Ba cơ quan quản lý có "làm ngơ" để "thả cửa" cho doanh nghiệp dùng xe quá tải "băm nát" QL279 ở Điện Biên?

Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh tình trạng hàng loạt xe tải chở đá quá khổ, quá tải, chạy tốc độ cao, không che chắn bạt lộng hoành trên QL279 đoạn qua xã Pom Lót (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), đoạn đường xe đi qua bị “băm nát” và xuống cấp trầm trọng.

4
Nhiều đoạn trên QL279 đã xuống cấp, hư hỏng.

Nhiều đoạn trên QL279 đã xuống cấp, hư hỏng.

Được biết, hiện nay tại đoạn QL279 này có tới 3 đơn vị quản lý và thường xuyên tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện vi phạm gồm: Phòng CSGT - Công an tỉnh Điện Biên; Chi cục Quản lý đường bộ I.1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) và Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên.

1
Xe chở đá dấu hiệu quá khổ, quá tái, không che chắn phủ bạt vô tư chạy trên QL279.

Xe chở đá dấu hiệu quá khổ, quá tái, không che chắn phủ bạt vô tư chạy trên QL279.

Điều đáng nói, các đơn vị trên đều được trang bị cân di động điện tử, có thể linh hoạt kiểm tra nhanh các trường hợp vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát.

Để làm rõ vì sao tuyến đường này lại bị xuống cấp bởi vấn nạn xe quá tải, quá khổ chở đá lộng hành, PV đã liên hệ và trực tiếp làm việc với từng đơn vị liên quan và nhận được những câu trả lời khá bất ngờ. Đáng chú ý, các đơn vị đều cùng cho rằng, đã thường xuyên bố trí lực lượng, cán bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trọng tải xe tại đoạn đường trên, nhưng lại chưa phát hiện ra vi phạm, cũng như chưa đưa ra được con số cụ thể các trường hợp bị xử lý.

10
9
Khu vực mỏ khai thác đá bụi mù do không có hệ thống dập bụi.

Khu vực mỏ khai thác đá bụi mù do không có hệ thống dập bụi.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Sỹ, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên xác nhận nội dung báo phản ánh là có thực. Ông Sỹ thừa nhận, “Việc để xảy ra tình trạng trên, ở góc độ quản lý nhà nước có một phần trách nhiệm của ngành giao thông tỉnh”.

Theo ông Sỹ, hiện nay, việc kiểm soát trọng tải xe trên QL279 có 3 lực lượng: Thứ nhất là lực lượng thanh tra giao thông của Chi cục Quản lý đường bộ I.1 được uỷ thác quản lý; thứ 2 lực lượng thanh tra giao thông của ngành giao thông tỉnh theo địa bàn quản lý; thứ 3 lực lượng CSGT công an tỉnh liên quan đến trật tự và bảo đảm ATGT.

Đối với Sở GTVT, trong năm 2022, lực lượng thanh tra Sở bắt đầu kiểm tra từ tháng 3, song đến nay chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm?

14

Xe chở đá từ mỏ ra có ngọn nhưng không hiểu vì sao Sở GTVT tỉnh Điện Biên lại không phát hiện ra trường hợp vi phạm nào?

Ở một diễn biến khác, PV đã có cuộc trao đổi với phía Phòng CSGT - Công an tỉnh Điện Biên cũng thừa nhận, việc để xảy ra tình trạng trên có một phần trách nhiệm của Phòng CSGT tỉnh.

Được biết, thời gian qua Phòng CSGT thường xuyên cắt cử lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông tại tuyến đường trên.

Tuy nhiên, khi PV yêu cầu cung cấp số liệu về kiểm tra, xử lý các trường hợp xe chở đá vi phạm, thì phía Phòng CSGT tỉnh Điện Biên chỉ đưa ra những con số chung chung của toàn tỉnh, lại không có trường cụ thể nào bị xử lý tại đoạn đường mà Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh.

Theo ông Lò Trung Kiên, Trưởng Phòng CSGT tỉnh Điện Biên thông tin: Hiện, tại khu vực xã Pom Lót có một nhà máy xi măng và một số mỏ đá thuộc xã Na Ư chạy sang, với cung đường khoảng 5 – 7km, chủ yếu các xe chở đá này cung cấp vật liệu cho nhà máy xi măng. Trước phản ánh của báo chí, thời gian tới, lực lượng sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với các trường hợp xe chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, với quan điểm không có ngoại lệ.

Để làm rõ trách nhiệm quản lý của từng đơn vị PV đã tiếp tục trao đổi với ông Phạm Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ I.1, thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ông Toản xác nhận tình trạng xe chở đá quá khổ, quá tải từ khu vực mỏ đá xã Na Ư đến Nhà máy Xi măng Điện Biên đoạn qua (xã Pom Lót, huyện Điện Biên) làm đường xuống cấp chúng tôi đã nắm được. Tại tuyến đường trên Chi cục có lực lượng tuần kiểm, quản lý, thường xuyên nắm thông tin và báo cáo về. Còn hàng ngày đều có lực lượng tuần đường của Công ty 226 là đơn vị nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đi qua.

Theo ông Toản, liên quan đến nội dung báo phản ánh, trước đó phía Chi cục đã làm việc với Ban an toàn giao thông của tỉnh Điện Biên và Sở GTVT tỉnh. Chủ yếu xe chở đá quá tải chạy từ mỏ đá chỗ Tây Trang (xã Na Ư) về đến nhà máy xi măng. Từ giờ đến cuối năm Chi cục đang đề nghị sửa chữa một số đoạn mặt đường xấu, bị nát để kỷ niệm giải phóng Điện Biên.

12

Sau khi ăn đá từ các mỏ khai thác, các xe chở đá về tập kểt tại nhà máy xi măng Điện Biên.

Hiện nay, tại địa bàn xã Na Ư có 4 mỏ đá của 4 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Đầu tư công nghiệp Tây Bắc; Công ty CP Đầu tư thương mại Hưng Long; Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh; Công ty CP Mỏ đá Xi măng Điện Biên. Từ đây, rất nhiều xe tải chở đá với nhiều tải trọng khác nhau hoạt động liên tục di chuyển qua QL279.

Điều đáng nói, một tuyến đường có tới 3 đơn vị quản lý và thường xuyên tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tuy nhiên tình trạng xe chở đá quá khổ, quá tải vẫn diễn ra ngang nhiên giữa “thanh thiên bạch nhật” suốt thời gian dài. Điều này dấy lên câu hỏi “có hay không” việc “thả cửa” cho hành động làm sai của doanh nghiệp, tại sao không bị xử lý dứt điểm. Đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác đá và Nhà máy Xi măng Điện Biên.

Dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu khi để tình trạng trên diễn ra suốt nhiều năm qua? Đến bao giờ vấn nạn này mới được chấm dứt? Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi không thể giải quyết dứt điểm được thực trạng này?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.  

Nguồn: Phapluatplus.vn