Thủ tướng: Tập trung nghiên cứu tiêm mũi vaccine thứ 4

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 tổ chức tối qua 27/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế.

img3528-1645972368771140685988

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, cùng toàn thể Nhân dân luôn đánh giá cao, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, hy sinh của ngành y tế, bác sĩ và nhân viên y tế. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế, như: Nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập; nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và  đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; khuyến khích cán bộ có trình độ chuyên môn làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…; xử lý các bất cập liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý giá về khám chữa bệnh, thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, quản lý, quản trị các cơ sở y tế, tạo môi trường thuận lợi để khám và điều trị cho Nhân dân.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu chống dịch; không để khủng hoảng y tế, quá tải hệ thống y tế; tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cũng tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các biến chủng mới; triển khai thần tốc hơn nữa tiêm chủng vaccine, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị; tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao ý thức người dân; giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.

Khoảng 10% học sinh ở Hà Nội mắc COVID-19

Trong ngày 27/2, Sở GD&ĐT Hà Nội có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc cho học sinh khối lớp 1 đến 6 thuộc 18 huyện, thị xã chuyển sang học trực tuyến.

Tờ trình nêu, qua khảo sát nắm bắt tình hình học tập học sinh lớp 1 đến 6: Học sinh chưa được tiêm phòng vaccine phòng, chống dịch; số lớp phải ngừng dạy học trực tiếp chuyển sang trực tuyến chiếm 45,2%; tỷ lệ học sinh trực tuyến đạt 91,14%; số lớp đang học trực tiếp chiếm tỷ lệ 54,8%.

Trong thời gian qua, tỷ lệ học sinh mắc COVID-19 đạt xấp xỉ 10% so với tổng số người mắc trên địa bàn thành phố tương đương với 17.384 ca mắc. Trong đó, có 597 ca phải điều trị tại bệnh viện, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 3,4% bao gồm: trẻ sơ sinh, có bệnh nền cấp tính, trẻ có triệu chứng mức độ trung bình, nặng, nguy kịch, còn lại đa số ca bệnh không có triệu chứng và nhẹ.

UBND TP Hà Nội đồng ý đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội cho học sinh thuộc các khối lớp từ 1 đến 6 của 18 huyện thị xã chuyển từ học trực tiếp sang học online kể từ ngày 28/2.

Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 193.408.292 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 176.651.604 liều: Mũi 1 là 70.856.765 liều; Mũi 2 là 67.205.932 liều; Mũi 3 là 1.442.190 liều; Mũi bổ sung là 13.699.350 liều; Mũi nhắc lại là 23.447.367 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.756.688 liều: Mũi 1 là 8.621.505 liều; Mũi 2 là 8.135.183 liều.

 

Nguồn: Phapluatplus.vn