Nghiên cứu sinh MBA Ivy League thăm Vietjet

Các giáo sư và học viên MBA của trường Đại học Dartmouth đã có buổi gặp mặt cùng tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vào chiều 21/3.

Sau khi trường kinh doanh Harvard thực hiện chuyên đề về tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, trường kinh doanh Tuck thuộc Đại học Dartmouth - một thành viên khác thuộc Ivy League cũng vừa đưa một đoàn nghiên cứu sinh MBA đến gặp gỡ lãnh đạo Vietjet để tìm hiểu về môi trường kinh doanh, câu chuyện hình thành và phát triển cũng như những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp vào phát triển kinh tế Việt Nam.

Phó tổng giám đốc Trần Hoài Nam đã thay mặt cho ban lãnh đạo Vietjet, HDBank giới thiệu với hai giáo sư Edward Miller và Emily Blanchard cùng 24 nghiên cứu sinh MBA của trường Dartmouth về câu chuyện kinh doanh của hai doanh nghiệp.

Đoàn nghiên cứu sinh MBA gặp gỡ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Đoàn nghiên cứu sinh MBA gặp gỡ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Phương Thảo cũng dành thời gian tiếp đoàn và có những chia sẻ với các giáo sư, học viên MBA về thời gian bà học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á thể hiện lòng biết ơn với những người thầy của mình, những người đã dìu dắt bà trên suốt chặng đường học tập cũng như trưởng thành.

Trong buổi gặp kéo dài hai tiếng đồng hồ, CEO Vietjet lắng nghe các câu hỏi của thành viên trong đoàn để trao đổi, tìm hiểu, hỗ trợ công tác giảng dạy, nghiên cứu của các học viên MBA.

Trả lời thắc mắc về thách thức của doanh nghiệp tư nhân trong cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước, Tổng giám đốc Vietjet cho biết, kinh tế thị trường mới chỉ phát triển mạnh mẽ khoảng trên 10 năm gần đây, các doanh nghiệp tư nhân đối mặt với nhiều thách thức về luật định, cũng như quan niệm cố hữu của cộng đồng về khu vực tư nhân. 

Bà Phương Thảo dành thời gian đón tiếp và chia sẻ cùng đoàn nghiên cứu sinh quốc tế.

Bà Phương Thảo dành thời gian đón tiếp và chia sẻ cùng đoàn nghiên cứu sinh quốc tế.

Theo CEO Vietjet, dù vấp phải thách thức, khu vực kinh tế tư nhân vẫn thể hiện sức sống, đóng góp tới 40% nền kinh tế, tạo ra những thay đổi tích cực trong phát triển kinh tế Việt Nam.

"HDBank đã tăng trưởng 20 lần trong 10 năm qua. Vietjet cũng trở thành một trong những hãng hàng không dẫn đầu thị trường trong nước trong 8 năm, đóng góp tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam cũng như các thị trường mà hãng có đường bay tới", nữ tỷ phú nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, để vượt qua các thách thức, doanh nghiệp tư nhân cần có chiến lược đúng đắn, trước hết là mục tiêu chiến lược phải lành mạnh, phù hợp với quy luật phát triển kinh tế xã hội, từ đó nhất định phải tạo ra những giá trị mới, tạo ra sức bật tăng trưởng mới. Khu vực tư nhân cũng cần phải xác định rõ ràng lợi thế của mình và vì phát triển sau khu vực kinh tế nhà nước nên cần phải nhanh chóng ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới, hiện đại.

CEO Nguyễn Thị Phương Thảo trò chuyện cùng hai giáo sư Đại học Dartmouth

CEO Nguyễn Thị Phương Thảo trò chuyện cùng hai giáo sư Đại học Dartmouth

Chiến lược hướng tới phân khúc khách hàng mới, không cạnh tranh hay lấy đi khách hàng của các doanh nghiệp đã tồn tại trước đó được bà áp dụng tại Vietjet và HDBank. Ở HDBank, ngân hàng hướng tới nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân, cung cấp các khoản vay nhỏ mà các ngân hàng đi trước bỏ qua. HDBank có hơn 10.000 nhân viên tại các tỉnh thành trên cả nước, nhân viên của HDBank không ngồi văn phòng mà tiếp cận tới từng khách hàng để cung cấp dịch vụ tài chính.

Với ngành hàng không, Vietjet cũng mang tới cơ hội bay cho những khách hàng chưa từng được bay, khai thác các cảng hàng không mà trước khi Vietjet bay tới chỉ thực hiện được 5-10% công suất.

"Tại các địa phương mà Vietjet có đường bay tới, người dân có cơ hội giao lưu, phát triển kinh tế, sử dụng phương tiện giao thông hiện đại với giá vé hợp lý", bà Phương Thảo nói.