Vấn nạn "cắt tai, mài vỏ bình gas”, sao dẹp mãi không yên?

LỜI TÒA SOẠN

Gas là mặt hàng có nguy cơ cháy, nổ cao. Gas được chứa vào các bình chứa chịu áp lực và các chai chứa LPG (sau đây xin được gọi là bình gas) là một loại bao bì đặc biệt, là thiết bị chịu áp lực, có liên quan mật thiết đến quá trình tồn trữ, sang chiết, nạp, vận chuyển và sử dụng. Vì vậy, có yêu cầu rất nghiêm ngặt trong thiết kế, chế tạo, kiểm định, về an toàn lao động, PCCC, an toàn trong chiết nạp, vận chuyển, sử dụng.

Tuy nhiên, thực trạng sang chiết gas lậu ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lành mạnh của thị trường gas, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng, gây thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, khiến nhà nước thất thu thuế và nghiêm trọng hơn là gây bất ổn an ninh, trật tự trong xã hội.

Như chúng tôi đã phản ánh trong nhiều bài viết trước đây, hiện nay đang tồn tại một số trường hợp doanh nghiệp cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng phương pháp chiếm đoạt vỏ chai LPG (sau đây gọi là bình gas) từ các doanh nghiệp khác đưa về cắt tai mài vỏ, giảm chi phí giá thành, trục lợi trái quy định pháp luật.

Theo đó, các vụ việc chiếm đoạt vỏ bình gas bị phát hiện hầu hết chỉ dừng ở mức xử lý hành chính, khiến tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật như trên vẫn diễn ra tràn lan.

Với bài viết này, hy vọng các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 quốc gia sớm vào cuộc, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật và có các hình thức xử lý thích đáng.


“Mài vỏ, cắt tai” bình gas tràn lan, quá nguy hiểm

Ngay trong 4 tháng đầu năm 2022, Công an kinh tế, quản lý thị trường đã bắt được 6 vụ với số lượng gần 150.000 vỏ bình gas loại 12kg trị giá gần 40 tỷ đồng (Vỏ bình gas đã khấu hao 50%, như vậy giá bình mới sẽ có giá trị ước tính là 80 tỷ đồng).

Có thể dễ dàng điểm tên một số vụ việc tiêu biểu trên khắp cả nước như: Vụ việc tạm giữ gần 100.000 vỏ bình gas tại kho của Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xuất nhập khẩu khí gas hoá lỏng Vạn Lộc, địa chỉ ở Lô CN4 – Khu công nghiệp Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội vào 28/3/2022;

img_20220329_125623-1307

Một lượng lớn vỏ bình PetroVietNam Gas tập kết trái phép tại Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xuất nhập khẩu khí gas hoá lỏng Vạn Lộc bị phát hiện vào tháng 3/2022.

Đầu tháng 5/2022, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Công an huyện Thường Tín tiến hành kiểm tra đối với điểm chiết, nạp LPG vào chai tại xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký và Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai theo quy định. Toàn bộ số hàng hóa cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, hợp đồng mua bán chai, hợp đồng thuê chai hoặc thỏa thuận về việc trao đổi chai với chủ sở hữu các loại chai LPG.

Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương cũng nhận được đơn trình báo của Công ty TNHH Khí hóa lỏng miền Trung (trụ sở tại Hà Tĩnh), phát hiện trong khuôn viên của ga tàu Dĩ An có hàng ngàn vỏ bình gas mang nhãn hiệu HA TINH PETROL GAS, GAZ DAT VIET, THANG LONG PETRO là tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty, hoặc tài sản mà Công ty được ủy quyền sử dụng.

Phát hiện trong khuôn viên của ga tàu Dĩ An có hàng ngàn vỏ bình gas mang nhãn hiệu HA TINH PETROL GAS, GAZ DAT VIET, THANG LONG PETRO

Phát hiện trong khuôn viên của ga tàu Dĩ An có hàng ngàn vỏ bình gas mang nhãn hiệu HA TINH PETROL GAS, GAZ DAT VIET, THANG LONG PETRO là tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Khí hóa lỏng miền Trung.

Ở các vụ việc trên, thủ đoạn chung của những đơn vị kinh doanh, trục lợi bất chính đó là sử dụng phương pháp thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau như mài chữ nổi trên vỏ bình của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường.

Thậm chí, một số doanh nghiệp còn tinh vi hơn như tận dụng bãi đỗ xe trống trải cách xa khu dân cư, các khu nhà trọ, bãi đất trống, để tiến hành sang chiết gas trực tiếp từ xe bồn chứa LPG vào bình gas được thu gom một cách nhanh chóng, tiện lợi thu gọn hiện trường…

Nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường trước hết ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, chất lượng của các bình gas bị chiếm dụng khi đã bị cắt tay sách mài vỏ không an toàn, nguy cơ cháy nổ cao.

Tiếp đó, việc làm này trở thành bất cập, gây thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và thất thu thuế nhà nước.

Lý giải về việc thu gom vỏ bình gas từ các doanh nghiệp khác rồi đưa về cắt tai mài vỏ, được biết đây hành vi trục lợi trái pháp luật nhằm giảm chi phí giá thành, thay vì đầu tư làm vỏ bình mới vốn có giá thành rất cao. Bằng thủ đoạn chiếm giữ này, doanh nghiệp kia sẽ làm giảm giá sản phẩm và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Một vỏ bình gas bị sơn lại và đổi tên thành thương hiệu khác.

Một vỏ bình gas bị sơn lại và đổi tên thành thương hiệu khác.

Theo chia sẻ từ một lãnh đạo kinh doanh Gas tại miền Trung, đơn vị của ông đã gánh những tổn thất không nhỏ trong thời gian qua vì có những doanh nghiệp bán phá giá thấp hơn giá đầu vào:

“Ví dụ, vừa qua, tổng chi phí giá thành một bình gas là 320.000 đồng mới có thể sinh lời, vậy mà có một số doanh nghiệp chỉ bán chỉ có 280.000 đồng/1bình . Dn đến  doanh nghiệp cũng phãi bán theo giá đó và chấp nhận lỗ,nếu không bán thì sẽ mất thị phần, mất cả vỏ bình.( là tài sản )

Doanh nghiệp chịu thiệt, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn khi sử dụng các bình gas bị cắt tai xách, mải vỏ, thay logo bởi những sản phẩm này đâu có ai kiểm tra, kiểm định vì được làm chui…. Có thể giá sản phẩm bình Gas thấp hơn 20,000 – 40.000 đồng. Nhưng sử dụng các bình Gas cắt tai xách mài vỏ không an toàn thì người dân sẽ đối mặt với nguy cơ cháy nổ cao, rất nguy hiểm.…”, đại diện doanh nghiệp cho biết thêm.

Liên tục bị xử lý, vì sao “cắt tai, mài vỏ” không chấm dứt

Để kinh doanh gas, thương nhân phải đầu tư rất lớn vào bình gas và bình gas là phương tiện để bán gas, là tài sản lớn của công ty kinh doanh.

Bên cạnh đó, chủ sở hữu bình phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đóng thuế, phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chi phí quảng bá thương hiệu, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định…

Chính vì vậy, tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ bình của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường.

hang-loat-vu-no-binh-gas-mam-hoa-cho-nhung-can-bep-den-tu-gas-la1

Hiện trường một vụ nổ bình gas. (Ảnh: Đời sống Pháp luật)

Việc làm này trở thành bất cập, các Công ty có sản lượng lớn, nhiều nhà máy sơn sửa vỏ, có cơ hội làm khó khăn, các công ty kinh doanh nhỏ, gây thiệt hại đến các  nhà kinh doanh gas chân chính, tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, Nhà nước thất thu thuế và là một trong các nguyên nhân gây ra cháy nổ.

Chủ doanh nghiệp còn bức xúc chia sẽ thêm, lý do tại sao các doanh nghiệp lại bán giá thấp hơn giá thành đầu vào! có thể các doanh nghiệp có những nguồn hàng không rõ nguồn gốc hoặc có những nguồn gas riêng mua các nhà máy lọc dầu giá rẻ để thống lĩnh thị trường, tạo sân chơi riêng.

Hàng loạt vụ việc bị phát hiện và xử lý mỗi năm, thế nhưng tình trạng “cắt tai, mài vỏ” vẫn cứ tái diễn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đến từ những “kẽ hở” trong các quy định pháp luật hiện nay.

Theo Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 đã ban hành: Theo đó, các vụ việc chiếm đoạt vỏ bình gas bị phát hiện hầu hết chỉ dừng ở mức xử lý hành chính, chưa có khung xử lý hình sự.

Điều này khiến tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật như trên vẫn diễn ra tràn lan, trong khi lợi nhuận từ việc ‘chiếm dụng bình gas’ là rất lớn.

Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 Về kinh doanh khí tại khoản 13, điều 3 quy định: “Chủ sở hữu chai LPG là thương nhân kinh doanh LPG được quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt chai LPG theo quy định của pháp luật”.

Để đảm bảo sự an toàn, quyền sở hữu trí tuệ Cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi “Chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi chai LPG không thuộc sở hữu” là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể điều 46 Nghị định số 87/2018/NĐ-CP quy định:

Điều 46. Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bị thu hồi trong các trường hợp:

g) Chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi chai LPG không thuộc sở hữu;

h) Thay đổi hình dạng, kết cấu, trọng lượng ban đầu của chai LPG trái phép: Thay chân đế, cắt quai xách; mài lô gô, thay đổi nhãn hiệu, seri; hàn gắn thêm kim loại; tráo đổi van đầu chai.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp.

Chính vì lý do trên, các doanh nghiệp thời gian qua đã có những kiến nghị Bộ Công Thương cần sửa đổi Nghị định 87, tạo cơ chế bình đẳng cho thị trường gas, lực lượng chức năng cần mạnh tay hơn trường hợp chiếm dụng, thu gom trái phép vỏ bình….

Cần có chế tài mạnh tay, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính

Trao đổi với PV, Luật sư Quách Thành Lực – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Việc làm sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, mài chữ nổi trên vỏ bình của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường… được thực hiện chui là vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ và đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Nếu hậu quả xảy ra sẽ vô cùng lớn”.

Việc kinh doanh gas theo Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 đã ban hành: Theo đó, các vụ việc chiếm đoạt vỏ bình gas bị phát hiện hầu hết chỉ dừng ở mức xử lý hành chính, chưa có khung xử lý hình sự. Vì vậy, các doanh nghiệp dù bị phát hiện sai phạm nhưng hầu hết chỉ bị xử lý hành chính. Và nếu như khung xử phạt chưa đủ sức răn đe, rất có thể một số cá nhân, tổ chức sẵn sàng “liều lĩnh” để vi phạm khi lợi nhuận là quá lớn”, Luật sư Quách Thành Lực phân tích.

gas-2-2132

Hình ảnh cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương phát hiện 5 đối tượng đang tiến hành sang chiết khí ga từ bồn chứa LPG loại 12 tấn sang các bình ga loại 12kg của các hãng khác nhau vào tháng 10/2021.

Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều vụ bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm. Nhưng với tính chất nguy hiểm của hành vi trên, cũng cần xem xét hoàn thiện các quy định của pháp luật để mang tính răn đe mạnh hơn, ngăn chặn các hành vi trái phép như đã nêu.

Ví dụ như sửa đổi Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 Về kinh doanh khí, hoàn toàn có thể kiến nghị bổ sung thêm các quy định như tăng nặng mức phạt hay xử lý hình sự các hành vi chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi bình Gas không thuộc sở hữu… từ đó tạo cơ chế bình đẳng cho thị trường”, Luật sư Quách Thành Lực đề xuất.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Việc “cắt tai, mài vỏ” bình Gas để trục lợi bên cạnh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp trên thị trường khi cạnh tranh, kinh doanh.

Tất cả các hành vi trái quy định pháp luật, cần phải được xử lý nghiệm khắc và có những quy định đủ tính răn đe thì mới đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, các doanh nghiệp chân chính tồn tại được” ”- Ông Long nói.

Theo nguồn tin riêng của PV, thời gian qua Bộ Công Thương đã nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp kinh doanh gas về những vụ việc trên. Sau khi tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ giao các đơn vị chuyên môn như Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường nghiên cứu đề xuất phương án sửa Nghị định 87, trên tinh thần bình đẳng, lành mạnh giữa các loại hình doanh nghiệp, bảo đảm an toàn, quyền lợi cho người tiêu dùng.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: Phapluatplus.vn