Bình Phước: Đề xuất hàng loạt giải pháp khơi thông nguồn lực để phát triển bền vững

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước. Ảnh: TTXVN

Trong chuyến thăm và làm việc chiều ngày 20/3 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các thành viên của Chính phủ gồm: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Đào Ngọc Dung; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên và môi trường, Bộ GTVT,  Bộ Xây dựng; phía địa phương có ông Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí thường vụ, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của tỉnh.

Đoàn Chính phủ làm việc với tỉnh Bình Phước về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; định hướng, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các năm tiếp theo.

Năm 2021 là năm đầy khó khăn, thử thách bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực cao, quyết liệt khắc phục khó khăn, thử thách, thực hiện đồng bộ, hiệu quả và đã đạt được kết quả hết sức tích cực với 20/25 chỉ tiêu đạt được và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,32% (cao nhất vùng Đông Nam Bộ); thu ngân sách đạt 13.675 tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2020); xuất khẩu đạt 3,75 tỷ USD (đạt 120,9% kế hoạch năm và tăng 22% so với cùng kỳ); thu hút được 63 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn là 514 triệu USD (đạt 128,5% kế hoạch); các dự án hạ tầng, nhất là giao thông tiếp tục được quan tâm đầu tư, hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh, liên vùng. An ninh, quốc phòng được giữ vững; văn hóa - xã hội được quan tâm; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường.

Theo định hướng năm 2022, Bình Phước phấn đấu đạt tổng sản lượng trên địa bàn (GRDP) 7 - 7,5%; tổng đầu tư đạt 36.300 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 3,85 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 10.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 400 triệu USD.

Theo đó, Bình Phước cũng đề xuất với Đoàn Chính phủ một số nội dung: quy hoạch sử dụng đất quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025); Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 753; xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải; Dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước) và Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Đáng lưu ý, các đại biểu thảo luận về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, đầu tư nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông liên kết vùng để Bình Phước và các tỉnh trong khu vực phát huy tính tự lực, tự cường, phát triển nhanh và bền vững.

Kết thúc buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tỉnh Bình Phước có diện tích lớn nhất vùng Nam Bộ, xếp 16/63 cả nước; là địa bàn chiến lược quan trọng kết nối các tỉnh Tây Nguyên với TP HCM, vùng Đông Nam Bộ có đường biên giới dài 260 Km với Campuchia; đất rộng, người thưa, địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ; nhân dân Bình Phước có truyền thống Cách mạng, anh dũng, kiên cường, hài hòa, thân thiện, yêu lao động, khát khao làm giàu. Bình Phước có đủ điều kiện phát triển toàn diện, phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát những tuyến đường giao thông đường bộ tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát những tuyến đường giao thông đường bộ tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, có nhiều thành tựu, nhưng Bình Phước còn không ít khó khăn, hạn chế: tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô kinh tế còn nhỏ; đời sống nhân dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa; cơ chế , chính sách còn hạn hẹp; kết nối giao thông rất hạn chế, nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; hạ tầng xã hội còn khó khăn; sử dụng đất chưa hiệu quả; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp.

Phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, Bình Phước phải xác định, chủ động để có sự chuẩn bị, giải pháp, tổ chức thực hiện tốt hơn, phát huy tính tự lực, tự cường đi lên bằng bàn tay, khối óc của mình, khắc phục những hạn chế, yếu kém; tăng thu, giảm chi, tập trung chi cho đầu tư phát triển; xác định trọng tâm, trọng điểm, lợi thế của mình. Thủ tướng cũng yêu cầu Bình Phước tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ”; thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với trọng tâm là 3 đột phá chiến lược: hạ tầng, cải cách thủ tục hành chánh và phát triển nguồn nhân lực.

Song song đó, Bình Phước cần nghiên cứu, nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của khu vực, cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp. phấn đấu sớm đưa Bình Phước trở thành một  trung tâm động lực phát triển quan trọng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía nam. Tỉnh phải chú trọng công tác quy hoạch, trong đó, mở rộng các Khu công nghiệp tập trung; phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số; đa dạng hóa nguồn lực, thực hiện mô hình hợp tác công tư để phát triển giao thông; đồng thời, phải coi trọng công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Đề nghị Bình Phước phát huy tinh thần tự lực, tự cường; mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, khoa học hơn nữa, phát triển nhanh, phát triển xanh phát triển hiện đại, phát triển có hiệu quả, bền vững và bao trùm”.

Nguồn: Phapluatplus.vn