TP HCM và bản hùng ca văn học, âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc
(PLVN) - Vừa qua, TP HCM tổ chức công bố 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu, ghi dấu hành trình 50 năm hình thành và phát triển trên nhiều lĩnh vực như âm nhạc, mỹ thuật - điêu khắc - kiến trúc, văn học.
Trong đó, âm nhạc nổi bật với các ca khúc như “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”, “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”... đã trở thành biểu tượng tinh thần và niềm tự hào của người dân thành phố.
Ở lĩnh vực mỹ thuật, các tác phẩm điêu khắc như tượng “Nguyễn Tất Thành”, “Bác Hồ với thiếu nhi”, Tượng đài “Mẹ Tổ quốc và Chiến sĩ vô danh”, cùng các bộ tranh sơn mài, tranh gốm... đã thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước, tri ân và khát vọng hòa bình.
Văn học góp mặt với các tác phẩm tiêu biểu như “Quê hương Địa đạo”, “Ở R - Chuyện kể sau 50 năm”, “Mắt biếc”... là tiếng vọng từ lịch sử đến hiện tại, phản ánh chiều sâu tâm hồn và bản sắc văn hóa của TP HCM - một thành phố anh hùng, nhân văn và đầy khát vọng vươn xa.
Âm nhạc - Giai điệu của niềm tin
Âm nhạc suốt 50 năm qua đã cất tiếng ngân từ những trái tim yêu thành phố nồng nàn. Từ “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của Cao Việt Bách, “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng, đến “Đất nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà - mỗi giai điệu là tiếng lòng tự hào bất diệt.
Bên cạnh đó, ca khúc “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” của Phạm Minh Tuấn - Nguyễn Nhật Ánh và Một đời người một rừng cây” của Trần Long Ẩn, đã thổi hồn cho những trang sử mới, tôn vinh lao động, cống hiến và tình yêu cuộc sống. Âm nhạc không chỉ là âm vang ký ức, mà còn là khúc khải hoàn dẫn dắt thành phố vững bước trong mỗi mùa xuân mới.
![]() |
Đại diện các nhóm tác giả giao lưu tại họp báo công bố 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của TP HCM. |
Mỹ thuật, điêu khắc, kiến trúc - Dấu ấn lịch sử
Song hành cùng âm nhạc, những tác phẩm mỹ thuật - điêu khắc đã khắc sâu dấu ấn bất tử của lịch sử TP HCM. Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện diện thiêng liêng qua tượng “Nguyễn Tất Thành” của Phạm Mười và tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” của Diệp Minh Châu, thắp sáng lòng kính yêu trong tim các thế hệ thành phố.
Bên cạnh đó, những tác phẩm mang chủ đề đấu tranh và tri ân như Tượng đài “Mẹ Tổ quốc và Chiến sĩ vô danh” của Nguyễn Hải, bức tranh sơn mài “Thanh niên thành đồng” - Bảo vật quốc gia của Nguyễn Sáng và Bộ tranh gốm tại Đền Bến Dược - Củ Chi, đã cùng nhau thắp sáng bản anh hùng ca bất diệt về tinh thần quật cường, lòng yêu nước và khát vọng tự do. Mỗi khối hình, mỗi mảng màu, mỗi sắc gốm thấm đẫm máu, mồ hôi và lòng tin bất diệt của người dân thành phố.
Văn học - Tiếng vọng từ lịch sử đến tương lai
Bên cạnh đó, văn học TP HCM đã lặng lẽ thắp sáng nền tảng tinh thần trong suốt 50 năm qua. “Quê hương Địa đạo” của Viễn Phương tái hiện cuộc sống chiến đấu kiên cường nơi vùng đất thép Củ Chi.
“Ở R - Chuyện kể sau 50 năm” của Lê Văn Thảo lưu giữ những ký ức chân thực của thế hệ chiến sĩ - văn nghệ sĩ tại chiến khu R. Tập thơ “Thì thầm với dòng sông” của Hoài Vũ ngân vang những giai điệu trữ tình từ dòng Vàm Cỏ Đông lịch sử.
Truyện ngắn “Bàn thờ tổ của một cô đào” của Nguyễn Quang Sáng tri ân đạo nghề sân khấu thiêng liêng; “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh - trong trẻo, dung dị - khắc ghi miền ký ức tuổi thơ trong lòng thành phố trẻ trung, năng động. 5 tác phẩm, 5 nốt nhạc, đã cùng hòa vào bản anh hùng ca bất tận của TP HCM - thành phố của tình yêu, lý tưởng và khát vọng vươn xa.
Gấm hoa văn hóa - nghệ thuật
Âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, văn học - mỗi tác phẩm là một sợi chỉ vàng thêu dệt nên tấm thảm rực rỡ mang tên TP HCM. 50 năm qua, từng giai điệu, từng bức tượng, từng trang viết vẫn lặng lẽ thắp sáng ngọn lửa yêu nước, sáng tạo và khát vọng vươn mình mạnh mẽ, đưa thành phố nghĩa tình, anh hùng, nhân văn ngày càng tỏa sáng trên hành trình hội nhập và phát triển cùng thế giới.
Theo https://baophapluat.vn/tp-hcm-va-ban-hung-ca-van-hoc-am-nhac-my-thuat-kien-truc-post547618.html