BOT Phú Hữu bị chủ phương tiện phản đối, lộ diện khoản đầu tư khủng của Vicem Hà Tiên

Tìm hiểu cho thấy, tuyến đường nối này không chỉ là trục lưu thông của phương tiện vận tải mà còn là nơi qua lại của cư nhiều cư dân sinh sống quanh khu vực, nhân viên các DN…

Theo thống kê của chủ đầu tư (CĐT), ngày đầu thu phí, có 5.335 lượt phương tiện qua trạm BOT Phú Hữu. Theo phản ánh, DN và nhân viên làm việc tại các DN có trụ sở trên tuyến đường BOT Phú Hữu mong muốn miễn thu phí xe ô tô của họ khi lưu thông qua trạm BOT Phú Hữu. Bên cạnh đó, tài xế xe taxi, xe công nghệ hằng ngày điều khiển xe qua trạm BOT này không đồng ý thu phí đối với phương tiện của họ. Một số chủ phương tiện khác cũng không đồng ý thu phí dịch vụ như xe đưa rước học sinh, xe đổ rác.

Trước vấn đề trên, CĐT dự án cho biết Xí nghiệp Quản lý Đường BOT Phú Hữu có các kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN. Theo đó, đơn vị này đang áp dụng miễn thu phí qua Trạm BOT Phú Hữu cho các đối tượng theo Biên bản thỏa thuận với Sở GTVT TPHCM, cụ thể là xe đưa rước học sinh, xe thu gom rác, ô tô dưới 12 ghế sử dụng cho mục đích kinh doanh của hộ dân thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng trong phạm vi tuyến đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu.

BOT Phú Hữu bị chủ phương tiện phản đối, lộ diện khoản đầu tư khủng của Vicem Hà Tiên
Nhiều chủ phương tiện đang phản đối việc thu phí cũng như mức phí của CĐT Trạm BOT Phú Hữu

Bên cạnh đó là giảm 50% mức thu phí đối với ô tô của cán bộ nhân viên thuộc các DN có trụ sở trên tuyến đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu.

Xí nghiệp Quản lý Đường BOT Phú Hữu đề nghị UBND phường Phú Hữu (TP Thủ Đức) sớm tổ chức đối thoại với cư dân, doanh nghiệp có sự tham dự của Sở GTVT và Xí nghiệp Quản lý đường BOT Phú Hữu.

Hiện dư luận là người dân sinh sống tại đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu (phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức) cho biết, việc thu phí vẫn còn bất cập, ví như chưa có chính sách miễn giảm cho người dân làm nghề lái xe taxi sinh sống bên trong khu vực.

Ngoài ra, không ít tài xế vào bãi lấy hàng cách trạm chưa đến 500m mà mỗi lượt vào và ra khỏi trạm BOT phải đóng phí 110.000 đồng/lượt là không hợp lý.

Được biết, năm 2012, Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên được chấp thuận và bắt đầu thi công dự án đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu, quận 9, nay là TP Thủ Đức, TPHCM. Tuyến đường dài 2,6km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 461 tỷ đồng, theo phương thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

BOT Phú Hữu bị chủ phương tiện phản đối, lộ diện khoản đầu tư khủng của Vicem Hà Tiên
Chi phí của Xi măng Hà Tiên cho Dự án tính đến ngày 31/12/2023 là 537,9 tỷ đồng

Về nguồn vốn đầu tư cho dự án BOT đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu nay là TP Thủ Đức, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của Công ty Xi măng Hà Tiên cho thấy, đến ngày 30/6/2024, Công ty đã đầu tư cho dự án 544,3 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2023, số tiền dừng ở mức 537,7 tỷ đồng. Không thấy Công ty thuyết minh chi tiết số tiền hơn 6 tỷ đồng tăng thêm giữa cuối kỳ và đầu kỳ. Theo tìm hiểu thì vào tháng 4/2023, UBND Tp.HCM có ban hành Quyết định số 1419/QĐ-UBND về việc duyệt dự án Đầu tư lắp đặt hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng tại trạm thu phí BOT Phú Hữu, thuộc dự án đường nối đã nêu phía trên.

Thời điểm ngày 31/12/2023 (kết thúc năm tài chính 2023), Công ty đang triển khai hoàn thiện đầu tiên việc lắp đặt trạm BOT nói trên, đồng thời phối hợp Sở GTVT Tp.HCM và các bên liên quan để hoàn thiện các phương án về việc thu phí.

Tìm hiểu cho thấy, vào tháng 8/2017, Thanh tra Chính phủ có kết luận về một số nội dung tại dự án này như: Xi măng Hà Tiên thành lập Ban quản lý trong thời gian xây dựng, thay vì thành lập doanh nghiệp là chưa đúng quy định. Ngoài ra, việc hợp đồng BOT được ký ngày 3/6/2012 nhưng đến ngày 9/10/2013 mới có thông báo tài trợ dự án của Ngân hàng BIDV là vi phạm quy định hiện hành.

Tính đến ngày 30/6/2024, Công ty Xi măng Hà Tiên có tổng nguồn vốn là trên 8.262 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 4.836 tỷ đồng. Được biết, đây là công ty con của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM). Tính đến thời điểm cuối năm 2023, VICEM nắm giữ đến 79% số cổ phần tại DN này.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán