Navbar with Dropdown

Trường Sa tha thiết, thiêng liêng - Bài 2: Thanh xuân rạng rỡ, tự hào

 (PLVN) - Dẫu gian khó, hiểm nguy trùng trùng điệp điệp nhưng các chiến sĩ hải quân vẫn vững vàng ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan nơi trùng khơi Trường Sa gió lộng. Dường như không gì khuất phục được và họ hãnh diện bởi đã có một thanh xuân rạng rỡ, tự hào.

Trên hành trình công tác tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), có đảo tôi được ở lại qua đêm, có đảo được ăn cùng quân và dân bữa cơm trưa, nhưng có điểm đảo chỉ là vài giờ dừng chân ngắn ngủi, nói với nhau chưa trọn nỗi lòng. Vậy thôi mà như đủ để thấy, để cảm về người lính trẻ Hải quân miệt mài chắc tay súng giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc thiêng liêng.

Nụ cười chiến sĩ Trường Sa

Lên đảo, cánh báo chí chúng tôi cứ bị đắm đuối với những nụ cười của chiến sĩ. Nó hiện lên trong lúc cổ vũ chương trình văn nghệ, vui chơi thể thao... và cả khi làm nhiệm vụ. Nụ cười ấy, khác đất liền. Cũng có sự trong sáng, hồn nhiên nhưng rắn rỏi, mang chất lửa riêng người lính và tạo nên sức hút vừa mãnh liệt, vừa gần gũi. Đó là những khoảnh khắc tôi đã bấm máy lia lịa để kịp giữ lại.

Nụ cười chiến sĩ Trường Sa giữa mùa Xuân.

Nụ cười chiến sĩ Trường Sa giữa mùa Xuân.

Bộ đội Trường Sa “giàu có” nhất là nụ cười, lên đảo nào tôi cũng bắt gặp những nụ cười của lính Hải quân. Còn nhớ ở một cuộc triển lãm ảnh về Trường Sa, về Hải quân, thấy bức chân dung chiến sĩ giơ tay chào điều lệnh với nụ cười tươi, các em học sinh tiểu học cùng xúm lại, cất tay chào theo chú bộ đội trong hình. Tôi lặng nhìn mà lòng dâng lên niềm tin yêu mãnh liệt. Tại các triển lãm trong trường học, trung tâm văn hóa hay với kiều bào ta ở nước ngoài, những bức ảnh nụ cười chiến sĩ nhận được rất nhiều sự quan tâm, nhất là lớp người trẻ. Và đó cũng là chủ đề được nhiều nhà báo, nhiếp ảnh gia khai thác.

Dẫu gian lao nhưng trong sâu thẳm người lính Hải quân vẫn ngời ngời vẻ hồn nhiên. Nó thể hiện, ở khía cạnh cơ bản nhất, họ vẫn đang được chăm lo về cả vật chất lẫn tinh thần. Chỉ chờ khơi gợi, khí chất tuổi trẻ sẽ bộc phát ra rất đẹp đẽ, cuốn hút đến lạ kỳ. Nụ cười ấy xem văn nghệ bừng lên cả góc không gian đảo nhỏ. Nụ cười khi đọc thư từ đất liền nhuần nhị, dịu lắng hơn.

Thanh xuân đầy tự hào với đời binh nghiệp của Hải quân giữa khơi xa Trường Sa.

Thanh xuân đầy tự hào với đời binh nghiệp của Hải quân giữa khơi xa Trường Sa.

Giờ đã có sóng điện thoại nhưng vào Tết, nhiều nơi vẫn có phong trào cánh thư gửi bộ đội đảo xa. Xưa thư từ hiếm, chung nhau đọc một lá. Bây giờ mỗi đảo nhận hàng chục thư vẫn đọc chung. Lính Hải quân đọc thư thích thú lắm. Những em tiểu học lời thư ngộ nghĩnh, đáng yêu. Cấp 2 đã biết làm bưu thiếp, mở ra thấy hình hoa bàng vuông dần hé nở. Tại sao học sinh ở những nơi không có biển vẫn làm được? Có lẽ, các em may mắn được học tập dưới mái trường lan tỏa mạnh về tình yêu biển đảo.

Thư của học sinh cấp 3 thì gần gũi hơn vì các em chỉ kém chiến sĩ vài ba tuổi. Thư đã biết chia sẻ, mong mỏi nhận hồi âm từ đảo xa bởi điều gì từ Trường Sa về đất liền cũng là vô giá tinh thần. Lính tinh nghịch, đọc cười phá lên nhưng rồi lại xúc động vô cùng. Lắm cậu chưa biết vùng đất ấy thế nào nhưng qua thư, cảm xúc và tưởng tượng, dù giữa biển Đông vẫn được chu du khắp mọi miền đất nước.

Đọc thư từ đất liền.

Đọc thư từ đất liền.

“Em đã thấy một trời hoa nắng/Ngay khi vừa nhắm mắt nghĩ về anh/Ngày xa cách ánh nhìn như biển rộng/Nhớ biên thư cho nỗi nhớ âm thầm” - tôi tình cờ nghe được những dòng “thơ trong thư” như thế... Thư nhóm lên cảm xúc, hoài bão tuổi trẻ. Phải chăng nhờ đó mà lính trẻ đã trọn vẹn với lời thề sẵn sàng chiến đấu, hết nghĩa vụ sẽ nỗ lực lập nghiệp và hẹn xuôi Bắc, ngược Nam để tìm gặp nhau một lần?

Khát khao cống hiến thôi thúc

Đó là Hồ Quốc Khải (SN 2004, quê huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thanh Tâm (SN 2005, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đang làm nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn, Nguyễn Minh Hiếu (SN 2005, Diễn Châu, Nghệ An), Nguyễn Văn Quỳnh (SN 2004, Vạn Ninh, Khánh Hòa) ở Song Tử Tây...

Những chiến sĩ vai đeo quân hàm binh nhì, binh nhất này dù mới lứa tuổi đôi mươi nhưng từ nước da, dáng vẻ đến ánh mắt, cử chỉ, giọng nói đều sôi nổi, rắn rỏi và cương nghị. Thanh xuân với biết bao tham vọng trong mỗi người, nhưng khi Tổ quốc cần thì gác ngay lại, sẵn sàng vượt sóng gió ra tuyến đầu Trường Sa.

Tôi gặp Lê Tuấn Khang đang làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn. Khang dễ “đốn tim” người nhìn bởi nụ cười đẹp trai, yên ổn, bình an như chính tên của mình. Tháng Bảy này, em tròn hai mươi. “Dù ra đảo mới nửa năm nhưng với em là tuổi xuân đẹp nhất. Ở đây, em được cống hiến tuổi trẻ, luôn sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ để xứng đáng với niềm tin yêu của đồng đội, người thân và Nhân dân cả nước. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, em sẽ học nghề để về góp sức xây dựng quê hương” - Khang chia sẻ tự hào.

Nụ cười của các chiến sĩ: Hồ Quốc Khải (thứ nhất từ trái sang), Nguyễn Thanh Tâm (thứ hai từ phải sang) bên đồng đội.

Nụ cười của các chiến sĩ: Hồ Quốc Khải (thứ nhất từ trái sang), Nguyễn Thanh Tâm (thứ hai từ phải sang) bên đồng đội.

Theo Đại tá Đỗ Hải Đăng - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu thì cán bộ, chiến sĩ trên các đảo còn có những giờ thư giãn, rèn luyện thể chất bằng việc tập thể dục, thể thao tại nhà văn hóa đa năng.

Trong đời binh nghiệp, thường xuyên đi tăng ở quần đảo Trường Sa là niềm hạnh phúc chẳng thể đếm đo đối với những cán bộ trẻ. Mỗi đợt nhận công tác mới là một lần các anh mang cảm xúc đặc biệt. Đó là sự hồi hộp với điểm đảo mới, hay là háo hức khi được trở lại nơi từng gắn bó vài năm trước, giờ đây không biết đổi thay thế nào?

Giờ sinh hoạt chính trị tại phòng thư viện của chiến sĩ đảo Song Tử Tây.

Giờ sinh hoạt chính trị tại phòng thư viện của chiến sĩ đảo Song Tử Tây.

Tôi nghe kể những người đi tăng nhiều như: Thượng úy Đỗ Văn Vũ - đến 6 lần đi tăng, làm nhiệm vụ ở các đảo Đá Đông, Đá Tây, Đá Thị, Cô Lin và 2 lần đến Đá Lớn; Trung tá Nguyễn Đình Lơi đã đi tăng đến Sơn Ca và 2 lần đến đảo Sinh Tồn Đông làm nhiệm vụ trong vòng 5 năm nên được đồng đội gọi vui là “chúa đảo”.

Thiếu tá Trần Văn Dương từng nhận công tác rất nhiều đảo. Riêng Song Tử Tây là nơi anh trở lại sau hơn 2 năm. “Trước tôi ở đây chưa gặp bão mà chỉ có áp thấp. Cuối năm 2021, bão lớn tàn phá gần hết cây xanh và hư hại nhiều công trình nhà cửa trên đảo. Lần trở lại này đã thấy cây cối xanh tươi tốt trở lại và nhiều công trình vững chãi hơn. Có sự đổi thay này, không chỉ Sinh Tồn Đông mà tất cả các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc là biết bao cống hiến của cán bộ, chiến sĩ Hải quân”, anh Dương khẳng định.

Mới xa hai năm thôi nhưng bước chân anh rộn nhịp như đứa con đi xa trở về nhà. Với anh và tất cả đồng chí, đồng đội thì “Đảo là nhà - Biển cả là quê hương”. Rồi từng dáng bàng vuông, phong ba, bão táp, từng dải cát, vỉa kè, từng đợt gió lộng mênh mang… vừa mang dáng thân quen, lại có phần lạ lẫm bởi sức sống tươi mới, hiện đại hơn rồi.

Thiếu tá Trần Văn Dương ngày trở lại Song Tử Tây.

Thiếu tá Trần Văn Dương ngày trở lại Song Tử Tây.

Cứ biền biệt xa gia đình như thế nhưng anh không bao giờ thấy đơn lẻ vì có đồng chí, đồng đội bên cạnh bền gan, lạc quan, yêu đời. Phía bờ có tổ ấm gia đình ăm ắp nhớ thương, động viên vững tâm công tác. Ấm áp xiết bao khi gọi điện cho con, nghe tiếng trẻ thơ lảnh lót: “Bố ơi, bố ăn cơm chưa? Bố có nhớ con không? Đảo có lớn như quê nhà mình không bố?”; “Biển đảo quê hương mình dài rộng, bao la lắm. Con ở nhà chăm ngoan, con lớn lên, bố sẽ đưa con ra Trường Sa”. “Mỗi tiếng con thơ đem đến cho tôi hơi ấm của đất liền, hối thúc thêm trách nhiệm trong công tác” - anh Dương chia sẻ.

Chia tay đồng đội bằng cây bàng vuông mới nhú gửi về đất liền. (Ảnh trong bài: Trần Nguyên Phong - Nguyễn Thanh Hải)

Chia tay đồng đội bằng cây bàng vuông mới nhú gửi về đất liền. (Ảnh trong bài: Trần Nguyên Phong - Nguyễn Thanh Hải)

Rồi cũng ở Song Tử Tây, việc Thiếu tá Cao Văn Giang vì khát khao cống hiến thanh xuân nhiều hơn cho quân đội mà chàng lính Lục quân này đã xin đổi sang màu áo Hải quân, viết đơn tình nguyện ra Trường Sa là câu chuyện mang thanh âm đặc biệt giữa trùng dương lộng gió.

Đồng chí, đồng đội vài năm trước có thể người còn, người đã được thay tăng, nhưng cái cách ăn sóng, nói gió, nụ cười hào sảng, làn da sạm đen và mái tóc cứng khô vì gió mặn thì vẫn giữ trên những gương mặt dù hôm nay mới lạ, nhưng chỉ mai thôi đã quen thân lắm rồi.

Bài tiếp: Những thời khắc sâu lắng không quên

Theo https://baophapluat.vn/truong-sa-tha-thiet-thieng-lieng-bai-2-thanh-xuan-rang-ro-tu-hao-post545849.html
KINHTEPLUS.VN

Bản tin kinh tế toàn cảnh của Việt Nam và thế giới. Góc nhìn từ các chuyên gia kinh tế. Kết nối hợp tác kinh doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ.

KẾT NỐI CHÚNG TÔI

  • fab fa-facebook
  • fab fa-google
  • fab fa-twitter
  • fab fa-youtube
  • fab fa-instagram
Image
BÀI NỔI BẬT
CHUYÊN MỤC
Liên Hệ
CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG HVL MEDIA
Hotline: 0904114818
Tổng giám đốc: Nguyễn Phương Loan
Email: kinhteplus.vn@gmail.com
Page: https://www.facebook.com/profile.php?id=100063543881374