Thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Ngày 28/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” (sau đây gọi là Chương trình 1322).

Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Hậu Giang trên thị trường.

28.2- HTX Ca Thac Lac Tan HG-1

Hậu Giang xác định chế biến rau quả, thủy sản…giữ vai trò đột phá trong quá trình phát triển.

Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh hỗ trợ 24 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP…; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Hỗ trợ 16 doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng (Kaizen, 5S, Six Sigma các công cụ thống kê…), công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố. Trong đó, có 8 sản phẩm của doanh nghiệp được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, còn hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia. Đồng thời, các Sở còn tổ chức khác khóa đào tạo về hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc…

Tiếp theo giai đoạn 2026 – 2030 tiếp tục hỗ trợ cho 30 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP…; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Đồng thời, UBND tỉnh hỗ trợ 20 doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng (Kaizen, 5S, Six Sigma các công cụ thống kê…). 10 sản phẩm của doanh nghiệp được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, quy chuẩn kỹ thuật và 5 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia.

28.2- Mo hinh NN gan lien voi Du lich

Một mô hình Nông nghiệp gắn liền với Du lịch của tỉnh Hậu Giang

Qua đó, những ngành hàng mà UBND tỉnh hết sức quan tâm, xác định giữ vai trò đột phá trong quá trình phát triển như công nghiệp chế biến (chế biến rau quả, thủy sản…); công nghiệp chế tạo (ngành cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản...); sản xuất hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh; quần áo may sẵn, giày da, hàng tiêu dùng…

UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, nguồn kinh phí tổng cho kế hoạch là hơn 7,2 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 là hơn 3,2 tỷ, giai đoạn 2 là hơn 4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức thực hiện chính sách của chương trình 1322 cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong phạm vi địa phương.

Nguồn: Phapluatplus.vn