Du lịch ở hẻm Tu Sản, thách thức và bất cập cần khắc phục

Tranh cãi về đường xuống thăm quan

Hẻm Tu Sản - một địa danh nằm dưới chân đèo Mã Pì Lèng hùng vĩ nối huyện Mèo Vạc và huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang được biết đến là nơi có phong cảnh hoang sơ, hữu tình.

Những năm gần đây, lượng khách du lịch chọn nơi này làm điểm đến thăm quan lớn, song thực tế địa phương vẫn chưa chú trọng xây dựng chủ trương, kế hoạch cụ thể đón khách sao cho chuyên nghiệp, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có này.

7e31ab6b977f5b21026e

Việc đưa, đón khách du lịch còn nhiều bất cập.

Theo đó, thời gian vừa qua nhiều chủ thuyền kinh doanh dịch vụ đưa, đón khách du lịch thăm quan hẻm Tu Sản phản ánh việc huyện Mèo Vạc tạm dừng kinh doanh thuyền chở khách gây khó khăn, hạn chế thu nhập của người dân địa phương.

Đến ngày mùng 2 tết âm lịch, các chủ thuyền mới được hoạt động trở lại, nhưng yêu cầu chỉ được đưa, đón khách tại bến của nhà máy thủy điện Nho Quế 1, dẫn đến nhiều bất cập.

Cụ thể, ông Lù A Tuyên, Trưởng thôn Tà Làng cho biết, trước khi thủy điện tích nước các cơ quan liên quan của huyện và thủy điện đến vận động, hứa hẹn người dân hiến đất sẽ tạo điều kiện để nhân dân có thu nhập, song hiện tại việc tạm dừng không cho đưa đón khách tại bến cũ ở Tà Làng khiến người dân lao đao.

Ông Hoàng Văn Điệp, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ và Du lịch Tu Sản bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương cho phép hoạt động dịch vụ đưa đón khách theo 3 con đường và 2 bến thủy.

“Nếu được đưa, đón khách du lịch theo yêu cầu của du khách chắc chắn sẽ khiến du khách có nhiều lựa chọn hơn. Chẳng hạn, nhiều khách du lịch yêu cầu dẫn đi xe máy hoặc thuê xe ôm trải nghiệm để ngắm phong cảnh con đường bắt đầu từ trung tâm xã Pải Lủng đi thôn Tà Làng có chiều dài gần 8km, 50 khúc cua là một trải nghiệm thú vị.

Còn khách muốn vừa đi bộ vừa chụp ảnh thì con đường mòn từ thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn xuống bến thủy điện có chiều dài 800m sẽ làm hài lòng du khách. Dĩ nhiên, nếu được vậy HTX chúng tôi cũng sẽ cố gắng tự đầu tư làm lại đường để họ đi sao cho an toàn”, ông Điệp nói.

Một số chủ thuyền cũng đặt ra nghi vấn, việc địa phương yêu cầu các chủ thuyền phải đón khách du lịch tại đập thủy điện đã gián tiếp tạo điều kiện để tương lai đơn vị này hạ thêm thuyền đón khách, cạnh tranh với thuyền của người dân địa phương.

Tồn tại cần khắc phục

Liên quan đến những nội dung trên, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc.

Theo ông Cường, thực tế hoạt động đón khách của người dân khu vực hẻm Tu Sản là tự phát từ năm 2017. Quá trình hoạt động tồn tại một số bất cập như việc chèo kéo khách, quá trình đi từ xã Pải Lủng xuống thôn Tà Làng đường cua gấp tiềm ẩn nguy cơ tai nạn…Do đó, huyện đã lập phương án xây dựng bến thuyền tại khu vực đập thủy điện Nho Quế 1.

“Thực tế theo quy định bến thủy đón khách phải có bến đầu và bến cuối nhưng đến nay vẫn chưa hoàn hoàn thiện thủ tục, huyện đang gấp rút xây dựng phương án. Còn lựa chọn của du khách là đi bộ hoặc đi xe máy trải nghiệm thì huyện không cấm.

Còn những đồn đoán cho rằng thủy điện Nho Quế 1 sẽ hạ thủy những thuyền chở khách để cạnh tranh với thuyền của người dân tôi nghĩ là không có”, ông Cường cho hay.

1689db34e420287e7131

Các bến đưa, đón khách cần được đầu tư xây dựng.

Ông Cường cũng cho biết thêm: “Huyện ghi nhận việc người dân thôn Tà Làng có 40 hộ, nhưng có đến 39 hộ đã hiến đất làm thủy điện. Huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để người dân địa phương phát triển kinh tế, cụ thể đến 15/2/2022 chúng tôi sẽ họp thống nhất cùng thủy điện và người dân”.

Theo một chuyên gia làm du lịch, tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Mèo Vạc nói riêng đã chậm trong việc xây dựng chủ trương, phương án khai thác du lịch tại hẻm Tu Sản, trong khi đó đã phát hiện tiềm năng từ rất sớm.

Điều đó được thể hiện cho đến nay vẫn chưa có giá vé cụ thể để khách du lịch trải nghiệm dịch vụ, chưa có các thủ tục pháp lý bến thuyền, chưa xây dựng bến bãi…

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: Phapluatplus.vn