Quản lý thông điệp phòng, chống gian lận thương mại

Nhiều doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa không cạnh tranh nổi trên thị trường, nợ nần chồng chất dẫn đến phá sản, kéo theo sự gia tăng của “đội quân thất nghiệp.

Thậm chí, gian lận thương mại có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân, khi mà những sản phẩm liên quan tới sức khỏe bị làm giả, làm nhái hoặc hành vi phân phối sản phẩm kém chất lượng tới người tiêu dùng cũng gây hậu quả nghiêm trọng.

Là cơ quan trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Tạp chí Thương hiệu & Công luận điện tử luôn cung cấp những thông tin nhanh chóng, kịp thời, hữu ích về công tác phòng, chống gian lận thương mại.

Mục chuyển động 389 cung cấp những thông tin nhanh, cập nhật về gian lận thương mại, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Nội dung bài viết sau đây sẽ phân tích thực trạng và đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý thông điệp phòng, chống gian lận thương mại trên tạp chí Thương hiệu và Công luận điện tử trong thời gian tới.

Một số vấn đề lý luận chung

Cho đến nay, khái niệm gian lận thương mại chưa có những định nghĩa cụ thể. Có thể tham khảo định nghĩa về gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan được Hội đồng Hợp tác Hải quan quốc tế đưa ra trong Công ước quốc tế Nairobi về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong ngăn chặn, trấn áp và điều tra các vi phạm Hải quan: "Gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan là hành vi phạm pháp luật Hải quan trong đó một cá nhân lừa dối Hải quan để nhằm lẩn tránh một phần hoặc toàn bộ việc nộp thuế xuất nhập khẩu, việc áp dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế do luật pháp Hải quan quy định, hoặc thu được một khoản lợi nhuận nào đó qua việc vi phạm pháp luật này".

Ở Việt Nam cho đến nay, gian lận thương mại không phải là một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nói đến gian lận thương mại cần nói thêm về khái niệm buôn lậu. Khái niệm gian lận thương mại và buôn lậu chưa được phân biện rõ ràng ở nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam.

Ở Việt Nam, buôn lậu được coi là hành vi vi phạm pháp luật, không đồng nhất với gian lận thương mại, mà buôn lậu là hành vi gian lận thương mại nhưng ở mức cao hơn, tính chất phức tạp và nghiêm trọng hơn, nó là trường hợp đặc biệt của gian lận thương mại.

Bởi thế, phạm vi của khái niệm gian lận thương mại rộng hơn khái niệm buôn lậu. Xét ở tính nguy hiểm đối với nền kinh tế thì hành vi buôn lậu mang ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều. Xét về khả năng phát hiện, xử lý thì xử lý gian lận thương mại khó khăn hơn và xử lý vi phạm nhẹ hơn.  Xét ở góc độ nhận biết thì buôn lậu dễ nhận thấy hơn, còn gian lận thương mại thông thường núp dưới những vỏ bọc hợp pháp,

Phòng, chống gian lận thương mại là hoạt động ngăn ngừa, đối phó với hành vi dối trá, mánh khóe, lừa lọc trong lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động mua, bán, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thu lợi bất chính. 

Quản lý thông điệp phòng, chống gian lận thương mại trên tạp chí điện tử là sự tác động liên tục có tổ chức, có định hướng, có mục đích, có kế hoạch của chủ thể quản lý đến đến đối tượng quản lý trong việc thiết kế, xây dựng, phổ biến, chuyển tải, đánh giá tác động của thông điệp phòng, chống gian lận thương mại trên tạp chí điện tử nhằm đạt đến mục tiêu xác định. Những thông điệp đó phải đảm bảo đúng quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, đảm bảo phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, không trái với các quy định của pháp luật hiện hành.

Thực trạng quản lý thông điệp phòng, chống gian lận thương mại 

Thứ nhất, tạp chí Thương hiệu và Công luận đã chuyển tải một cách nhanh chóng và sinh động mọi diễn biến, những vấn đề mới nảy sinh về phòng, chống gian lận thương mại ở Việt Nam, những thông tin, kết quả trong phòng, chống gian lận thương mại của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Với khả năng sản xuất và xuất bản thông tin nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, không phân biệt thời gian và không gian, tạp chí Thương hiệu và Công luận điện tử có thể chuyển tải mọi thông tin về phòng, chống gian lận thương mại sắp, đang, vừa diễn ra.

Ví dụ: Ngày Ngày 22/4/2021, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công an Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ ký kết “Quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và Công an Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Ngay sau đó, ngày 23/4/2021, Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã có bài viết TP. HCM: Cục Quản lý thị trường và Công an TP chung tay bắt buôn lậu, gian lận thương mại

Có thể thấy, thông tin mang tính thời sự, cập nhật của tạp chí Thương hiệu và Công luận không chỉ đơn giản là sự đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Đó về bản chất là quá trình chiếm lĩnh không gian thông tin về sự kiện, sử dụng các thông điệp của tạp chí để tạo lập dư luận xã hội về đề tài thông tin. Cũng như các vấn đề nội dung chính trị, kinh tế, xã hội khác, báo điện tử muốn khẳng định được vai trò trong nhiệm vụ phòng, chống gian lận thương mại Việt Nam trước hết phải tạo lập, xây dựng được cơ chế phản ứng cho công chúng trước sự kiện, tạo hiệu ứng bằng chính những thông tin nhanh nhạy và kịp thời về sự kiện.

Thứ hai, việc quản lý hình thức một cách chặt chẽ đã phát huy sự sáng tạo của phóng viê, tạo nên những thông điệp sinh động, hấp dẫn công chúng. Về bản chất, thông tin đa phương tiện trên tạp chí điện tử giải quyết 3 phương diện liên quan đến phòng, chống gian lận thương mại: Một là, vấn đề tuyên truyền về chủ trương, chính sách liên quan tới phòng, chống gian lận thương mại.

Để đạt được hiệu quả trong công tác tuyên truyền thì trước hết phải thu hút được sự quan tâm của công chúng, công chúng thấy hứng thú với việc truy cập và tiếp nhận thông tin thì mới có thể tuyên truyền được; Hai là, tác động đến tư duy và quá trình tác nghiệp của nhà báo: Khi tác nghiệp trong môi trường đa phương tiện, nghĩa là nhà báo phải có một tư duy tổng hợp về các loại hình mã hóa thông tin và phải khai thác thông tin đa chiều, từ nhiều góc độ.

Từ đó, những tác phẩm lại có một quá trình thẩm thấu đa chiều và tác động mạnh hơn đến nhận thức và hành vi của công chúng; Ba là, tác động đến nhận thức, thái độ của công chúng qua hoạt động truyền thông: Lĩnh vực gian lận thương mại là chủ đề chưa thực sự được đông đảo công chúng quan tâm, bởi chứa đựng nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu.

Công tác thông tin không phải một sớm một chiều đã mang lại hiệu quả, mà cần phải có thời gian và cách thức truyền tải gần gũi, hấp dẫn mới tạo được tình cảm và thái độ tiếp nhận tích cực của công chúng.

Thứ ba, Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã vận dụng tính tương tác cao – ưu thế nổi bật của loại hình tạp chí điện tử. Tạp chí đã tạo ra một diễn đàn dân chủ, nơi công chúng có thể bày tỏ những hiểu biết, biểu hiện thái độ, tình cảm, chia sẻ tri thức và trình bày quan điểm của họ về các vấn đề liên quan tới phòng, chống gian lận thương mại hiện nay.

Thông qua đó, công chúng có được một quá trình nhận thức toàn diện, từ việc được tiếp nhận thông tin, được trao đổi, bàn luận, được lắng nghe từ báo chí hoặc từ công chúng khác và rút ra nhận thức cho chính mình.

Một số giải pháp tăng cường

Để tăng cường quản lý thông điệp phòng, chống gian lận thương mại trên tạp chí Thương hiệu và Công luận điện tử hiện nay, trước hết, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác quản lý thông điệp về phòng, chống gian lận thương mại trên tạp chí Thương hiệu và Công luận điện tử.

Đứng trước yêu cầu của sự phát triển, của bối cảnh cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt, quyết liệt, vấn đề nâng cao nhận thức về vai trò của công tác quản lý thông điệp về phòng, chống gian lận thương mại trên Tạp chí Thương hiệu và Công luận điện tử là một đòi hỏi tất yếu. Xét trên cả hai phương diện quản lý nội dung và quản lý con người đều có thể thấy rõ được xu hướng này.

Về mặt quản lý nội dung, là một cơ quan thông tin đại chúng, đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là của Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu hay của lãnh đạo Tạp chí và hoạt động theo những quy định của pháp luật, tất cả các sản phẩm điện tử nói chung tại Tạp chí khảo sát và các thông điệp về phòng, chống gian lận thương mại đều quản lý thống nhất theo một quy trình.

Tuy nhiên, việc quản lý nội dung các thông tin này không nhất thiết cần bó gọn trong toàn bộ các quy trình làm ảnh hưởng tới tiến độ đăng tải quyết định khả năng cạnh tranh của các tờ báo mạng điện tử khảo sát. Các chủ thể quản lý cần thay đổi nhận thức mạnh mẽ về vấn đề này.

Dưới góc độ quản lý trực tiếp con người, Tạp chí điện tử khảo sát cũng cần phải nâng cao năng lực của các cán bộ Lãnh đạo cấp phòng/Ban.

Cần xác định đúng mục tiêu, mục đích sản xuất thông tin phòng, chống gian lận thương mại, khi tiến hành triển khai sản xuất, không nên chỉ đặt mục tiêu thực hiện nhiệm vụ chính trị đơn thuần mà thiếu đi sự quan tâm đến thị hiếu công chúng, đặc biệt là nội dung đáp ứng tôn chỉ, mục đích mà báo, tòa soạn đã xác định.  

Để nâng cao nhận thức về vai trò của công tác quản lý thông điệp về phòng, chống gian lận thương mại trên Tạp chí Thương hiệu và Công luận điện tử trong thời gian tới cần phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp, đội ngũ biên tập viên, phóng viên trong điều kiện hiện nay cần phải có bản lĩnh vững vàng, có khả năng chọn lọc, tiếp nhận những cái mới.

Đổi mới về bộ máy, phương thức tổ chức sản xuất thông điệp phòng, chống gian lận thương mại. Cần phải khảo sát thường xuyên, đánh giá năng lực thực tế của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của báo. Thường xuyên tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực của đội ngũ cộng tác viên các cơ quan, tỉnh thành nhằm phân loại, chuẩn hóa các đối tác này để bố trí, sắp xếp phù hợp.

Nguồn: Phapluatplus.vn