Beton 6 nối dài chuỗi ngày thua lỗ dưới thời Chủ tịch Trịnh Thanh Huy

Mới đây, Công ty CP Beton 6 (UPCoM: BT6) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024, tiết lộ một bức tranh ảm đạm về kết quả kinh doanh khi công ty tiếp tục nối dài chuỗi ngày thua lỗ triền miên.

Trong quý 2/2024, Beton 6 ghi nhận doanh thu thuần đạt vỏn vẹn gần 16 tỷ đồng, tuy vậy con số này cũng đã tăng mạnh gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 1,3 tỷ đồng, trong khi con số này trong quý 2/2023 chỉ là gần 63,8 triệu đồng.

Beton 6 nối dài chuỗi ngày thua lỗ dưới thời Chủ tịch Trịnh Thanh Huy
Hình minh họa.

Tuy nhiên, chi phí tài chính trong kỳ của Beton 6 đã tăng mạnh lên gần 32,7 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần so với cùng kỳ, toàn bộ đều là chi phí lãi vay.

Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 33%, lên mức 2,4 tỷ đồng. Doanh nghiệp không ghi nhận phát sinh ch phí bán hàng trong kỳ.

Kết quả, Beton 6 ghi nhận lỗ sau thuế 41,6 tỷ đồng trong quý này, tăng mạnh so với mức lỗ 12,9 tỷ đồng của quý 2/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Beton 6 ghi nhận doanh thu thuần hơn 23,8 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 42 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm ngày 30/6/2024, công ty đã lỗ lũy kế lên tới 1.361 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu âm 959 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản của Beton 6 vào cuối quý 2/2024 đạt 184 tỷ đồng, trong khi dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi không thay đổi so với hồi đầu năm, vẫn giữ ở mức 494 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Beton 6 hiện ở mức 1.143 tỷ đồng, tăng 48 tỷ đồng so với hồi đầu năm, toàn bộ đều là nợ ngắn hạn. Trong đó, nợ vay chiếm gần 340 tỷ đồng, còn lại hầu hết là các khoản phải trả ngắn hạn khác, không được Công ty thuyết minh chi tiết.

Chân dung Chủ tịch Trịnh Thanh Huy

Về Chủ tịch Trịnh Thanh Huy, ông được biết đến là một doanh nhân nổi tiếng với nhiều khoản đầu tư lớn, ngoài ra ông còn được chú ý khi là người đã cùng ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh gây dựng Tập đoàn Masan tại Nga cũng như khi trở về Việt Nam.

Ông từng đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Masan từ năm 1997 đến 2002, là cựu Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Bình Thiên An, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm thành viên Hội đồng sáng lập Công ty CP Thương mại Đầu tư HB. Từ năm 2009, ông Huy đã gia nhập Hội đồng quản trị của Beton 6 và hiện là lãnh đạo cao cấp duy nhất còn tại nhiệm từ thời điểm đó.

Beton 6, tiền thân là Công ty Bê tông 620 Châu Thới thuộc Bộ Giao thông Vận tải, được thành lập vào năm 1958, doanh nghiệp này chuyên cung cấp cấu kiện bê tông đúc sẵn, bê tông tươi và vật liệu xây dựng.

Từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, Beton 6 cổ phần hóa vào năm 2020 và cũng là một trong những đơn vị tiên phong chào sàn từ đầu năm 2002, thời điểm đó công ty này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Beton 6 bắt đầu sa sút từ sau những năm 2010 - 2011, tên tuổi Beton 6 lúc bấy giờ gần như "biến mất" trên thị trường. Năm 2015, Beton 6 hủy niêm yết trên HOSE với lý do tập trung vào việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển doanh nghiệp.

Dù vậy, thời gian sau đó tình trạng hoạt động Công ty càng thêm "bết bát", đến năm 2017, Beton 6 chính thức báo lỗ trước thuế 139 tỷ đồng và liên tục thua lỗ từ đó tới nay.

Đến năm 2019, Beton 6 đã phải gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tới TAND tỉnh Bình Dương do mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Đến tháng 1/2020, TAND tỉnh Bình Dương đã quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty. Trong tháng 11/2022, TAND tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị chủ nợ, nơi mà các bên đã chủ trương quyết định phương án phục hồi cho công ty. Các chủ nợ đã yêu cầu Beton 6 gửi phương án phục hồi chi tiết trước khi tổ chức lại hội nghị chủ nợ để đưa ra quyết định cuối cùng.

Nguồn: Kinh tế chứng khoán