Các lãnh đạo phương Tây từ chối xét nghiệm tại Nga vì sợ lộ bộ gene

Các lãnh đạo phương Tây từ chối xét nghiệm tại Nga vì sợ lộ bộ gene ảnh 1

Hình thức “ngoại giao bàn dài” gây chú ý dư luận trong thời gian gần đây

Hóa ra “chiếc bàn dài kỳ cục” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin dùng để tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong các cuộc hội đàm nhằm làm giảm căng thẳng cuộc khủng hoảng với Ukraine không phải là biểu tượng của mối quan hệ xấu đi giữa Nga và phương Tây như một số người suy đoán. Thay vào đó, việc các lãnh đạo ngồi cách xa tới 6m chỉ là biện pháp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19, vì hai nguyên thủ Đức và Pháp từ chối xét nghiệm PCR của Điện Kremlin.

Tờ Sueddeutsche Zeitung (Đức) đưa tin, Thủ tướng Olaf Scholz đã từ chối xét nghiệm PCR do Điện Kremlin cung cấp, thay vào đó là thực hiện xét nghiệm tại Đại sứ quán Đức trước khi gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 15-2. Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin xác nhận, Thủ tướng Đức Scholz không thực hiện xét nghiệm của Nga, nhưng đó chỉ là biện pháp phòng ngừa được thực hiện để bảo vệ sức khỏe của các nhà lãnh đạo. Người phát ngôn này cũng nói rằng, Matxcơva tôn trọng quy trình xét nghiệm của các nước khác và điều đó không ảnh hưởng đến bản chất của cuộc hội đàm giữa ông Scholz và ông Putin.

Tuần trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã từ chối xét nghiệm PCR bổ sung do các bác sĩ Nga thực hiện trước cuộc gặp với ông Putin. Ông Peskov không nói chi tiết về lý do Tổng thống Macron từ chối xét nghiệm, nhưng Reuters dẫn nguồn tin cho biết, Văn phòng Tổng thống Pháp không muốn người Nga có được “DNA của Tổng thống Macron”. Người ta thậm chí thêu dệt rằng, DNA của ông Macron nếu lọt ra ngoài sẽ có thể bị nhân bản, sau đó bất cứ điều gì khó tưởng tượng sẽ xảy ra.

Ngày nay, việc xét nghiệm DNA được thực hiện vì nhiều lý do, từ sự tò mò đơn thuần về bộ gene của một người cho đến những câu chuyện gia đình đầy kịch tính với các vấn đề quan hệ huyết thống nhạy cảm. Việc từ chối xét nghiệm PCR liệu có thể do lãnh đạo Pháp và Đức sợ người Nga sẽ tiết lộ một số bí mật về gia phả của mình? Nếu không phải lý do này, kết quả phân tích DNA trên hết cung cấp nhiều thông tin chi tiết về bản thân người đó. Họ ăn gì để khỏe mạnh hơn? Môn thể thao nào phù hợp? Cấu tạo gene có dẫn đến một số bệnh thường gặp hay không? Điểm mạnh và điểm yếu của của cơ thể là gì? Hóa ra, những câu hỏi kiểu như vậy có thể được trả lời nhờ một số nhà khoa học xem xét kỹ các mẫu DNA. Hãy tưởng tượng rằng, Điện Kremlin phát hiện ra tất cả những điểm yếu được ghi vào mã di truyền của nguyên thủ nước ngoài, những nhà lãnh đạo của các quốc gia phương Tây chắc chắn sẽ không muốn xảy ra tình huống đó.

Cuối cùng, các cuộc đàm phán về Ukraine theo nghi thức “ngoại giao bàn dài” này đã kết thúc với việc các bên tìm ra điểm chung và gợi ý về các cuộc đối thoại mới trong tương lai. Và tất nhiên, DNA của Tổng thống Pháp cũng như Thủ tướng Đức vẫn... an toàn. Có lẽ các nhà lãnh đạo phương Tây đã thận trọng quá mức. Điều đó là dễ hiểu bởi họ luôn dè chừng trước sức mạnh tiềm ẩn của người Nga. Nhưng liệu điều này có khiến các nhà lãnh đạo thế giới đã đến thăm Điện Kremlin trước ông Macron cảm thấy giật mình? Bởi trước đó, Tổng thống Putin đã tiếp Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào đầu tháng 2-2022 và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vào cuối tháng 1-2022 nhưng chi tiết hậu trường về việc xét nghiệm PCR không được nhắc đến.

(Theo Sputnik)

Nguồn: Anninhthudo.vn