Phải đổi mới giám sát theo yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật
(PLVN) - Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu cho rằng, công tác đổi mới tư duy xây dựng pháp luật đòi hỏi giám sát phải đổi mới theo và việc quyết định các vấn đề cơ bản của đất nước cũng phải đổi mới theo.
Sáng 29/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Góp ý về việc bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát, Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho biết, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang đổi mới tư duy xây dựng pháp luật mà đổi mới tư duy xây dựng pháp luật này vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện, vừa là đòi hỏi bắt buộc các lĩnh vực khác có liên quan phải cùng tham gia. Quốc hội có 3 chức năng cơ bản là xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Công tác đổi mới tư duy xây dựng pháp luật đòi hỏi giám sát phải đổi mới theo và việc quyết định các vấn đề cơ bản của đất nước cũng phải đổi mới theo. Do đó, Đại biểu Thu thống nhất lựa chọn phương án 1 trong dự thảo là bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 của Điều 3: Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.
Về quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo, theo nữ Đại biểu tỉnh Thái Bình, việc chuyển thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận một số báo cáo từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp giữa năm sẽ giúp điều hòa hợp lý, giảm tải khối lượng công việc rất lớn của Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm; đồng thời tạo thuận lợi để Chính phủ, Bộ, ngành trong quá trình thống kê, xây dựng báo cáo tổng hợp đầy đủ tình hình, số liệu trong 1 năm, làm cơ sở cho việc đánh giá toàn diện kết quả công tác trong năm của cơ quan chịu sự giám sát, khắc phục tình trạng các cơ quan phải lấy số liệu nhiều lần phục vụ xây dựng báo cáo trình Quốc hội, gây lãng phí nguồn lực.
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương. (Ảnh: Cổng TTĐTQH) |
Cũng góp ý về nguyên tắc hoạt động giám sát, Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn Quảng Ngãi) cho biết, dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là phù hợp. Còn về cách thức thể hiện, Đại biểu thống nhất xác định đây là một nguyên tắc riêng, một nội dung mới được bổ sung vào trong Luật.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, dự thảo Luật chỉ sửa đổi bổ sung khoản 2, quy định thêm đối tượng là Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTCcó trách nhiệm gửi văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời gửi đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan để giám sát. Đại biểu Hương đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung cả khoản 4. Theo đó, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát. Quy định thật cụ thể các hành vi, tính chất, mức độ vi phạm, trình tự, thủ tục thực hiện đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân. (Ảnh: Cổng TTĐTQH) |
Qua thực tiễn hoạt động giám sát tại địa phương, Đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho biết, HĐND nhiều nơi kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung mở rộng đối tượng giám sát tại Điều 5 của Luật hiện hành. Cụ thể: HĐND được quyền giám sát hoạt động của cơ quan Trung ương tại địa phương như: Cục Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng nhà nước cùng cấp… Đồng thời, đại biểu kiến nghị xem xét bổ sung đại biểu HĐND được quyền chất vấn người đứng đầu các cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương hoạt động tại địa phương…
Theo https://baophapluat.vn/phai-doi-moi-giam-sat-theo-yeu-cau-doi-moi-tu-duy-xay-dung-phap-luat-post533332.html