Dự thảo Nghị định về quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Luật An ninh quốc gia ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.

Dự thảo Nghị định về quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không ảnh 1

Lực lượng Công an phối hợp lực lượng an ninh hàng không triển khai công tác đảm bảo an ninh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định việc quản lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại cửa khẩu đường hàng không; khu vực cửa khẩu đường hàng không; trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cửa khẩu đường hàng không; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu đường hàng không.

2. Sân bay quân sự phục vụ hoạt động xuất nhập cảnh của phương tiện quốc phòng, an ninh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động tại cửa khẩu đường hàng không; cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan;

2. Nghị định này không áp dụng đối với người đi trên phương tiện quốc phòng, an ninh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

3. Cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân làm thủ tục bảo đảm an ninh chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang thực hiện theo quy định pháp luật về bảo đảm an ninh chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cửa khẩu đường hàng không là nơi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chuyến bay quốc tế theo Luật Hàng không dân dụng để thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định. Phạm vi cửa khẩu đường hàng không do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an xác định, có ranh giới rõ ràng có biển báo khu vực cửa khẩu đường hàng không

2. Công an cửa khẩu là đơn vị thuộc Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu đường hàng không.

3. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu đường hàng không là các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, hành lý, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh qua cửa khẩu, bao gồm Cảng vụ hàng không, Công an cửa khẩu, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm dịch y tế biên giới, cơ quan Kiểm dịch động vật, thực vật

Điều 4. Các loại cửa khẩu đường hàng không

1. Cửa khẩu đường hàng không quốc tế là cửa khẩu được thiết lập tại cảng hàng không quốc tế.

2. Cửa khẩu đường hàng không quốc gia là cửa khẩu được thiết lập tại cảng hàng không nội địa có khai thác chuyến bay quốc tế.

3. Cửa khẩu đường hàng không tạm thời là cửa khẩu được đặt tại nơi không phải cảng hàng không, được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế theo quy định của pháp luật.

Chương II

PHẠM VI CÁC KHU VỰC TẠI CỬA KHẨU ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG, DÒNG LƯU CHUYỂN HÀNH KHÁCH

Điều 5. Phạm vi khu vực cửa khẩu, khu vực cách ly tại cửa khẩu đường hàng không

1. Phạm vi khu vực cửa khẩu đường hàng không bao gồm các khu vực để thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người, phương tiện, xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa, do Công an cửa khẩu xác định, có ranh giới rõ ràng, được cắm biển báo theo quy định.

2. Phạm vi khu vực cách ly nằm trong khu vực cửa khẩu đường hàng không được tính từ sau bục kiểm soát xuất cảnh đến cửa ra tàu bay và từ cửa tàu bay đến bục kiểm soát nhập cảnh.

3. Công an cửa khẩu phối hợp, thống nhất với Cảng vụ hàng không quyết định phạm vi các khu vực tại cửa khẩu đường hàng không và thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu đường hàng không để phối hợp quản lý. Phạm vi các khu vực tại cửa khẩu được đặt biển báo theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 6. Dòng lưu chuyển hành khách tại cửa khẩu đường hàng không

1. Đối với hành khách nhập cảnh, hành khách khi xuống tàu bay thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục kiểm dịch y tế, thủ tục kiểm soát nhập cảnh, thủ tục hải quan.

2. Đối với hành khách xuất cảnh, hành khách thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục hàng không, thủ tục kiểm soát xuất cảnh, thủ tục hải quan và soi chiếu an ninh hàng không.

3. Đối với hành khách quá cảnh, hành khách khi xuống tàu bay lần lượt thực hiện theo trình tự thủ tục kiểm dịch y tế, kiểm tra an ninh hàng không và thủ tục lên tàu bay xuất cảnh.

4. Trường hợp xảy ra dịch bệnh, Bộ Y tế quy định cụ thể về các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh.

Chương III

BẢO ĐẢM AN NINH QUỐC GIA, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI TẠI CỬA KHẨU ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG

Điều 7. Quản lý hoạt động của người, phương tiện tại cửa khẩu đường hàng không

1. Người, phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, nhân viên các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong phạm vi các khu vực tại cửa khẩu đường hàng không chịu sự giám sát, quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.

2. Hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được vào, ra các khu vực cửa khẩu đường hàng không phù hợp với hành trình xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

3. Người, phương tiện vào, ra và hoạt động trong khu vực giới hạn tại cửa khẩu đường hàng không phải có giấy tờ phù hợp do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp là hành khách đi tàu bay hoặc trong trường hợp khẩn nguy sân bay theo quy định về Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

4. Người vào, ra khu vực cách ly phải được sự đồng ý, tuân thủ sự hướng dẫn, giám sát, quản lý của Công an cửa khẩu.

5. Tại cửa khẩu đường hàng không, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các đơn vị khác được bố trí lực lượng, lắp đặt trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ, việc trang bị phương tiện kỹ thuật phải được sự đồng ý bằng văn bản của Cảng vụ hàng không và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp tại cảng hàng không.

Điều 8. Cơ quan chủ trì bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không

1. Công an cửa khẩu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu đường hàng không.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu đường hàng không, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, người khai thác cảng hàng không theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu đường hàng không.

Điều 9. Xử lý vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại khu vực cửa khẩu đường hàng không

1. Công an cửa khẩu chủ trì, tiếp nhận xử lý ban đầu các hành vi vi phạm pháp luật, vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong khu vực cửa khẩu đường hàng không sau đó cung cấp thông tin phối hợp, bàn giao cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

2. Trừ trường hợp tình huống khẩn nguy về hàng không dân dụng, khi có yêu cầu từ chỉ huy tàu bay nước ngoài về phối hợp xử lý vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, Công an cửa khẩu là đơn vị chủ trì phối hợp, xử lý ban đầu.

3. Cơ quan Hải quan thuộc Bộ Tài chính tiếp nhận, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới xảy ra tại cửa khẩu đường hàng không theo quy định của pháp luật.

4. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các cá nhân, tổ chức khác có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc an ninh trật tự cửa khẩu đường hàng không cho cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an.

Điều 10. Tạm ngừng các chuyến bay đi và đến tại cửa khẩu đường hàng không, tạm ngừng chuyến bay chưa cất cánh

1. Trong tình huống khẩn cấp để bảo vệ an ninh quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định ngừng các chuyến bay đi từ và đến một hoặc một số cửa khẩu đường hàng không. Thời hạn ngừng các chuyến bay tại cửa khẩu đường hàng không không quá 24 giờ. Trường hợp cần kéo dài thời gian tạm ngừng chuyến bay, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có biện pháp phù hợp đồng thời thông báo ngay cho cơ quan chức trách hàng không triển khai thực hiện. Đối với các chuyến bay do Bộ Ngoại giao cấp phép bay thì phải thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao về quyết định tạm ngừng chuyến bay.

2. Nếu có căn cứ xác định có người xuất nhập cảnh trái phép trên chuyến bay hoặc để ngăn chặn hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, Công an cửa khẩu có quyền quyết định tạm ngừng chuyến bay chưa cất cánh (chưa vào đường lăn cất cánh). Thời hạn quyết định tạm ngừng chuyến bay chưa cất cánh là hai (02) giờ. Trường hợp cần kéo dài thời gian tạm ngừng chuyến bay chưa cất cánh, Công an cửa khẩu báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an quyết định và thông báo ngay cho cơ quan chức trách hàng không triển khai thực hiện.

Điều 11. Kiểm soát đặc biệt tại cửa khẩu đường hàng không

Khi xảy ra nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp, trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt tại cửa khẩu đường hàng không theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 21 Luật An ninh quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng các biện pháp cụ thể như sau:

1. Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xét duyệt cấp phép bay đến cửa khẩu đường hàng không.

2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường lên cấp độ cao nhất, có thể điều chỉnh trình tự, thủ tục, luồng di chuyển hành khách phù hợp yêu cầu bảo đảm an ninh hàng không.

3. Bộ Công an bố trí lực lượng tuần tra, thiết lập chốt kiểm tra an ninh taị các vị trí cần thiết, giám sát toàn bộ khu vực cửa khẩu đường hàng không.

4. Thời hạn áp dụng kiểm soát đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cửa khẩu đường hàng không triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại cửa khẩu đường hàng không; chủ trì thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất nhập cảnh.

2. Thành lập đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu đường hàng không phù hợp với lưu lượng, quy hoạch và thực tế phát triển cảng hàng không.

3. Chỉ đạo Công an cửa khẩu thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, chủ trì phối hợp cơ quan liên quan bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực cửa khẩu; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc xác định phạm vi khu vực cửa khẩu đường hàng không; áp dụng biện pháp phù hợp quản lý chặt chẽ khu vực cách ly.

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng.

2. Thông báo ngay cho các Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi cấp phép chuyến bay quốc tế tại cảng hàng không nội địa.

3. Chỉ đạo cơ quan, doanh nghiệp hàng không phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan thực hiện quy định tại Nghị định này.

Điều 14. Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan

1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Công an trong công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu đường hàng không phối hợp chặt chẽ với Công an cửa khẩu để bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.

2. Chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu đường hàng không phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công an trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cửa khẩu đường hàng không

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cửa khẩu đường hàng không trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng liên quan ở địa phương phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong hoạt động quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.

Điều 16. Trách nhiệm phối hợp trong hoạt động quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không

1. Cơ quan chức năng của Bộ Công an chủ trì, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu đường hàng không, doanh nghiệp cảng hàng không, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.

2. Người khai thác cảng hàng không, sân bay trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bố trí diện tích làm việc, trang thiết bị, phương tiện tại cửa khẩu đường hàng không, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; kịp thời thông báo, cung cấp thông tin, tình hình, số liệu và phối hợp với Công an cửa khẩu khi có các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2022.

Nguồn: Anninhthudo.vn