Ứng dụng Design Thinking trong lĩnh vực du lịch

TS. Trần Kim Quyên - Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Công Thương miền Trung – MITC thảo luận tại Hội thảo. 

Hội thảo được tổ chức bởi Làng Design Thinking – Techfest Việt Nam và Liên minh Du lịch Nông nghiệp Bền vững - VSAA, với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp sáng tạo nhằm phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững.

Các diễn giả là những chuyên gia đến từ Làng Design Thinking - Techfest VN, Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, Trường Cao đẳng Công thương miền Trung đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về ứng dụng Design Thinking trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp bền vững, ứng dụng tài sản số trong hoạt động của VSAA - kết nối vốn và giá trị cho VSAA. Sự kiện cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức, các farm trong ngành du lịch, nông nghiệp kết nối với nhau, cập nhật những kiến thức mới về du lịch nông nghiệp bền vững, ứng dụng Design Thinking để sáng tạo và đổi mới hệ sinh thái liên minh du lịch nông nghiệp bền vững, mở ra cơ hội hợp tác, phát triển. Cơ hội để cập nhật kiến thức mới về du lịch, nông nghiệp bền vững, Design Thinking và du lịch nông nghiệp bền vững, mở rộng cơ hội hợp tác, phát triển.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thanh Hà, sáng lập Omirita Resort đã nhấn mạnh, trong bối cảnh ngành du lịch đang đối mặt với nhiều thách thức lớn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, ứng dụng tư duy thiết kế (Design Thinking) trong đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa để ngành du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Design Thinking, hay tư duy thiết kế, là một phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm, giúp giải quyết các vấn đề phức tạp thông qua sự sáng tạo và đổi mới. Theo bà Dương Tường Nhi - Trưởng Làng Design Thinking - Techfest Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Tác động (IIC), tư duy thiết kế không chỉ là một công cụ mà còn là một tư duy chiến lược, giúp các doanh nghiệp du lịch nông nghiệp tạo ra những trải nghiệm du lịch khác biệt và đầy ý nghĩa cho du khách. Những ý tưởng sáng tạo này không chỉ giúp bảo tồn môi trường tự nhiên mà còn góp phần nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, từ đó thu hút thêm nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.'

Bà Dương Tường Nhi - Trưởng Làng Design Thinking - Techfest VN, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Tác động (IIC) thảo luận. 

Liên kết cộng đồng - Chìa khóa của sự thành công

Một trong những điểm nổi bật của Hội thảo là việc giới thiệu Liên minh Du lịch Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (VSAA) –sáng kiến quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp.

Theo đó, các thành viên Liên minh như: TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam; TS. Trần Kim Quyên - Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Công Thương miền Trung – MITC; Bà Dương Tường Nhi - Trưởng Làng Design Thinking - Techfest VN; ThS. Nguyễn Châu Linh - Đồng Trưởng Làng Design Thinking - CEO Nền tảng DJC - Ngân hàng di sản số; ThS. Hoàng Thị Cẩm Tú - Đồng Trưởng Làng DT - Thành viên sáng lập mạng lưới Local Talent Phú Yên và nhiều chuyên gia khác đã cùng nhau thảo luận về chiến lược xây dựng và nâng tầm thương hiệu cho các thành viên của liên minh.

Các đại biểu dự Hội thảo. 

Bà Nguyễn Châu Linh, CEO Nền tảng DJC - Ngân hàng di sản số đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc ứng dụng Design Thinking trong việc phát triển thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thành viên của VSAA. Bà khẳng định, việc kết nối và hợp tác giữa các thành viên sẽ là nền tảng vững chắc giúp VSAA phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.

Trong bối cảnh ngành du lịch nông nghiệp ngày càng phát triển, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố then chốt. Tiến sĩ Trần Kim Quyên, Cố vấn Làng Design Thinking và Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Công Thương miền Trung – MITC khẳng định nguồn nhân lực không chỉ cần được trang bị kiến thức chuyên môn mà còn phải được đào tạo về kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong môi trường làm việc. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp có thể nắm bắt kịp thời những xu hướng mới và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.

 TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam khẳng định về vai trò của tài sản số và công nghệ số trong việc phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. 

Thảo luận tại Hội thảo, TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam khẳng định về vai trò của tài sản số và công nghệ số trong việc phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Ông cho rằng, việc sử dụng công nghệ không chỉ giúp tối ưu hóa các hoạt động quản lý mà còn tạo ra những trải nghiệm du lịch mới lạ, hấp dẫn cho du khách.

TS. Trần Quý cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối các giá trị và nguồn vốn cho VSAA thông qua việc ứng dụng tài sản số và công nghệ blockchain. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của liên minh mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành du lịch nông nghiệp.../.

Nguồn:Chuyendoiso.dangcongsan.vn