Chế độ thù lao đối với những người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo tại các hội

Chế độ thù lao đối với những người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo tại các hội ảnh 1

Cụ thể, cử tri thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung quy định về chế độ thù lao đối với chức danh lãnh đạo chuyên trách Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Hội không có lương hưu được hưởng thù lao như đối với chức danh lãnh đạo chuyên trách Chủ tịch, Phó Chủ tịch tại các Hội đã nghỉ hưu, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội.

Về nội dung này, Bộ Nội vụ cho biết, do đặc điểm hoạt động của hội có những người được bầu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách (thuộc chỉ tiêu biên chế được giao) nhưng đã nghỉ hưu không thuộc đối tượng xếp lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo đó, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội, trong đó quy định mức thù lao hàng tháng tối đa đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội (mức thù lao được hưởng khi giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách hội theo chỉ tiêu biên chế được giao ngoài lương hưu hiện hưởng theo chế độ bảo hiểm xã hội).

Căn cứ mức thù lao tối đa này, các hội quy định cụ thể mức thù lao hàng tháng đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách của hội, bảo đảm tương quan nội bộ, công khai, dân chủ, minh bạch và phù hợp với Điều lệ hoạt động của hội.

Đối với người làm việc tại các hội (trong độ tuổi lao động hoặc đã hết tuổi lao động) không phải là người nghỉ hưu theo quy định của pháp luật thì không áp dụng Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg mà thực hiện chế độ, chính sách theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 03/2013/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

Như vậy, chế độ, chính sách đối với người làm việc tại các hội thuộc thành phố Hà Nội (bao gồm người đang hưởng lương hưu và người không hưởng lương hưu) do hội căn cứ vào các quy định nêu trên để quyết định cụ thể, bảo đảm phù hợp với kinh phí của hội từ nguồn hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được Nhà nước giao (nếu có) và các nguồn thu hợp pháp khác của hội.

Tại Kết luận số 102-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng đã nêu: “Không quy định hội có tính chất đặc thù. Đối với các hội do Đảng có nhu cầu, chỉ đạo thành lập và giao thực hiện nhiệm vụ thì tiếp tục cấp kinh phí và tạo các điều kiện hoạt động. Đối với các hội đã được giao biên chế, kinh phí hoạt động giữ ổn định đến hết năm 2016, từ năm 2017 đến năm 2020 từng bước thực hiện khoán kinh phí hoạt động theo lộ trình phù hợp. Các hội còn lại hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao”.

Và tại Thông báo số 158-TB/TW ngày 02 tháng 01 năm 2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW đã xác định, từ năm 2021 thực hiện việc khoán kinh phí hoạt động theo chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội có ý kiến với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng nêu trên.

Nguồn: Anninhthudo.vn