GS Furuta Motoo: Người yêu Việt Nam bằng tình yêu chung thủy
ANTD.VN - Là một nhà Việt Nam học, GS.TS Furuta Motoo gắn bó với đất nước hình chữ S từ cuối những năm 1960. Nói tiếng Việt bằng giọng lơ lớ, chậm rãi và có chút hài hước, Giáo sư cho biết, "tôi là người chung thủy nên yêu Việt Nam đến giờ này chưa thôi".
- Ra mắt cuốn sách chuyên khảo về hệ thống các quán Đạo giáo từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17
- Ra mắt cuốn sách “Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam”
- GS Tạ Ngọc Tấn ra mắt cuốn sách Bắn chỉ thiên tập hợp 94 tiểu phẩm báo chí
Nghiên cứu về lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam, đặc biệt là về chính trị, GS Motoo có 3 công trình đã được dịch sang tiếng Việt và được xuất bản tại Việt Nam là: “Hồ Chí Minh - Giải phóng dân tộc và đổi mới”; “Việt Nam trong lịch sử thế giới”; “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” - cuốn sách được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ.
Vừa qua, nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản cuốn sách thứ 4 của ông tại Việt Nam là “Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản”. Cuốn sách này trước đó được xuất bản tại Nhật Bản với tên gọi "Kiến thức cơ bản về Việt Nam", thể hiện đầy đủ quan điểm riêng của tác giả về dải đất hình chữ S- một việc mà GS Motoo ấp ủ từ rất lâu.
Khi bước chân vào giảng đường đại học, GS Motoo đã hướng đến Việt Nam như một lẽ tự nhiên, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt. Việt Nam khi đó như là tâm điểm của thế giới, với sự dõi theo của cộng đồng quốc tế. Chàng sinh viên trẻ đã bị hút theo ngọn cờ phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Anh nghĩ, nếu có thể hiểu về đất nước Việt Nam, anh có thể dễ dàng hiểu về thế giới. Đó chính là lý do lớn nhất, chàng sinh viên Motoo chọn Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu của mình.
![]() |
GS Furuta Motoo tại lễ giới thiệu cuốn sách "Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản" |
Nhưng, để nghiên cứu về Việt Nam cần biết tiếng Việt. Trong khi, Đại học Tokyo không có lớp học tiếng Việt và các thư viện công cộng tại Nhật Bản không có sách và tài liệu tiếng Việt. May mắn có một lớp học với giáo viên là du học sinh miền Nam Việt Nam và kể từ đó, chàng sinh viên Motoo bắt đầu học tiếng Việt. Ông đã mượn chiếc đài casstte, dò tần số tần số của Đài tiếng nói Việt Nam để lắng nghe các tin tức về đất nước này. Ông rất nhớ giọng của nữ phát thanh viên vang lên trên nền nhạc của bài "Diệt phát xít": "Đây là đài tiếng nói Việt Nam, phát thành từ Hà Nội, Thủ đô nước nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Ngay từ lúc đó, mảnh đất ông muốn đến đầu tiên khi đặt chân tới Việt Nam là Hà Nội.
Đúng như dự định, vào năm 1977, 2 năm sau khi Việt Nam hoàn toàn được giải phóng, ông đã lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam với tư cách là giảng viên dạy tiếng Nhật tại trường Đại học Ngoại thương. Nhưng thực tế của một đất nước nghèo nàn sau chiến tranh đã làm một người trẻ tuổi nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam như ông bị sốc.
Lúc bấy giờ, tại Hà Nội, phương tiện giao thông chủ yếu của người dân là xe đạp. Nhưng cách người Hà Nội tham gia giao thông mới thật sự làm người nước ngoài như GS Motoo ngạc nhiên. Đó là cách đi "tùy tiện, theo hướng mình muốn". Ví dụ, đang đi đường, ông thấy một người tự dưng giơ tay ra về hướng họ muốn rẽ, mà người Việt Nam gọi đó là "xin đường" và đột nhiên, người đó rẽ luôn, không cần biết người đằng sau có cho hay không, hoặc có để ý đến ám hiệu vừa rồi. Cho đến ngày hôm nay, dù phương tiện giao thông của Hà Nội đã nâng lên là xe máy, ô tô nhưng cách tham gia giao thông tùy tiện vẫn không thay đổi, nên mức độ nguy hiểm cao hơn.
![]() |
Ở Hà Nội từ năm 1977 đến 1980 là trước đổi mới, chiến tranh Việt Nam vừa kết thúc, kinh tế vẫn còn khó khăn, mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu cũ bén rễ ở miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh được áp dụng trên toàn quốc, song không đáp ứng được nguyện vọng của người dân mưu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống trong thời kỳ hòa bình. GS Motoo đã chứng kiến những căn hộ tập thể giữa trung tâm Hà Nội, là nơi người dân vừa ở vừa nuôi lợn, nuôi gà, kiếm thêm thu nhập. Hay việc lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán vẫn diễn ra đến ngày hôm nay. Có hôm, ông đang đi bộ trên phố, có xe cảnh sát đến dẹp buôn bán trái quy định ở đoạn có nhiều hàng cắt tóc vỉa hè. Ngay lập tức, những người cắt tóc gập bạt che, ôm gương, dụng cụ cắt tóc và ghế của khách hàng bỏ chạy. Trong số đó có một vị khách đang cắt tóc dở, vẫn còn quàng chiếc khăn mặt trên cổ bị bỏ lại giữa vỉa hè.
Nghiên cứu về Việt Nam, GS Motoo nhận thấy, người Việt Nam có tính cách mềm dẻo, linh hoạt với các tình huống rất giỏi, khác hẳn người Nhật Bản luôn giữ nguyên tắc và tôn trọng kỷ luật.
Ông hài hước nhận xét: "Về đặc tính tùy cơ ứng biến, mềm dẻo như "nước" của người Việt, chúng ta sẽ cảm thấy thuyết phục khi liên tưởng đến dòng chảy giao thông trên đường phố tại các đô thị lớn của Việt Nam, bởi những dòng ô tô, xe máy trên đường phố nhìn qua tưởng như không có trật tự và lao vào phần đường muốn đi, nhưng thực ra lại lưu thông theo một dòng chảy nhất định, không khác gì "nước".
GS Vũ Minh Giang chia sẻ, Motoo là người yêu Việt Nam sâu đậm. Thời đất nước khó khăn, những người từng làm việc với GS Motoo, mà có dịp sang đất nước mặt trời mọc gặp khó khăn. Chỉ cần gọi cho ông, dù là giữa đêm đông, ở ga tàu điện vắng vẻ nhất, ông cũng sẽ có mặt để giúp đỡ. GS Vũ Minh Giang đánh giá cao các công trình nghiên cứu của GS Motoo về chính trị Việt Nam, đặc biệt là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về cuốn sách thứ tư của GS Furuta Motoo, GS Vũ Minh Giang trân trọng sự chân thành và sâu sắc của tác giả dành cho đất nước Việt Nam. Dưới góc nhìn của mình, bằng lời văn bình dị, sinh động, sử dụng câu từ tiếng Việt khá chuẩn xác, cách đặt vấn đề không đao to búa lớn cùng với các tư liệu phong phú, cuốn sách của GS Furuta Motoo đã dẫn dắt người đọc đi trong không gian của một đất nước với đầy ắp những sự kiện gắn liền với từng thời kỳ nhưng lại không theo trình tự, bố cục truyền thống của một cuốn sách vẫn thường thấy đối với loại sách về đề tài này.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho rằng, cuốn sách không đơn thuần nhìn nhận Việt Nam qua lăng kính một chiều, mà cung cấp cho người đọc những manh mối để hiểu Việt Nam một cách đa chiều dựa trên bối cảnh lịch sử và xã hội. Nhờ vậy, nhiều độc giả Nhật Bản đã có cơ hội học hỏi sâu rộng hơn về Việt Nam. Việc xuất bản ấn bản tiếng Việt lần này giúp người dân Việt Nam nhìn nhận lại đất nước mình từ một góc nhìn mới, thông qua lăng kính của một học giả Nhật Bản.
GS.TS Furuta Motoo hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo https://www.anninhthudo.vn/gs-furuta-motoo-nguoi-yeu-viet-nam-bang-tinh-yeu-chung-thuy-post618096.antd