Postef – ông chủ ‘đất vàng’ 61 Trần Phú kinh doanh ra sao?

Mới đây, Tổng công ty Viễn thông Mobifone đã ban hành Quyết định 1361/QĐ-MOBIFONE phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói trang bị ắc quy Lithium 48V-100Ah indoor, thuộc Dự án trang bị ắc quy thay thế cho các trạm BTS.

Trúng thầu là Liên danh Postef – Công ty CP Công nghệ Vision. Gói thầu có giá 285.800.955.000 đồng, giá trúng thầu của liên danh là 200.588.473.800 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng trong 18 tháng.

Biên bản mở thầu cho thấy gói này có 06 nhà thầu tham gia, trong đó có 2 nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Trong cuộc ‘so găng’ về giá, liên danh Postef đã vượt qua 3 nhà thầu còn lại để trúng gói thầu này.

Postef – ông chủ ‘đất vàng’ 61 Trần Phú vừa trúng gói thầu hơn 200 tỷ đồng tại Mobifone
Gói thầu được mở vào đầu tháng 7/2024

Trong liên danh trúng thầu, Postef là nhà thầu tên tuổi mảng cung cấp vật tư, thiết bị ngành điện. Dữ liệu cho thấy, doanh nghiệp này từng được công bố trúng ít nhất 435 gói thầu, tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Postef đã trúng 82 gói thầu, còn 15 gói chưa công bố kết quả.

Postef chủ yếu trúng thầu tại VNPT và các đơn vị thành viên của Tập đoàn này. Ngoài ra, Postef cũng là đối tác thường xuyên cho Tổng công ty Mạng lưới Viettel – Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

Đáng chú ý, riêng tại Mobifone, Postef và Công ty CP Công nghệ Vision thực sự đã kết hợp thành ‘cặp đôi hoàn hảo’ khi liên tục trúng thầu.

Ngoài gói thầu nêu trên, ngày 17/4/2024, cặp đôi này cùng lúc được Tổng công ty Viễn thông Mobifone công bố trúng 03 gói thầu, tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng.

Đó là các gói: Cung cấp, lắp đặt các bộ backup accu tại miền Trung (giá trúng thầu 30.430.100.000 đồng); Cung cấp, lắp đặt các bộ backup accu tại miền Nam (giá trúng thầu 42.602.140.000 đồng) và gói Cung cấp, lắp đặt các bộ backup accu tại miền Bắc (giá trúng thầu 34.994.615.000 đồng).

Postef – ông chủ ‘đất vàng’ 61 Trần Phú vừa trúng gói thầu hơn 200 tỷ đồng tại Mobifone
Trong ngày 17/4/2024, 'cặp đôi hoàn hảo' Postef - Vision trúng 3 gói thầu tại Mobifone, tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng

Hồ sơ cho thấy, Công ty CP Công nghệ Vision thành lập năm 2011, trụ sở đặt tại tầng 19, tòa nhà văn phòng Viwaseen Tower (số 48 Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Doanh nghiệp này từng trúng 16 gói thầu, trong đó có 05 gói liên danh với Postef. Cả 05 gói này đều trúng tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone.

Postef: Gánh nợ 1.800 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận kém xa kỳ vọng

Công ty CP Thiết bị Bưu điện tiền thân là Nhà máy Thiết bị Bưu điện trực thuộc Tập đoàn VNPT, được cổ phần hóa vào năm 2004. Trụ sở chính của Postef đặt tại 61 Trần Phú, quận Ba Đình. Công ty hiện có vốn điều lệ 194,3 tỷ đồng, trong đó VNPT có tỷ lệ sở hữu 49,99%.

Các cổ đông lớn khác gồm Công ty CP Chứng khoán Liên Việt (nắm 11,323% vốn góp Postef) và ông Dương Trung Lợi (12,258%).

Tại 30/6/2024, quy mô tài sản của Postef còn 2.114,4 tỷ đồng, giảm 7,4% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm từ hơn 1.000 tỷ đồng hồi đầu năm xuống mức 915 tỷ đồng. Các khoản phải thu của Postef đã giảm tuy nhiên hàng tồn kho lại tăng thêm 7,6%, lên mức 373,8 tỷ đồng.

Về tài sản dài hạn, có hơn 820,7 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Khoản hạch toán này liên quan đến dự án trên khu ‘đất vàng’ 61 Trần Phú, sẽ được trình bày ở phần sau.

Postef – ông chủ ‘đất vàng’ 61 Trần Phú vừa trúng gói thầu hơn 200 tỷ đồng tại Mobifone
Các chủ nợ trong ngắn hạn của Postef

Đến 30/6/2024, gánh nợ của Postef tuy có giảm so với đầu năm nhưng vẫn đang trên mức 1.804,1 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn còn hơn 847 tỷ đồng, gồm 524,5 tỷ đồng nợ vay.

Các chủ nợ lớn của Postef trong ngắn hạn bao gồm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Ba Đình (161,9 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Tây (103 tỷ đồng); Ngân hàng Bangkok Đại chúng Trách nhiệm hữu hạn – Chi nhánh Hà Nội (96,7 tỷ đồng).

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Postef đã chi hơn 20 tỷ đồng chỉ để trả lãi các khoản vay.

Về hoạt động kinh doanh, Postef khép lại năm 2023 với kết quả rất kém ấn tượng. Doanh thu hợp nhất cả năm ở mức 1.157,7 tỷ đồng, chỉ đạt 72,4% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ 2,6 tỷ đồng trong khi mục tiêu đề ra là 16,5 tỷ đồng. Năm 2023, Postef chi cổ tức tỷ lệ vỏn vẹn 15, kém xa so với kế hoạch là 6,5%.

Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2024 của Postef ‘chốt’ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm lần lượt là 1.321 tỷ đồng và 12,6 tỷ đồng. Có thể thấy, ban lãnh đạo Công ty đặt nhiều kỳ vọng về khả năng bứt phá trong năm 2024 so với kết quả ảm đạm trong năm 2023.

Tuy vậy với kết quả kinh doanh giữa niên độ vừa được công bố, có thể thấy đây có lẽ là ‘nhiệm vụ bất khả thi’ đối với Postef.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất bán niên 2024 của Công ty chỉ đạt 498,3 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 310,2 triệu đồng. Như vậy sau khi đi qua 6 tháng đầu năm, Postef mới hoàn thành 37,7% mục tiêu doanh thu và 2,46% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Ồn ào sau cú ‘bắt tay’ với Him Lam làm dự án trên đất vàng

Trong báo cáo tài chính giữa niên độ 2024 vừa công bố, Postef nêu khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn là hơn 820,7 tỷ đồng. Khoản hạch toán này liên quan Dự án Công trình đa chức năng tại 61 Trần Phú, quận Ba Đình.

Để thực hiện dự án này, Postef đã bắt tay với Liên danh gồm Công ty CP Liên Việt Holdings và Công ty CP Him Lam, và ký kết Hợp đồng hợp tác đầu tư số 40/2011/HĐHTĐT/POT-LVH-HL.

Theo nội dung ký kết, vốn góp của các bên trong dự án này là 1.039,2 tỷ đồng và tổng mức đầu tư dự án là 1.574,5 tỷ đồng.

Trong đó, Postef thực hiện góp vốn bằng lợi thế quyền sử dụng khu đất tương ứng là 530 tỷ đồng (chiếm 51% giá trị vốn góp). Bên liên danh góp vốn bằng tiền là 509 tỷ đồng (chiếm 49% tổng giá trị vốn góp).

Postef – ông chủ ‘đất vàng’ 61 Trần Phú vừa trúng gói thầu hơn 200 tỷ đồng tại Mobifone
Thuyết minh của Postef tại báo cáo tài chính mới nhất

Các bên thống nhất Postef là chủ đầu tư dự án và đứng ra mở tài khoản ngân hàng, hạch toán chi phí dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và giai đoạn xây dựng hoàn thành. Chi phí dự án được thanh toán bởi liên danh và được phản ánh tại các khoản mục ‘Chi phí xây dựng cơ bản dở dang’ và ‘Nợ phải trả khác’ trong báo cáo tài chính của Postef.

Đến 30/6/2024, tổng chi phí đổ vào dự án này là hơn 818,98 tỷ đồng.

Cụ thể theo thuyết minh tại Báo cáo tài chính giữa niên độ 2024 của Postef, dự án này được triển khai từ năm 2012 với các chi phí chủ yếu gồm 604,320 tỷ đồng tiền thuê đất trả một lần cho diện tích 7.523m2; 123,26 tỷ đồng chi phí hỗ trợ di dời của Liên danh và 8,864 tỷ đồng tiền thuê đất trả hàng năm cho diện tích 1.555m2 nằm trong chỉ giới mở đường Công ty đang sử dụng.

Ngoài ra, số tiền ký quỹ đã nộp vào tài khoản Sở KH-ĐT Hà Nội tại Ngân hàng Liên Việt – Chi nhánh Thăng Long để đảm bảo thực hiện dự án này là hơn 24,7 tỷ đồng.

Trước đó vào ngày 24/6/2017, UBND TP Hà Nội có quyết định số 3841/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên khu đất 61 Trần Phú với tổng diện tích ô đất nghiên cứu là 9.078 m2. Năm 2022, công ty này cho biết đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục để khởi công dự án.

Từ lúc Postef có chủ trương đến quá trình tháo dỡ mặt bằng thực hiện dự án, đã có nhiều luồng ý kiến tranh cãi gay gắt.

Nhiều ý kiến phản biện về việc tháo dỡ các công trình do Pháp xây dựng có tuổi đời hàng chục năm. Bên cạnh đó, vị trí thực hiện dự án quá ‘đắc địa’ với 4 mặt tiền đường Trần Phú – Hùng Vương – Nguyễn Thái Học – Lê Trực, nằm cách không xa Lăng Bác và Tòa nhà Quốc hội; do đó, có luồng dư luận cho rằng việc triển khai dự án có thể phá vỡ cảnh quan kiến trúc khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Ngoài ra, cú ‘bắt tay’ giữa Postef với Him Lam và Liên Việt Holdings của đại gia Dương Công Minh cũng gây nhiều chú ý trong giới đầu tư. Trước đó, Postef từng dự định xây trung tâm công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu phát triển trên khu ‘đất vàng’ này.

Postef – ông chủ ‘đất vàng’ 61 Trần Phú vừa trúng gói thầu hơn 200 tỷ đồng tại Mobifone
'Đất vàng' 61 Trần Phú được Postef góp vốn thực hiện dự án. Ảnh: postef.com.vn

Bộ Xây dựng sau đó đã đề nghị UBND TP Hà Nội cho tạm dừng thi công tại dự án để rà soát các chỉ tiêu về quy hoạch, phương án kiến trúc.

Trong báo cáo gửi Bộ sau đó, đánh giá về tác động của dự án, UBND TP Hà Nội cho biết, chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của đồ án đã được các đơn vị tổ chức lập, thẩm định, đánh giá trước khi đưa ra định hướng quy hoạch, trình Thủ tướng phê duyệt. Qua đó, dự án (với chiều cao 11 tầng) không làm gia tăng áp lực lên hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật của khu vực xung quanh.

Để lựa chọn được phương án kiến trúc đạt được các tiêu chí đề ra, tháng 7/2022, Postef đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc theo đúng Nghị định số 85 của Chính phủ.

Tại ĐHCĐ thường niên 2024, Postef cho biết Công ty đã niêm yết công khai phương án kiến trúc đạt giải qua thi tuyển tại trụ sở UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình để lấy ý kiến cộng đồng theo quy định.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán