Những câu chuyện “đặc biệt” ở một bệnh viện thật “đặc biệt”

Kỳ 1: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết nhường phần ai”

Hơn 20 năm chăm sóc những bệnh nhân cận kề cái chết, chứng kiến cảnh hàng ngày, sự đau đớn của những con người đang bị hủy hoại bởi viruts HIV, lở loét toàn thân, bản thân thì luôn bị rình rập nguy cơ phơi nhiễm, bác sỹ Mai Thị Hường (Trưởng khoa khám bệnh và điều trị nội trú) đã phải vượt qua biết bao rào cản vô cùng khó khăn để bám trụ bệnh viện 09, Bệnh viện của những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, khi chuyển đến đây thường bệnh nhân mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Là một bác sỹ đồng hành với bệnh nhân ngay từ ngày bệnh viện mới thành lập, bác sỹ Mai Hường kể lại nhiều câu chuyện thương cảm, và điều khiến bác sỹ ám ảnh nhất là chứng kiến những bệnh nhân đến khi trút hơi thở cuối cùng không có người thân bên cạnh. “Đau đớn nhất là có những bệnh nhân bị chính gia đình mình kỳ thị, bỏ rơi, thậm chí đến lúc họ trút hơi thở cuối cùng, cũng bị người thân ghẻ lạnh, xa lánh, không nhận hài cốt” - Bác sỹ Hường ngậm ngùi chia sẻ.

bs huongBác sỹ Mai Thị Hường (Trưởng khoa khám bệnh và điều trị nội trú) đang tận tình hướng dẫn cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.

Bác sỹ Hường chia sẻ với Pháp luật Plus, gần như bệnh nhân nào đến lúc chuẩn bị ra đi đều mong được gặp bố mẹ, người thân lần cuối và xin được tha thứ. Có những trường hợp bác sỹ liên hệ được người thân của họ, nhưng có rất nhiều người nghe máy xong nói một câu lạnh lùng “nó chết chưa?” hay “kệ nó” hay “nó chết hẳn hãy gọi”…

Có những bệnh nhân may mắn hơn khi gia đình có mặt, nhưng họ chỉ dừng ở cổng viện ngó vào, không dám lại gần và phó mặc cho nhân viên y tế. Còn có những gia đình bày tỏ mong muốn bệnh nhân “đi nhanh” hơn. Cuộc đời họ khi sống đã bị gia đình xa lánh, nhưng đến chết cũng cô đơn, quạnh vắng chỉ có bác sỹ là những người cuối cùng bên cạnh họ.

Bên họ, khi tận mắt chứng kiến công việc của các bác sỹ Bệnh viện 09 mới thấu hiểu được sự vất vả, hiểm nguy và những cống hiến thầm lặng của họ với một ý nguyện là giúp cho bệnh nhân vơi đi nỗi đau về thể xác và tinh thần.

Các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện 09 đều có hoàn cảnh trong quá khứ khá phức tạp, từ người nghiện hút ma túy, gái bán dâm, hoặc người bị gia đình bỏ rơi khi phát hiện nhiễm HIV/AIDS. Chính vì vậy mà họ mang trong mình nỗi mặc cảm, thậm chí có những thành phần có lý lịch bất hảo – thường tìm cách xa lánh bác sỹ, số khác lại có biểu hiện ngông cuồng, không sợ một ai.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Hưng (Trưởng khoa nội Tổng hợp) là người trực tiếp đồng hành cùng bệnh nhân hơn 20 năm tại đây kể cho chúng tôi nghe có những tình huống dở khóc dở cười. Có những bệnh nhân bác sỹ đang truyền thì rút kim tiêm đe dọa lại bác sỹ, rồi có cả những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy lâu năm, dùng xilanh tự hút máu mình chạy khắp bệnh viện, gặp tìm bác sỹ để dọa nạt. Khi còn tỉnh táo, bệnh nhân rất nghe lời, tôn trọng bác sỹ, nhưng khi thiếu thuốc, lên cơn nghiện, họ trở nên mất kiểm soát, thậm chí đã có nhiều trường hợp gây nguy hiểm cho các cán bộ y tế.

chi Khiet

Bệnh nhân N.T.K đang điều trị tại bệnh viện 09.

Để tiếp cận được những bệnh nhân này, các y, bác sỹ đều phải rất tâm lý, nhẹ nhàng, luôn tìm cách thuyết phục, giải thích, hướng dẫn để bệnh nhân nhận thức được vấn đề. Chỉ cần một chút sơ suất trong quá trình khám chữa bệnh là họ có thể bị phơi nhiễm HIV hay mắc các bệnh khác như lao, nấm y học…

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết nhường phần ai. Chữa bệnh là nhiệm vụ vẻ vang của người thầy thuốc, với tôi chưa bao giờ hối hận vì sự lựa chọn này” - Bác sỹ Hưng nói.

Dù con cái của họ đi học từng bị bạn bè và giáo viên kỳ thị khi biết bố mẹ công tác trong bệnh viện chữa trị bệnh nhân HIV/AIDS hay chính những người thân, hàng xóm có lời qua tiếng lại như câu chuyện của vợ chồng bác sĩ Hưng và các y bác sĩ đang công tác tại đây, nhưng họ đã cùng nhau cố gắng vượt qua những rào cản trong cuộc sống hết lòng tận tâm chăm sóc bệnh nhân mà không hề e ngại và run sợ trước những người đang mắc căn bệnh thế kỷ dù biết mình có nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Gắn bó tại mái nhà Bệnh viện 09, các y bác sĩ nơi đây đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc và là người thân nơi “bến đỗ cuối cuộc đời” của nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở đây cũng bởi vì một chữ “Tâm” của người thầy thuốc.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: Phapluatplus.vn