Nỗi buồn ngày xế bóng của người già ở Nhật Bản, Hàn Quốc

Hình ảnh thương tâm trong một viện dưỡng lão ở Hàn Quốc.

Hình ảnh thương tâm trong một viện dưỡng lão ở Hàn Quốc.

Bị bạo hành bởi chính con cháu

“Tôi mất bình tĩnh trước cách mẹ nói chuyện với tôi. Bà ấy luôn cáu kỉnh”. Đây là lời khai của chị Yu Inoue trong bản tự thú giết chính mẹ ruột tại đồn cảnh sát Kita, Sapporo (miền Bắc Nhật Bản). Chị thú nhận liên tục đánh đập người mẹ 82 tuổi của mình cho đến khi bà nằm bất động trên sàn nhà. Vụ hành hung bắt đầu khi hai người cãi nhau về con chó của họ và đã kéo dài trong hơn 4 tiếng đồng hồ.

Dù đáng buồn, song vụ án của Yu không phải ví dụ duy nhất cho thấy tình trạng lạm dụng đáng báo động đối với người cao tuổi tại Nhật Bản. Ngay trước hôm xảy ra vụ án trên thì cảnh sát cũng tiến hành bắt giữ nghi phạm trong vụ án con sát hại cha tại nhà. Ngày 22/12/2021, Hiroshi Usui bị bắt vì tình nghi dùng dao đâm vào ngực và bụng người cha 79 tuổi tại nhà riêng của họ ở Hitachinaka (tỉnh Ibaraki). Nạn nhân được đưa đến bệnh viện gần nhà nhưng đã qua đời 2 giờ sau đó. Con trai ông từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát.

 

Người già vẫn phải vất vả mưu sinh.

Người già vẫn phải vất vả mưu sinh.

Trước đó 10 ngày, cảnh sát tỉnh Hyogo đã bắt giữ một người đàn ông 49 tuổi vì sát hại mẹ già 88 tuổi tại nhà riêng. Nghi phạm, người bị tạm giữ một ngày sau vụ giết người, nói với cảnh sát rằng anh ta “không nhớ bất cứ điều gì” về cái chết của mẹ mình.

Trong một vụ khác, một người đàn ông khoảng 60 tuổi đã gọi điện cho cảnh sát phường Ota (Tokyo) và nói rằng anh ta sẽ tự sát sau khi siết cổ mẹ mình. Sau đó, cảnh sát tìm thấy người mẹ hơn 90 tuổi đang bị thương tại căn hộ của bà. Thi thể của người con trai được phát hiện gần đường sắt.

Một khảo sát được Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Nhật Bản công bố hồi tháng 12/2021 cho thấy, trong năm 2020, các trường hợp người cao tuổi bị hành hung bởi chính người thân của mình đã chạm ngưỡng 17.281 - con số kỷ lục nhất từng được ghi nhận với 25 trường hợp tử vong. Gần 70% trong số họ bị lạm dụng thể chất. Theo giới quan sát, nguyên nhân của sự gia tăng các vụ bạo lực này một phần đến từ những mâu thuẫn nảy sinh trong đại dịch.

Dân số Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 2010 với 127,32 triệu người, sau đó giảm dần nhưng với tốc độ rất chậm. Các chuyên gia ước tính đến năm 2100, khoảng 1/3 trong số 83 triệu dân Nhật Bản sẽ thuộc nhóm người trên 65 tuổi. Đây được coi là xu hướng già hóa dân số, ghi nhận tại hầu hết các quốc gia châu Á, trong đó có Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore. Tình trạng bạo lực người cao tuổi theo đó được cho là sẽ tiếp tục gia tăng và ngày càng trở nên phổ biến.

 

Theo các nhà quan sát, bạo lực đối với người già đang gia tăng ở nhiều nước châu Á. Kết quả khảo sát cho thấy, các vấn đề liên quan đến nạn bạo hành đến từ sự mệt mỏi và căng thẳng do chăm sóc là 50%, các triệu chứng mất trí nhớ của nạn nhân là 52,9%. Số người cao tuổi bị nhân viên cơ sở điều dưỡng bạo hành là 1.232 người, trong đó ngược đãi thân thể chiếm 52% và ngược đãi tâm lý chiếm 26,1%.

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Vickie Skorji (Giám đốc dịch vụ tư vấn TELL ở Tokyo) cho biết: “Chúng tôi đang nhận thấy xu hướng tương tự các vụ tự tử, bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em. Mọi người đã quá căng thẳng, kiệt sức sau 2 năm đại dịch. Thêm vào đó là sự cô lập bắt buộc, mọi người không thể làm những việc bình thường như gặp bạn bè hoặc gia đình hay thậm chí chỉ nói chuyện với đồng nghiệp tại văn phòng. Vì vậy, sự khoan dung của nhiều người đã biến mất”.

Để đối phó với thực trạng này, ông Skorji cho biết TELL đang chuyển trọng tâm hỗ trợ xây dựng khả năng phục hồi và quản lý mức độ căng thẳng tăng cao ở những người cảm thấy bế tắc trong các mối quan hệ.

Trong khi đó, ông Makoto Watanabe (Giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo) cho biết, làn sóng bạo lực gia tăng đối với những người già yếu và dễ bị tổn thương là chỉ dấu cho thấy những chuyển biến tiêu cực đang tác động mạnh mẽ lên xã hội Nhật Bản những năm gần đây.

“Ngày trước, người già là trung tâm của cộng đồng - đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Họ được tôn trọng vì sự hiểu biết về mùa màng và khu vực mình đang sinh sống. Tuy nhiên, cuộc sống đã thay đổi và bất kỳ ai cũng có thể tra Google để tìm kiếm thông tin. Giá trị của người già theo đó giảm xuống”, ông Watanabe cho biết.

Sự lạc lõng và mất dần chỗ đứng trong xã hội khiến người già Nhật Bản chịu tác động lớn về tâm lý. Tình trạng phạm tội ở những đối tượng này theo đó cũng tăng lên sau khi phải chịu quá nhiều cú sốc tinh thần. Nhiều người thậm chí cố tình phạm tội để được vào tù và thoát khỏi sự cô đơn.

Có con cháu nhưng vẫn cô đơn

 

Văn hóa truyền thống của Hàn Quốc là kính lão, đề cao chữ hiếu. Con cái và xã hội có trách nhiệm quan tâm, lo lắng cho người già. Hàn Quốc lại là quốc gia tương đối giàu có, thu nhập bình quân $30.644/người/năm (tương đương 710 triệu đồng), thế nhưng cũng chính tại đây, có tới gần một nửa các cao niên (khoảng 3 triệu người) đang phải sống trong cảnh nghèo khó.

Hàn Quốc cũng có truyền thống ở theo kiểu đại gia đình, song kể từ khi bước sang thế kỷ XXI, số lượng hộ đại gia đình của Hàn Quốc ngày càng giảm. Vào năm 2016, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (The Organisation for Economic Co-operation and Development - OECD) từng lập số liệu thống kê về người già ở Hàn Quốc. Họ cho biết, có tới 25% các cụ sống một mình.

Vào tầm giữa tháng 2, Hàn Quốc đang chìm trong mùa đông buốt giá, nhiệt độ liên tục giảm xuống dưới 0oC. Bất chấp con phố nửa đêm vắng tanh, lạnh ngắt, bà Lee Deok-ja (74 tuổi) cặm cụi kéo chiếc xe thồ 2 bánh. Bà đi một vòng phường Deungchon-dong, gom các đống bìa các-tông trước các cửa quán xá, chất lên thùng xe.

Deok-ja bắt đầu lượm bìa các-tông từ 5h sáng cho tới tận 18h chiều. Nếu nhặt được quá ít, bà bắt buộc phải thức đêm đi nhặt thêm. Trong khi đó, mức lương tối thiểu của người đi làm ở Hàn Quốc đã là 8.720 won/h (tương đương 180.000 VNĐ). “Tôi có 4 đứa con, nhưng không nhận được khoản trợ cấp nào từ chúng cả. Bản thân tôi cũng không muốn trở thành gánh nặng của con cái. Trừ khi cái thân già này không lê đi được nữa, còn không thì tôi vẫn tiếp tục kéo xe, lượm lặt ve chai”, bà Deok-ja kể thêm.

Chí ít, trong Seoul cũng có khoảng 60 cao niên nhặt bìa các-tông như Deok-ja. Ngoại trừ bìa các tông, họ còn thu lượm tất cả các loại rác có khả năng tái chế, bán cho các xưởng thu gom.

Cao niên Hàn Quốc là những người sống sót qua nhiều cuộc chiến tranh và khủng hoảng kinh tế. Kể từ khi thành lập vào năm 1945, Hàn Quốc phải trải qua thời kỳ bị chiếm đóng, nội chiến, khủng hoảng tài chính châu Á 1997... Người cao tuổi Hàn Quốc luôn nghĩ, cống hiến cho đất nước là chuyện đương nhiên và không bao giờ đòi hỏi được đền đáp. Vì thế, dù gặp nhiều khó khăn, họ không kêu ca mà nhẫn nại chịu đựng tất cả.

“Điều khiến tôi sợ nhất là trở thành gánh nặng của các con”, cụ Yim (86 tuổi) bộc bạch. Suốt cả đời, cụ bà cần mẫn làm việc, không quản ngại vất vả nuôi 5 đứa con ăn học thành tài. Sau khi xin được việc và kết hôn, các con của bà có cuộc sống ấm êm trong các thành phố lớn. “Thỉnh thoảng, chúng cũng đưa các cháu về thăm tôi, nhưng luôn đến và đi luôn cả đám. Lũ cháu nhỏ chê chỗ tôi ở có gián, làm tôi thấy thật tủi và buồn”, cụ Yim cười nhưng ánh mắt ánh lên nỗi buồn sâu thẳm...

Nguồn: Phapluatplus.vn