Chuyện lạ ở rừng Măng Đen

Đó là chuyện những hòn đá lớn được dựng lên ở nhiều nơi, trên các tảng đá này ghi những dòng chữ nguệch ngoạc, như thông tin quảng cáo, đánh dấu chủ quyền trên cánh rừng được mệnh danh Đà Lạt thứ 2.

Những hòn đá lớn được dựng lên trong một cánh rừng Măng Đen.

Những hòn đá lớn được dựng lên trong một cánh rừng Măng Đen.

Theo ghi nhận, mỗi hòn đá cao khoảng 2 mét, chân đế được trám bê tông xi măng cẩn thân. Mặt chính những tảng đá rộng khoảng 2-3 mét vuông, bề mặt được đục khoét, ghi những dòng chữ nguệch ngoạc khó đọc, khó hiểu. Đồng bào Tây nguyên hiện đang bàn tán xôn xao khi có những tảng đá lớn bỗng chốc xuất hiện ở bên các tuyến đường xuyên rừng Măng Đen. Họ vừa tò mò, vừa không hiểu ai đã đặt những tảng đá lớn như vậy trên những cánh rừng nơi đây.

Theo quan sát của PV, những dòng chữ ghi trên tảng đá không rõ ràng, có chữ đọc được, có chữ không thể đọc. Vài chữ có thể mường tượng ra thông tin như “...Công trình... khu biệt thiệt phía Bắc...”. Một vài tảng đá khác dường như đã bị phá bỏ các chữ cái một cách vội vã, thay vào đó là vết trám, trét xi măng lên những tảng đá.

Nét chữ trên tảng đá bị phá hủy tại rừng Măng Đen.

Nét chữ trên tảng đá bị phá hủy tại rừng Măng Đen.

Chúng tôi gặp và trao đổi chuyện lạ này với người dân địa phương và đã phần nào hiểu ra câu chuyện đằng sau các tảng đá dựng lên trong rừng Măng Đen. Câu chuyện bắt đầu từ một dự án xây dựng biệt thự ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đến năm 2030, khu vực này sẽ hình thành khu dân cư mới ở phía Bắc với loại nhà ở dạng biệt thự.

Bên cạnh đó, UBND huyện Kon Plông đã phê duyệt lần lượt chủ trương đầu tư dự án khai thác quỹ đất khu biệt thự; đồng thời lập đồ án quy hoạch chi tiết biệt thự trên đất rừng nêu trên. Dự án này có tổng diện tích hơn 21ha, trong đó diện tích đất dự kiến sẽ phân lô, bán đấu giá gần 4ha, đất xây dựng cơ sở hạ tầng và đất khác trên 17ha, được quy hoạch tại các khoảnh 8, 13, 14 tiểu khu 483A, thị trấn Măng Đen.

Tháng 5 năm 2021, UBND huyện Kon Plông có tờ trình gửi UBND tỉnh Kon Tum, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin chuyển mục đích sử dụng đất trong dự án trên. Tổng diện tích xin chuyển mục đích sử dụng đất rừng là hơn 6ha, trong đó diện tích đất xin chuyển sang đất ở đô thị gần 4ha, diện tích đất làm đường giao thông hơn 2ha.

Do có sự khác nhau về hiện trạng rừng qua các thời điểm nhưng chưa được làm rõ, nên Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Kon Tum đã trả lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của UBND huyện Kon Plông.

Cung đường xé rừng Măng Đen khi chưa có sự đồng ý của tỉnh Kon Tum.

Cung đường xé rừng Măng Đen khi chưa có sự đồng ý của tỉnh Kon Tum.

Mặc dù chưa được các cơ quan chức năng chuyển đổi đất rừng tại khu vực thực hiện dự án, chưa được UBND tỉnh cho phép nhưng UBND huyện Kon Plông đã tiến hành đầu tư hạ tầng giao thông.

Rõ ràng UBND huyện Kon Plông đã “xé rào” để đầu tư xây dựng hạ tầng trên đất rừng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Điều này đã gây bất bình dư luận, ảnh hưởng không tốt đến công tác quản lý đất đai tại địa phương.

Vụ việc “xé rào” triển khai xây dựng ồ ạt hạ tầng giao thông đã bị phát hiện kịp thời. UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện Dự án khai thác quỹ đất khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông.

Cây rừng bị bỏ lại ven đường giao thông xuyên rừng Măng Đen.

Cây rừng bị bỏ lại ven đường giao thông xuyên rừng Măng Đen.

Nội dung thanh tra dự án này bắt đầu từ giai đoạn chuẩn bị dự án cho đến khi thực hiện dự án. Thời gian thực hiện thanh tra là 45 ngày kể từ ngày 23 tháng 02 năm 2022.

Qua vụ việc cho thấy, địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng kiểu “xé rào” khi chưa được phép của cấp thẩm quyền đã vô tình tạo nên “tiền lệ” xấu cho môi trường đầu tư của tỉnh, gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước.

Một hòn đá lớn không rõ nguồn gốc dựng ven đường xuyên rừng Măng Đen.

Một hòn đá lớn không rõ nguồn gốc dựng ven đường xuyên rừng Măng Đen.

Để có mặt bằng thi công hạ tầng giao thông như hiện trạng, công tác giải phóng mặt bằng đã làm thiệt hại không ít về tài nguyên thiên nhiên, bao gồm các loại rừng, khối lượng gỗ rừng, khối lượng đất đá. Và trữ lượng gỗ, khối lượng đá sau giải phóng mặt bằng hiện đi đâu, về đâu? Khối lượng đất đá san lấp nền đường được lấy từ nơi nào, có mỏ hay không và các mỏ đất liệu có giấy phép khai thác?

Những câu hỏi này, dư luận đang chờ UBND tỉnh Kon Tum thông tin trả lời./.

Cao nguyên Măng Đen được người dân trong và ngoài nước biết tới bởi nơi đây có độ cao 1.200 mét so với mặt nước biển. Các dãy núi bao quanh tạo nên quần thể hệ thực vật rừng nguyên sinh. Vùng cao nguyên này có nền khí hậu ôn hòa mát dịu quanh năm, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Vì nền khí hậu đặc biệt nên đầu thế kỷ 20, người Pháp đã đến Măng Đen khảo sát, đưa cây thông vào trồng với ý định xây dựng một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng trên vùng đất này. Vì vậy Măng Đen được ví như Đà Lạt của vùng Bắc Tây Nguyên. Và, câu chuyện phát triển du lịch sinh thái dừng lại ở đây nếu không có chuyện lạ xảy ra ở vùng đại ngàn này.

 

Nguồn: Phapluatplus.vn