Sóc Trăng: Cần làm rõ dấu hiệu "bắt tay" giữa 3 Công ty khiến doanh nghiệp Lê Hào bị thiệt hại?

Như Pháp luật Plus đã đưa tin ở kỳ trước: "Sóc Trăng, ai đứng đằng sau việc đập phá, chiếm giữ tài sản bất hợp pháp của Công ty san lấp Lê Hào?".

Hàng tỷ đồng tiền trang thiết bị, máy móc của Công ty Lê Hào đang bị chiếm giữ bất hợp pháp nhiều tháng nay, và trên 10 tỷ đồng tiền cát thi công chưa được thanh toán…

Mới đây, Công ty Lê Hào tiếp tục gửi đơn tới Tòa soạn Pháp luật Plus và nhiều cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa 3 Công ty là DinTsun Việt Nam - Công ty Hiệp Thành – Công ty Quảng Thành Đức, vì theo bà Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc Công ty san lấp Lê Hào thì 3 Công ty trên đã liên kết với nhau gây tổn hại cho doanh nghiệp của bà.

Đồng thời, bà Lê cũng đưa ra nhiều căn cứ để chứng minh có sự liên kết giữa 3 Công ty nói trên để đẩy doanh nghiệp của bà đến bờ vực phá sản.

Cụ thể, ngày 24/5/2021, Công ty Hiệp Thành ra thông báo tạm ngưng theo yêu cầu của chủ đầu tư là Công ty TNHH DinTsun Việt Nam, để điều chỉnh kế hoạch thi công và Công ty Lê Hào đã tuân thủ yêu cầu của chủ đầu tư.

Trong khi Công ty Hiệp Thành chưa thanh toán đầy đủ cho Lê Hào, đơn phương chấm dứt với Lê Hào thì Công ty DinTsun lại ký Hợp đồng san lấp với Công ty Quảng Thành Đức.

Đáng chú ý nhất là Quảng Thành Đức và Công ty Lê Hào không có bất cứ điều gì liên quan tới nhau, không nợ nần, không phải là đối tác…

Tuy nhiên, nhân viên của Công ty Quảng Thành Đức lại đập phá tài sản của Công ty Lê Hào, gây khó khăn trong việc đo đạc, nghiệm thu công trình, đồng thời Quảng Thành Đức còn chiếm giữ khối tài sản gồm xe lu, máy xúc, đường ống dẫn cát, trang thiết bị của Lê Hào trị giá gần 10 tỷ đồng…

Trong khi Công ty Quảng Thành Đức và Công ty Lê Hào đều thi công một công việc là san lấp cát tại Cụm công nghiệp Xây Đá B, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, vì thế Lê Hào nghi vấn về việc, ai đứng đằng sau Công ty Quảng Thành Đức?

Rõ ràng những ứng xử của nhân viên Công ty Quảng Thành Đức trong việc đập phá tài sản của Công ty Lê Hào là hành động rất tồi tệ, thể hiện sự coi thường pháp luật và bất chấp… Thế nhưng, phía DinTsun lại không có bất cứ ý kiến nào về hành đồng này. Mặc dù Lê Hào đã gửi nhiều đơn thư tới DinTsun.

Một minh chứng tiếp theo, tại Biên bản ngày 21/1/2022, bà Lê đặt câu hỏi tới người đại diện của Công ty DinTsun Việt Nam là: “tất cả đơn từ, hồ sơ liên quan tới sự việc của Công ty Lê Hào đã gửi cho chủ đầu tư, ông có nhận được không?.” - người đại diện cho DinTsun trả lời bà Lê rằng: “Việc Công ty Lê Hào có văn bản gửi chủ đầu tư, phía chủ đầu tư không biết, sẽ xem xét xử lý phần nội bộ”?.

Bà Lê đặt câu hỏi: “Một Công ty lớn như DinTsun, 100% vốn nước ngoài mà nhân viên lại có thể làm việc vô nguyên tắc sao? Hồ sơ, giấy tờ, công văn gửi tới Công ty mà lại không chuyển cho lãnh đạo để xử lý?

Sau nhiều đơn thư của bà Lê, cuối cùng các bên cũng đã ngồi lại với nhau và thể hiện trong Biên bản ngày 21/1/2022: “Công ty Quảng Thành Đức chỉ được thi công các khu vực khác ngoài khu A5, đồng thời, Công ty Hiệp Thành phải hoàn tất, tất toán cho Lê Hào trước ngày 15/2/2022…”.

Vì khu vực A5 thuộc phần của Công ty Lê Hào đang thi công dở chưa xong chưa nghiệm thu và Lê Hào tự rào chắn để bảo vệ thiết bị máy móc. Như vậy, căn cứ nào cho rằng Công ty Lê Hào cản trở thi công?

Một căn cứ cốt lõi nữa là, phía Công ty DinTsun và cả Công ty Hiệp Thành không đưa ra bất cứ một lỗi nhỏ nào từ phía Công ty Lê Hào như chậm tiến độ thi công hay thiếu kinh nghiệm hay lỗi kỹ thuật.

Thế nhưng, cả Công ty DinTsun và Hiệp Thành lại đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp tác với Công ty Lê Hào. Nhưng rồi lại bớt lại khu A5 để Lê Hào thi công nốt (vì Lê Hào đã thi công xong khu A1 và A2) điều này buộc Lê Hào phải để lại máy móc, thiết bị để tiếp tục thi công.

Biên bản nêu rõ nhưng nhân viên của Công ty Quảng Thành Đức lại đập phá máy móc, thiết bị của Lê Hào và xâm phạm vào khu A5 dẫn đến tranh chấp.

Bà Lê đã đích thân báo Công an xã và chính quyền, có lập biên bản xác nhận về việc phía nhân viên Công ty Quảng Thành Đức đe dọa, gây hấn...nhưng phía chính quyền lại tỏ ra bệnh vực hành động của Công ty Quảng Thành Đức khiến bà Lê và công nhân Lê Hào rất phẫn nộ (bà Lê có cung cấp video về nội dung này).

Cũng theo bà Lê: “Mỗi đợt nghiệm thu thanh toán đều phải có giám sát, kỹ thuật của Công ty DinTsun, Công ty Hiệp Thành, Công ty Lê Hào thống nhất vị trí đo đạt, ký kết biên bản đo cao độ… Tuy nhiên, lần thanh toán sau cùng lại không có mặt của Công ty Lê Hào mà chỉ có Công ty  DinTsun với Công ty Hiệp Thành.

Do đó, việc nhanh chóng nghiệm thu thanh lý hợp đồng giữa Hiệp Thành và DinTsun không có Lê Hào tham gia là không đúng, không được tính là cơ sở thanh toán cho Lê Hào” - bà Lê khẳng định.

Vì sao cùng là doanh nghiệp lớn lại có những ứng xử không minh bạch như vậy?. Đặc biệt liên quan tới tiền bạc, đáng lẽ khi nghiện thu, thanh toán phải rất chặt chẽ.

Để tìm hiểu thực hư, Phóng viên đã liên hệ với Giám đốc Công ty Hiệp Thành nhưng phía Công ty không hợp tác, thậm chí phóng viên tới tận trụ sở trong ngày làm việc nhưng Công ty này vẫn cửa đóng then cài.

Với những tình tiết nêu trên, bà Lê có nghi vấn về cái “bắt tay” của DinTsun – Hiệp Thành -Thành Đức là có cơ sở và ai đứng đằng sau Quảng Thành Đức để nhân viên công ty này ngang nhiên vi phạm pháp luật mà không bị xử lý kịp thời?.

Trước đó, bà Lê lại nhận được Quyết định xử phạt hành chính, với lý do “gây cản trở việc sử dụng đất của DinTsun Việt Nam, cụ thể xây hàng rào chắn, để trang thiết bị. Bà Lê đã làm đơn khiếu nại Quyết định hành chính này nhưng đến nay bà chưa nhận được câu trả lời từ phía chính quyền huyện Châu Thành.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về nội dung trên, bà Lê bức xúc: “Chính vì những mâu thuẫn ngay trong những lần lập Biên bản, và cả phía chủ đầu tư lẫn Hiệp Thành vì vậy tôi không tin tưởng phía chính quyền huyện Châu Thành sẽ xử lý công việc một cách công tâm, khách quan, thượng tôn pháp luật.

Tôi đã gửi đơn tố giác tội phạm tới Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng để được giải quyết..”- bà Lê trình bày.

Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Lê Hào, LS Thủy khẳng định, trong sự việc này chưa có nhiều chứng cứ chứng minh 3 Công ty bắt tay nhau, vì thế cần phải chờ đợi kết luận của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng nhưng trong trường hợp này, rõ ràng Lê Hào là một nạn nhân. Bên cạnh đó, LS Thủy cũng chỉ ra sự không trung thực, hành vi gian dối của Công ty Hiệp Thành…

Ngày 3/3/2022, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Minh, Bí thư huyện Châu Thành về nội dung đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Hồng Lê, hiện chưa được xem xét và hành vi đập phá tài sản của Công ty Thành Đức, ông Minh cho biết: “chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu các Công ty ngồi lại với nhau để giải quyết nhưng các bên không chịu. Việc Hiệp Thành không chịu thanh toán tiền cho Lê Hào thì 2 bên khởi kiện ra tòa…”- ông Minh trả lời.

“Việc Hiệp Thành chưa thanh toán dứt điểm cho Lê Hào có liên đới tới Công ty DinTsun hay không” - thì ông Minh không đưa ra bình luận.

Để biết thêm sự việc, phóng viên đã tiếp cận với một cán bộ (xin phép giấu tên) vị cán bộ cho hay: Sự việc của Công ty Lê Hào và Công ty DinTsun Việt Nam - Hiệp Thành và Quảng Thành Đức là một câu chuyện rất phức tạp. Không chỉ đơn thuần việc Hiệp Thành tranh chấp với Lê Hào về chuyện không chi trả tiền cho Lê Hào mà đằng sau những doanh nghiệp này là những uẩn khúc…Cứ để cho Cơ quan điều tra họ làm là ra hết...” - vị cán bộ này cho biết.

Để rộng đường dư luận, ngày 4/3/2022, PV liên hệ với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về nội dung tố giác, tố cáo của Công ty Lê Hào, cũng như các bức tâm thư của bà Lê gửi tới lãnh đạo tỉnh thì phóng viên chỉ được tiếp theo hình thức ngoại giao?!

Cuối cùng phóng viên phải đặt lại nội dung làm việc với Chánh văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng và đề nghị được trả lời bằng văn bản.

Dư luận đặt câu hỏi, sự việc trên có quá khó để giải quyết hay còn những lý do uẩn khúc phía sau mà chưa thể làm rõ, dẫn đến các đơn vị đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý sự việc?

Pháp luật Plus xin chuyển toàn bộ nội dung trên tới Ban Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Công an tỉnh Sóc Trăng để xử lý kịp thời./.

 

Nguồn: Phapluatplus.vn