"Cần bổ sung ngay quy định bảo hiểm bắt buộc sự cố môi trường"

202205271445166291_CQH_0762

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều ngày 27/5 tại Quốc hội

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều 27/5/2022, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 154 điều (giảm 01 chương và 03 điều), có 40 điều sửa đổi nội dung, 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bổ sung 07 điều, bãi bỏ một số quy định tại 09 điều và giữ nguyên 33 điều.

tranQuangPhuong

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu điều hành Phiên thảo luận

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng. Do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm hài hòa quyền, trách nhiệm giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, thuận lợi trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện phát triển bền vững thị trường kinh doanh bảo hiểm.

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, đây là dự thảo Luật có chuyên môn sâu vào phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng. Vì vậy đã được sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận trong Kỳ họp thứ 2 cũng như tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Cần bổ sung quy định bảo hiểm bắt buộc sự cố môi trường

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình), hiện nay có ít nhất là 20 luật quy định về mua bảo hiểm bắt buộc, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, theo đó quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

Cũng trên thực tế hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra rất là phức tạp. Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, có 1350 làng nghề thì đã có 45% làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hơn 30% làng nghề  cũng trong tình trạng ô nhiễm. Đại biểu cho rằng, bảo hiểm bắt buộc về môi trường là vấn đề nóng, cấp thiết, liên quan trực tiếp tới lợi ích công cộng, môi trường, an toàn xã hội. Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này cần phải bổ sung ngay quy định bảo hiểm bắt buộc đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường. 

NguyenThiTuyetNga

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) góp ý trước Quốc hội về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

"Về chứng chỉ môi giới bảo hiểm, đại biểu đề nghị làm rõ chứng chỉ môi giới bảo hiểm do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp có được sử dụng tại Việt Nam hay không? Các cá nhân đang trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm có tiếp tục được sử dụng chứng chỉ bảo hiểm hiện hành hay phải chuyển đổi/thi, cấp lại thành chứng chỉ môi giới bảo hiểm và quy định rõ điều kiện chuyển tiếp tại dự thảo Luật đối với nội dung này", Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (Đoàn TP Hải Phòng) nêu ý kiến.

Đề nghị cần tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến quy định về đại lý, môi giới bảo hiểm để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi, như quy định khái niệm về “tư vấn”, “hoạt động đại lý”, quy định về hoạt động thuê ngoài… đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh, cần rà soát thật kỹ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là tính thống nhất trong nội tại các quy định của dự thảo Luật, quy định đưa ra phải thực sự khả thi.

LAThanhTan(TP)

Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Điều 5 dự thảo Luật đã quy định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Đại biểu Lã Thanh Tân cho biết quy định này chưa có giải pháp cụ thể.

Cần thận trọng, có quy định rõ ràng về dịch vụ bảo hiểm qua biên giới

"Về nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm theo Điều 6 quy định, dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế là cần thiết nhưng cũng phải thận trọng, có quy định rõ ràng, rành mạch, tránh trường hợp bị lợi dụng để chuyển tiền ra nước ngoài thông qua loại hình bảo hiểm này một cách hợp pháp.

Trên thực tế đã có dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có bảo hiểm, nhà nước không quản lý được. Mặt khác cũng để bảo hiểm bảo vệ cho người mua, bảo hiểm không bị lừa dối thông qua mô hình này, rất là khó kiểm soát. Việc đầu tư ra nước ngoài theo Điều 113 cũng vậy, cần thận trọng để không bị lợi dụng thất thoát ngoại tệ", Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến.

Do đó, đại biểu cho rằng phải có quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật đối với các loại hình, các loại doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù có ràng buộc theo quy định của pháp luật nhưng việc đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ rất khó kiểm soát.

Để đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm, đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) thống nhất cao với các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại Khoản 2, Điều 19 dự thảo Luật quy định phải có bằng chứng xác nhận việc mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm, phi nhân thọ nước ngoài giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát quy định rõ các nội dung liên quan đến thủ tục phá sản, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm để phù hợp với Luật Phá sản; quy định về việc bảo đảm nghĩa vụ thông báo khi bên mua bảo hiểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

VoManHSon

Đại biểu Võ Mạnh Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm về hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp có sự khác nhau giữa các luật

"Liên quan tới các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu chỉ rõ, tại Khoản 5 Điều 9 của dự thảo Luật thì có quy định về hành vi đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bên cạnh hành vi nêu trên thì còn có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, giao kết hợp đồng bảo hiểm của các nhân viên đại lý bảo hiểm gây nhiều hệ lụy đến người tham gia bảo hiểm. Do đó, đề nghị bổ sung hành vi này và dự thảo Luật", Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nêu ý kiến đóng góp.

Không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bất động sản

PhamThiKieu

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Tán thành với quy định không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bất động sản, song đại biểu Phạm Thị Kiều cũng đề nghị cần bổ sung, làm rõ doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài có được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp là công ty con để kinh doanh bất động sản không? Nếu có thì có giới hạn tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài không?

Đưa ra ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) đề xuất dự thảo Luật cần quy định rõ thế nào là thông đồng gian dối thông tin của người mua bảo hiểm. "Vì xác định được các hình thức, biểu hiện cụ thể của thông đồng và các quy định cụ thể của Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ làm cơ sở quan trọng để xác định trách nhiệm của người bán, bên kinh doanh bảo hiểm và các cơ quan hữu quan trong hành vi gian dối thông tin của người mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm, hậu quả pháp lý cụ thể của mỗi bên đối với các hành vi gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật của bên mua bảo hiểm, nhưng có sự thông đồng, giúp sức của bên bán bảo hiểm".

Đại biểu cũng cho rằng cần có sự tính toán tăng chế tài đối với bên kinh doanh bảo hiểm có hành vi gian lận, đặc biệt trong bối cảnh các hành vi gian lận đang gia tăng về số lượng trên thị trường.

BotaiChinh

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước phát biểu tiếp thu, giải trình

Phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo đã phối hợp sát sao với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng thống nhất, đồng bộ việc thực hiện pháp luật, tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm khả năng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Qua 21 ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu. 

Cụ thể, Bộ trưởng khẳng định hai khái niệm “an toàn vốn” và “an toàn tài chính” là khác nhau. Khái niệm “an toàn vốn” đã được làm rõ tại khoản 1, điều 108 dự thảo Luật, theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài phải luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn không thấp hơn quy định của Bộ Tài chính. Tỷ lệ an toàn vốn là tỷ lệ giữa vốn thực có và vốn trên cơ sở rủi ro theo quy định của Bộ Tài chính.

botaichinhhh

Về an toàn tài chính, dự thảo Luật có quy định rõ tại điều 93: trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài phải chủ động rà soát các quy trình, quy chế, khung quản trị rủi ro, kế hoạch kinh doanh, đánh giá hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, hoạt động tài chính, bảo đảm an toàn hiệu quả và tuân thủ pháp luật nhằm đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn và an toàn tài chính theo quy định của Luật này. 

Về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, tập quán quốc tế, Bộ trưởng cho biết việc xây dựng dự thảo Luật sẽ đảm bảo đúng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đảm bảo rõ ràng, minh bạch trong việc áp dụng luật sau khi luật có hiệu lực thi hành.

Nguồn: Phapluatplus.vn