính nhân vật”, diễn viên Minh Thu nói.

Diễn viên Minh Thu chia sẻ, các vai diễn trên sân khấu kịch đòi hỏi nhiều công sức chuẩn bị, tuy nhiên, mức thu nhập của một diễn viên không cao. Đây là điều khiến nhiều người trong nghề như cô trăn trở. Bên cạnh đam mê, các diễn viên cần phải có một cuộc sống ổn định để cống hiến hết mình cho nghề. Cô hy vọng, trong tương lai, thu nhập của diễn viên sẽ tốt hơn, để thu hút thêm nhiều người theo nghề.

Minh Thu chia sẻ, bản thân là một cô gái có ngoại hình hiện đại và suy nghĩ truyền thống. Sinh ra trong một gia đình nền nếp, gia giáo, từ nhỏ Minh Thu đã được cha mẹ dạy dỗ nền nếp, bài bản. Gia đình cô vẫn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến việc lựa chọn hướng phát triển nghề nghiệp sau này của Minh Thu.

Cô thường chọn các tác phẩm thuần Việt, những vai diễn mang hơi hướng các cô gái Việt Nam thời xưa. Thật kỳ lạ, mặc dù sở hữu vẻ đẹp hiện đại, tinh tế, nhưng khi hóa thân thành nhân vật, Minh thu lại “thổi” được hồn, cái đẹp của người phụ nữ truyền thống.

Từ nét duyên trong một Thị Nở xấu “ma chê quỷ hờn”, cho đến vẻ đa tình của Hến trong vở kịch “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”, hay vai Mây trong vở kịch “Người tốt nhà số 5” của Lưu Quang Vũ. Cho đến một Công chúa Thiên Thành đài các, trang nhã trong vở “Thiên mệnh” của đạo diễn Đỗ Kỳ đã tham gia Liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2021 và đạt Giải Vàng. Mỗi nhân vật, Minh Thu đem đến cho người xem khả năng biến hóa tài tình khôn lường của mình.

Thu tâm sự, mỗi vai diễn dù là vở kịch của nước ngoài hay Việt Nam, tôi đều giữ cái gốc đó là văn hóa dân tộc. Cô nhớ nhất, vở kịch Mê-đê (nguyên tác: nhà soạn kịch cổ đại Hy Lạp Euripides) được đạo diễn Tạ Tuấn Minh dựng lại. Bên cạnh cốt truyện nguyên gốc của phương Tây, đạo diễn lồng ghép thêm cả những câu hát dân ca Việt Nam rất độc đáo và thú vị. Đây là một trích đoạn Minh Thu rất yêu thích bởi vẻ đẹp hợp của nghệ thuật phương Tây và phương Đông.

Được vinh danh nhờ tình yêu “một nàng Thị Nở”

Nếu đã gặp Minh Thu ở ngoài đời, nhiều người sẽ ấn tượng với ngoại hình xinh xắn, duyên dáng của cô. Nhưng không ai biết rằng, Minh Thu gắn liền với vai diễn Thị Nở (trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao). Đây là một vai diễn yêu thích và đem lại Huy chương Vàng Diễn viên kịch nói toàn quốc năm 2023 cho cô.

Vai diễn Thị Nở đã được cô ấp ủ từ khi còn đang là một sinh viên. Thu chia sẻ: “Từ lúc còn học đại học, một trong những môn yêu thích của tôi là Văn học Việt Nam. Đặc biệt là nhân vật Thị Nở trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao”. Cô thích nhất là những phân cảnh Thị Nở đến bên Chí Phèo, đưa hắn bát cháo, cứu rỗi cuộc đời đau khổ của Chí Phèo.

Minh Thu tâm sự, cô muốn Thị Nở được “đào sâu” hơn, thể hiện mọi mặt nội tâm, cảm xúc từ khát vọng yêu thương, đến nỗi đau, nỗi cô đơn, hoang mang khi biết đã mang thai đứa con của Chí Phèo. Vì vậy, Minh Thu thường xuyên lên thư viện trường nghiên cứu sâu tâm lý nhân vật và tác phẩm.

Để hóa thân vào nhân vật Thị Nở, Minh Thu phải thay đổi ngoại hình, hóa trang sao cho thật xấu, thật lạ. Từ đôi mắt thâm, hàm răng ố vàng chỗ đen, chỗ trắng, cho đến nốt tàn nhan. Rồi đến dáng đi thô kệch, lạch bạch như một con vịt bầu. Giọng nói được cô điều chỉnh, sao cho phù hợp với người thời xưa, có chút ngọng, lệch tông và âm điệu địa phương. Trong vai Thị Nở, Minh Thu “xấu” đến mức không ai có thể nhận ra cô diễn viên xinh đẹp ngoài đời thật.

Vai diễn Thị Nở để lại rất nhiều cảm xúc cho Minh Thu. (Nguồn: NVCC)

Vai diễn Thị Nở để lại rất nhiều cảm xúc cho Minh Thu. (Nguồn: NVCC)

Chia sẻ về việc sẵn sàng làm xấu bản thân, Minh Thu cho biết đó là sự chuyên nghiệp của các diễn viên. Bởi trên sân khấu diễn viên không lột tả nét đẹp ngoại hình mà là cái đẹp, thần thái, tâm lý của nhân vật. Để đầu tư cho một vai diễn, diễn viên không những phải thay đổi ngoại hình mà còn cả giọng nói. Thậm chí, nếu vở diễn yêu cầu giọng những vùng như Thanh Hóa, Nghệ An,… thì người diễn viên phải đến tận nơi để học giọng nói địa phương sao cho giống nhất.

Nói về cảm hứng khi diễn, Minh Thu cho rằng, bên cạnh sự thăng hoa, diễn viên cần phải có kỷ luật, đó chính là sự chuyên nghiệp. Bởi khi diễn, dù ở ngoài cánh gà, cô đang gặp chuyện vui, chuyện buồn, thì khi bước ra sân khấu, cô phải hóa thân vào nhân vật, loại bỏ tất cả cảm xúc cá nhân.

Quay trở lại với vai diễn Thị Nở trên sân khấu kịch, Minh Thu chia sẻ, cô đã diễn rất nhiều lần nhân vật này. Từ khi còn là sinh viên đại học cho đến lúc ra trường, đi làm. Nhưng mỗi lần diễn, cô lại càng thêm yêu nhân vật hơn, hiểu sâu hơn tâm lý của người phụ nữ nông dân lương thiện, bị xã hội ghẻ lạnh, ruồng rẫy. Nữ diễn viên trẻ tâm sự: “Nhân vật Thị Nở có lẽ là người phụ nữ đẹp nhất trong tác phẩm của Nam Cao. Thị Nở dù xấu xí, nhưng lại ẩn chứa bên trong tình yêu thương, bao dung to lớn. Thị Nở xuất hiện như một ánh trăng sáng, dòng nước ấm áp cứu rỗi đời tên “ác quỷ” làng Vũ Đại. Qua vai diễn Thị Nở, tôi muốn tất cả mọi người phụ nữ đều sẽ được yêu thương, tôn trọng. Hơn hết, phụ nữ dù ở thời đại nào cũng xứng đáng có quyền tự do nắm bắt hạnh phúc và được mọi người đồng cảm, bao dung”.

Lan tỏa tình yêu kịch nói với người trẻ

Với một thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, giới trẻ thường mê mẩn đi xem những bộ phim “bom tấn” hoặc phim truyền hình, web drama. Kịch nói không còn thu hút được học sinh, sinh viên như thời xưa nữa. Đối với Minh Thu, cô cho rằng, kịch nói hiện nay có sự thay đổi rất nhiều. Mỗi vở diễn đều được đầu tư kỹ càng, công phu đậm chất nghệ thuật. Như vở kịch “Người tốt nhà số 5” từng được công diễn ở Nhà hát Kịch Việt Nam, sân khấu với những ô cửa bằng dây, kết hợp ánh đèn giống như một triển lãm nghệ thuật.

Ngoài ra, Minh Thu cũng thường được mời đến các trường đại học, chia sẻ cho sinh viên, học viên trải nghiệm về nghề. Tại đây, cô và các đồng nghiệp thường diễn vài đoạn trích ngắn, giúp cho người trẻ cảm nhận được cái đẹp, hay của kịch nói. Mỗi buổi giao lưu như vậy, Minh Thu cùng các đạo diễn, diễn viên nhận được rất nhiều sự quan tâm, chú ý và yêu mến từ những người trẻ. Đây là nguồn động lực để cô tự tin rằng, trong tương lai, sẽ có nhiều học sinh, sinh viên dành tình cảm cho bộ môn nghệ thuật này.

Chia sẻ về mong muốn của mình, Minh Thu cho biết cô hy vọng rằng những người trẻ hãy trải nghiệm kịch nói một lần. Vì mỗi bộ môn nghệ thuật đều cho mọi người những góc nhìn, suy nghĩ, cách cảm thụ khác nhau. Biết đâu đó, kịch sân khấu lại cho các em học sinh, sinh viên một hướng đi mới táo bạo, độc đáo hơn.

Diễn viên Minh Thu đạt Huy chương Vàng Cuộc thi Tài năng Diễn viên kịch nói toàn quốc năm 2023 - vai diễn Thị Nở.

- Giải Vàng Liên hoan sân khấu kịch nói 2021 - vở diễn “Thiên mệnh” vai Thiên Thành Công chúa.

- Tham gia các vai nhỏ và quần chúng của các vở “Ngũ hổ tướng”, “Cô gái và chiếc xe máy”, “Điều còn lại” (vở diễn tham dự Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 và đạt giải Vàng).

- Huy chương Vàng - Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân năm 2020.

Theo https://baophapluat.vn/nu-dien-vien-9x-nang-long-voi-san-khau-kich-viet-nam-post499041.html
KINHTEPLUS.VN

Bản tin kinh tế toàn cảnh của Việt Nam và thế giới. Góc nhìn từ các chuyên gia kinh tế. Kết nối hợp tác kinh doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ.

KẾT NỐI CHÚNG TÔI

  • fab fa-facebook
  • fab fa-google
  • fab fa-twitter
  • fab fa-youtube
  • fab fa-instagram
Image
BÀI NỔI BẬT
CHUYÊN MỤC
Liên Hệ
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HVL MEDIA
Hotline: 0904114818
Tổng giám đốc: Nguyễn Phương Loan
Email: kinhteplus.vn@gmail.com
Page: https://www.facebook.com/profile.php?id=100063543881374