Kỳ án Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân: Cần xem xét toàn diện tính pháp lý Kháng nghị của VKSND TP Cần Thơ

Ngay sau đó, VKSND thành phố Cần Thơ đã ban hành Kháng nghị toàn bộ bản án của TAND thành phố Cần Thơ. Để cung cấp cho độc giả góc nhìn toàn diện về vụ án, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hoà, người đã song hành cùng bị cáo  Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân trong suốt hơn nửa thập kỷ qua.

Tòa án là trung tâm của cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị

Phóng viên: Xin chào Luật sư, đầu tiên, thay mặt cho độc giả của Báo Pháp luật Việt Nam xin được chúc mừng cá nhân Luật sư và Văn phòng Luật sư Trung Hoà với việc thành công trong tranh tụng, bảo vệ công lý của phiên Toà diễn ra tại Cần Thơ hôm 07/ 01 vừa qua. Đây là vụ án được Báo Pháp luật Việt Nam theo sát mọi diễn biến với hàng chục kỳ báo, thu hút sự quan tâm rất lớn của độc giả và hầu hết mọi người đều chia sẻ sự vui mừng sau phiên toà tại Cần Thơ tháng 1 vừa qua.

Luật sư Hoàng Tùng: Xin chào độc giả của Báo Pháp luật Việt Nam! Đầu tiên, xin được cảm ơn sự song hành của các bạn trong suốt 6 năm qua. Và tôi cũng xin lưu ý là quy trình tố tụng của vụ án vẫn chưa kết thúc với Kháng nghị của VKSND thành phố Cần Thơ ngày 20/ 01/ 2022. Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn một chặng đường nữa để đến với công lý và tự do cho các bị cáo trong vụ án.

Phóng viên: Trở lại với phiên Toà sơ thẩm, nhiều ý kiến cho rằng HĐXX đã rất công tâm và dũng cảm để tuyên một bản án, một điểm son trong lịch sử tố tụng. Đối với vụ án này, HĐXX đã thể hiện được bản lĩnh vững vàng khi thực hiện nguyên tắc: Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Là Luật sư trực tiếp bảo vệ Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, ông nghĩ sao về quan điểm này, thưa ông?

luat_su_hoang_tung

Luật sư Hoàng Tùng.

Luật sư Hoàng Tùng: Sau phiên Toà, tĩnh tâm lại, tôi có suy nghĩ ở nhiều góc độ khác nhau nhưng có hai quan điểm tích cực có thể chia sẻ với độc giả Báo Pháp luật Việt Nam.

Một là, với bản án này, tôi thấy TAND thành phố Cần Thơ đã khẳng định tính độc lập của tòa trong công tác xét xử và Tòa án thực sự là trung tâm của cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Thông qua bản án này, có thể thấy HĐXX đã có quyết tâm bảo vệ công lý, nhìn nhận sự việc khách quan, toàn diện, có tác phong, cách thức làm việc để người dân yên tâm tin tưởng rằng mọi quyền và lợi ích  của họ được pháp luật bảo vệ bình đẳng.

Thông qua xét xử, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được truyền tải tới nhân dân cụ thể, rõ ràng và minh bạch hơn.

Ở một góc độ khác, bản án đã khiến cho người dân và doanh nghiệp sự an tâm khi có nhu cầu vay vốn. Vay để làm ăn, khởi nghiệp, kinh doanh mà có đủ điều kiện trả nợ thì không thể bị hình sự hóa quan hệ kinh doanh, thương mại.

Việt Nam đã và đang trải qua một thử thách cực lớn khi dịch bệnh hoành hành suốt hai năm qua. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của chiến tranh tại Nga và Ukraina khiến mục tiêu phục hồi kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bản án đã khiến người dân, doanh nghiệp và ngân hàng có sự an tâm, tin tưởng, mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh doanh, phục hồi kinh tế mà không lo bị quy chụp, hình sự hoá.

Đó là hai điều tôi cho rằng là sự tích cực sau phiên Toà sơ thẩm vừa qua.

Áp dụng Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP vào kháng nghị có đúng với quy định của pháp luật?

Phóng viên: Ông vừa cho biết vụ án còn chưa kết thúc với Kháng nghị của VKSND thành phố Cần Thơ. Xin ông cho biết quan điểm của mình về Kháng nghị này.

Luật sư Hoàng Tùng: Tôi xin phép được tóm lược nội dung của Kháng nghị này là Viện KSND TP Cần Thơ vẫn giữ nguyên quan điểm tại phiên Toà Sơ thẩm, không có bất kỳ tình tiết mới nào và đề nghị Toà Phúc thẩm xét xử các bị cáo về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Khoản 3, Điều 179, Bộ Luật Hình sự năm 1999.

VKSND TP Cần Thơ cho rằng, HĐXX TAND TP Cần Thơ nhận định trong bản án về việc xác định hậu quả thiệt hại…Do chưa xử lý tài sản đảm bảo nên chưa có căn cứ để xác định thiệt hại, khắc phục hậu quả…là không đúng với quy định pháp luật theo khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 3 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Nhưng, tôi cho rằng việc áp dụng Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP vào kháng nghị là có dấu hiệu không đúng với quy định của pháp luật.

Vụ án được khởi tố vào ngày 24/12/2015 và kết thúc điều tra, truy tố vào năm 2017, được xét xử sơ thẩm lần 1 năm  2018.

Đối chiếu khoản 1, Điều 12 về hiệu lực thi hành của Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 thể hiện có hiệu lực từ ngày 15/02/2021. Khoản 2, Điều 12 của Nghị quyết còn nêu rõ trường hợp người bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực”. Trong khi vụ án này xảy ra trước thời điểm Nghị quyết số 03/2020 có hiệu lực pháp luật.

Phóng viên: Sau khi Kháng nghị của VKSND thành phố Cần Thơ được ban hành, một số Luật sư đã phát hiện dường như cơ quan này đã “suy diễn” dẫn đến việc kháng nghị chưa đúng một phần quan điểm của Hội đồng xét xử. Xin ông cho biết quan điểm của mình về việc này.

Luật sư Hoàng Tùng: Sau khi nghiên cứu Kháng nghị, chúng tôi nhận thấy, trong bản Kháng nghị của VKSND TP Cần Thơ có nội dung: “Như vậy, HĐXX cho rằng chủ thể chứng minh thiệt hại trong vụ án hình sự là bị hại là vi phạm quy định Điều 15 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định xác định sự thật vụ án tố tụng hình sự”.

Tuy nhiên, trong Bản án số 01/2022/HS-ST chúng tôi không tìm thấy nội dung như trong kháng nghị của VKSND TP Cần Thơ nêu ra.

1-nhan-16415538987781633743810-1917

Doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân trong phiên toà xét xử ngày 7/01.

Nguyên văn của bản án do TAND TP Cần Thơ thể hiện: “Trường hợp xét xử đối với các bị cáo theo quy định Điều 179 Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 thì phải xác định được thiệt hại, trong khi hiện nay Agribank Việt Nam cũng không xác định được thiệt hại và cho rằng chỉ xác định được sau khi xử lý tài sản đảm bảo, tài sản hình thành từ vốn vay, từ tài sản riêng của các cá nhân, công ty liên quan… Do đó, HĐXX không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội đối với các bị cáo nên cần áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” theo qui định tại điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự, cần tuyên các bị cáo vô tội”.

Chúng tôi cũng không thể và không có căn cứ để cho rằng VKSND thành phố Cần Thơ có “suy diễn” sai ý của TAND thành phố Cần Thơ hay không.

Bởi lẽ, luật đã quy định rõ: đấu tranh chống tội phạm là nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng nên trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan này.

Và đương nhiên, bị cáo không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu quan điểm của mình với từng câu, từng chữ theo Bản án mà thôi.

Phóng viên: Thưa Luật sư, ông là một người đã đồng hành với các bị cáo suốt hơn 6 năm qua. Nhìn lại quá trình đó, ông có nhận xét gì về vụ án này?

Luật sư Hoàng Tùng: Ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, tôi đã khẳng định quan điểm đây là một vụ việc dân sự nhưng bị hình sự hoá, nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng. Văn phòng Luật sư Trung Hoà cũng đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan tố tụng kiến nghị đình chỉ điều tra vụ án tuy nhiên không được đáp ứng.

Những sai phạm về tố tụng trong vụ án tôi đã thấy Báo Pháp luật Việt Nam có bài viết “Kỳ án Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân: Những uẩn khúc chưa thể làm rõ trong vụ án ” rất hay và chính xác nên tôi không nhắc lại ở đây.

Tôi chỉ tiếc là những kiến nghị của Luật sư, nhiều bài viết phân tích công phu, thấu tình, đạt lý trên báo chí về vụ án chưa được các cơ quan tố tụng xem xét đúng mực nên vụ án bị kéo dài tới hơn 6 năm dẫn đến hậu quả quá lớn. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Luật sư Hoàng Tùng về buổi phỏng vấn hôm nay. Kính chúc ông có nhiều sức khoẻ và tiếp tục thành công tại phiên toà Phúc thẩm sắp tới.

 

   

 

 

 

 

  

 

 

Nguồn: Phapluatplus.vn