Góp ý xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Phát biểu đề dẫn cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13.

Với mục đích hoàn thiện các chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp nêu cao tinh thần chủ động, tích cực đóng góp ý kiến đối với các nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ cho biết: Ngày 5/7 vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thành lập Tổ công tác tham gia phối hợp xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Ủy ban gồm 32 thành viên do Chủ tịch Ủy ban làm Tổ trưởng. Trong thời gian qua, Ủy ban đã cử Lãnh đạo Ủy ban, Lãnh đạo các đơn vị, Lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu tham gia và phát biểu đóng góp ý kiến tại các Hội thảo, Tọa đàm do Bộ Tài chính tổ chức; các cuộc họp do Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chủ trì.

Tính đến ngày 23/7, Ủy ban đã nhận được ý kiến đóng góp của các đơn vị trực thuộc Ủy ban, các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu và Ban Kiểm soát các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị và doanh nghiệp, Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ đã nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính.

Theo nội dung cơ bản hồ sơ xây dựng Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13 do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo có tên gọi là “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp". Đối tượng áp dụng của Luật bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp; doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác bao gồm các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác do doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp đầu tư vốn; doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại các doanh nghiệp khác; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp.

Dự thảo Luật tập trung vào 6 nhóm chính sách đề xuất, bao gồm: Chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Chính sách về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; Chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chính sách về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn và Chính sách về quản trị doanh nghiệp.

Tích cực tham gia thảo luận, nêu ý kiến đóng góp cụ thể vào các quy định tại Dự thảo Luật tại cuộc họp, các đại biểu đều nhận định rằng cần sửa đổi một cách căn bản, toàn diện cơ chế chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, bởi trong thời gian qua, qua rà soát cho thấy Luật số 69/2014/QH13 đã bắt đầu bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã thống nhất một số luận điểm quan trọng liên quan tới phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; quy định trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể chủ sở hữu vốn, đẩy mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền; thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sỡ hữu. Theo các đại biểu, trong Dự thảo Luật, cần xem xét quy định rõ các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy đánh giá: Trong thời gian tới, khối lượng công việc của Tổ công tác tham gia phối hợp xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Ủy ban rất nhiều; do đó, các đơn vị cần chủ động, tăng cường phối hợp trong công tác tổ chức các buổi Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của một số Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu kết luận cuộc họp

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, phát biểu kết luận, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh nhận định: Việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng công tác tăng cường kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp. Đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước. Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế. Huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế nhà nước nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh giao nhiệm vụ cho đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng và Trung tâm Thông tin tham gia phối hợp xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục tích cực đóng góp ý kiến, phối hợp với Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ là đơn vị đầu mối tổng hợp, xây dựng đề xuất, góp ý tổng thể của Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

*Một số hình ảnh tại cuộc họp:

Bà Đặng Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp
Ông Lê Long - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp
Ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp
Ông Lê Mạnh Tùng - Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp
Ông Nguyễn Quế Dương - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp
Bà Vũ Thị Nhung – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ báo cáo tại cuộc họp
Bà Trần Thị Kim Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp

Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ