Cổ phiếu HUT "phá đỉnh", Tasco làm ăn ra sao?

Cổ phiếu tăng giá gấp đôi kể từ đầu năm

Bất chấp những diễn biến ảm đạm từ thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý đầu năm 2022, cổ phiếu HUT của Công ty CP Tasco vẫn ngược dòng tỏa sáng khi bật tăng mạnh mẽ trong thời gian ngắn.

Nếu chỉ tính riêng từ đầu năm 2022, cổ phiếu HUT tăng gần 2,3 lần, từ mốc 20.800 đồng/cổ phiếu (phiên 31/12/2021) lên ngưỡng 46.500/cổ phiếu (phiên 16/3/2022).

cổ phiếu HUT của Tasco tăng dựng đứng gần 700% trong một năm gần nhất. Nguồn: Tradingview.

Giá cổ phiếu HUT của Công ty CP Tasco tăng dựng đứng trong thời gian ngắn. Nguồn: Tradingview.

Tính xa hơn trên biểu đồ giá hàng ngày, thị giá HUT cách đây nửa năm mới dao động quanh vùng 10.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng chỉ với chuỗi phiên tăng ấn tượng, cổ phiếu này đã tăng một mạch hơn 400% để đạt mức như hiện tại.

Với thị giá kể trên, hiện cổ phiếu của Công ty CP Tasco được định giá với mức vốn hóa hơn 16.000 tỷ đồng. Đây cũng là mức đỉnh lịch sử của “trùm BOT” này từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đi kèm với đà tăng của chỉ số, thanh khoản cổ phiếu này cũng tăng mạnh lên hơn 5,1 triệu đơn vị khớp lệnh trong phiên 16/3.

Trước diễn biến trên, không ít nhà đầu tư tò mò điều gì khiến giá cổ phiếu HUT tăng mạnh trong thời gian gần đây?

Năm 2021 lãi lớn, chấm dứt 6 quý liên tiếp lỗ ròng rã

Công ty CP Tasco tiền thân là đội cầu Nam Hà, được thành lập năm 1971. Ngày 26/12/2007, Công ty đổi tên thành Công ty CP Tasco.

Doanh nghiệp được biết đến với cái tên "trùm BOT" khi mạnh tay đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trải dài từ Bắc đến Nam, có thể kể đến như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua TP Hải Phòng; đoạn qua tỉnh Thái Bình; dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1; dự án xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến đường 70 (Hà Nội); dự án xây dựng công trình nâng cấp đường tỉnh 39B Thái Bình… Ngoài ra, VETC - đơn vị triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc cũng là công ty con của Tasco với tỷ lệ sở hữu 97,8%.

Những dự án BOT khi đó được xem là "gà đẻ trứng vàng" mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho Công ty CP Tasco.

157023902252822-thumbnail

Hình ảnh có tính chất minh họa (Nguồn: VnFinance)

Hoạt động kinh doanh bất động sản cũng là một trong những mảng kinh doanh chính của Công ty CP Tasco. Quỹ đất của Công ty CP Tasco chủ yếu ở thị trường Hà Nội, như Khu đô thị sinh thái Foresa Villa (38 ha); Dự án South Building Pháp Vân (2.173 m2); Dự án chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng (2.800 m2); Khu đô thị sinh thái Mỹ Đình - Nam Từ Liêm (49 ha); Dự án nhà ở cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao (13,687 m2)…

Năm 2016, Công ty CP Tasco ghi nhận doanh thu 2392,42 tỷ đồng, lãi ròng hơn 401 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

Nhưng trên đỉnh vinh quang chưa được bao lâu thì tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này đã lao dốc mạnh từ năm 2018.

Cho đến trước quý IV/2021, Công ty CP Tasco đã trải qua tới 6 quý lỗ ròng rã. Đỉnh điểm là trong năm 2020, doanh thu thuần của Tasco chỉ đạt hơn 761,6 tỷ đồng, lỗ sau thuế lên đến hơn 243,4 tỷ đồng.

cc

Loạt dự án bất động sản được Công ty CP Tasco giới thiệu trên website công ty.

Tình hình kinh doanh của Công ty CP Tasco bất ngờ có sự khởi sắc khi ngược dòng báo lãi trong quý cuối năm ngoái.

Doanh thu thuần quý 4/2021 của doanh nghiệp đạt 246 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm 33% giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh lên mức 78 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ gộp 36 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động thu phí vẫn là mảng chủ lực mang lại nguồn thu lớn nhất cho Tasco với hơn 172 tỷ đồng. Còn lại là doanh thu đến từ mảng bất động sản (15 tỷ đồng), cung cấp dịch vụ (49 tỷ đồng) và hợp đồng xây dựng (10 tỷ đồng) cũng đều tăng trưởng so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, doanh thu tài chính trong quý 4 của Công ty CP Tasco tăng đột biến lên 218 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt vỏn vẹn hơn 500 triệu đồng. Kết quả, chấm dứt 6 quý thua lỗ liên tiếp, Công ty CP Tasco đã lật ngược tình thế với khoản lãi sau thuế đạt 177 tỷ đồng trong quý 4/2021, tăng mạnh so với khoản lỗ 153 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.

1-1635407007284397088153

Công ty CP Tasco trải qua 6 quý liên tiếp lỗ (từ quý 2/2020 đến quý 3/2021), trước khi có lợi nhuận dương vào quý 4/2021. (Ảnh: Cafef)

Theo lý giải của ban lãnh đạo Công ty CP Tasco, lý do giúp lợi nhuận quý 4/2021 tăng đột biến là nhờ các mảng kinh doanh đều đã hồi phục và tăng trưởng, từ thu phí đường bộ, y tế đến VETC đều có tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong giai đoạn này, công ty cũng thực hiện chính sách tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong thời kỳ dịch bệnh.

Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính cao đột biến là nhờ công ty đã thực hiện thoái vốn các khoản đầu tư không trọng tâm, qua đó mang lại lợi nhuận tài chính lớn.

Tính chung cả năm 2021, doanh thu của Công ty CP Tasco đạt hơn 870 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 48 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với khoản lỗ khổng lồ 243,4 tỷ đồng trong năm 2020.

Lấn sân sang BĐS cao cấp, phân phối ô tô

Mới nhất, HĐQT Công ty CP Tasco đã thông qua chủ trương thành lập công ty con - Công ty TNHH Tasco Land  để phát triển các dự án bất động sản cao cấp.

Cùng với đó, thông qua Tasco Land, “trùm BOT” sẽ đầu tư vào Công ty CP Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay (NVT) - nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp với dự án Sixsences Ninh Vân Bay; Ana Mandara Đà Lạt Resort.

Liên quan tới hoạt động cơ cấu vốn tại các công ty thành viên, tháng 2 vừa qua, Công ty CP Tasco đã thông qua kế hoạch tăng vốn để hoán đổi 100% cổ phần tại Công ty TNHH SVC Holdings (chủ sở hữu Savico - Công ty bất động sản và phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam).

Đây là thương vụ đầu tư đáng chú ý khi Công ty TNHH SVC Holdings cũng là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối ô tô khi bán ra 1/10 lượng ô tô tại Việt Nam.

Trung tâm thương mại Savico Maill Long Biên.

Trung tâm thương mại Savico Maill Long Biên.

Thông qua Savico, Công ty TNHH SVC Holdings đang sở hữu và tham gia đầu tư nhiều dự án bất động sản như Trung tâm thương mại Savico Megamall tại Hà Nội (4,6 ha); Savico Đà Nẵng (4.739 m2); Mại Savico Cần Thơ (2.849 m2); Khu dân cư Long Hoà Cần Giờ (29,8 ha); Khu phức hợp Savico Nam Cẩm Lệ (2,1 ha); Savico Phổ Quang (9.028 m2); Dự án Mercure Sơn Trà (5,76 ha); Văn Phòng 91 Pasteur (1.604 m2)...

Ở chiều ngược lại, Công ty CP Tasco đã thoái vốn khỏi lĩnh vực y tế với việc chuyển toàn bộ vốn nắm giữ tại Công ty CP Bệnh viện mắt Hà Nội Cơ sở 2 sang công ty con - Công ty TNHH T’Hospital, sau đó, thoái toàn bộ vốn khỏi T’Hospital.

Trước đó, tháng 12/2021, HĐQT Công ty CP Tasco đã thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần/vốn góp tại các công ty con/công ty liên kết.

Doanh nghiệp này đặt kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần/phần vốn góp tại 7 đơn vị thuộc các lĩnh vực hoạt động cần tái cấu trúc với giá trị thoái vốn tối thiểu là 600 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty CP Taso muốn thoái hết vốn tại 3 công ty con gồm Tasco Thành Công, Tasco Nam Định, An Nhiên Foods và 4 công ty liên doanh, liên kết: Bất động sản Thái An, Tasco Thăng Long, D-Tech và Tổng công ty Thăng Long.

KTNN từng “điểm tên” Công ty CP Tasco trong loạt dự án BT sai phạm

Như Pháp luật Plus trước đây từng đăng tải, trong văn bản Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2018 gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều sai tại dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương do Công ty CP Tasco làm chủ đầu tư.

Cụ thể, dự án lựa chọn chủ đầu tư là Công ty CP Tasco không đủ năng lực tài chính, thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt, thương thảo, ký hợp đồng chưa đảm bảo quy định… là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách.

IMG_3879

Tại dự án này, mặc dù hợp đồng ký thống nhất tiền sử dụng đất đối ứng với giá trị dự án BT theo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm ký kết Hợp đồng BT và giá không đổi, nên không có yếu tố dự phòng. Nhưng do áp dụng phương pháp thặng dư qui định tại Thông tư số 145/2007 và Thông tư số 36/2014 nên vẫn xác định phí phát triển bao gồm cả dự phòng 323,2 tỷ đồng làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp tương ứng 323,2 tỷ đồng.

Trong quá trình thi công dự án, Công ty CP Tasco đã bị chỉ ra nhiều vi phạm trong tính toán áp dụng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi phí, khối lượng của nhiều hạng mục (dẫn tới tổng mức đầu tư của dự án bị đội thêm 437 tỷ đồng) vào năm 2012.

Cuối năm 2018, thông báo kết quả kiểm toán cũng đã kết luận, nhà đầu tư dự án được lựa chọn là Công ty CP Tasco còn thiếu năng lực về tài chính. Chi phí xây lắp trong tổng mức đầu tư ban đầu còn sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá như các kết luận mà cơ quan thanh tra đã chỉ ra và như số liệu chệnh lệch mà KTNN phát hiện.

Thực hiện các kết luận thanh tra, chủ đầu tư đã chỉnh sửa và phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, trong đó chi phí xây lắp giảm 402,5 tỷ đồng so với quyết định phê duyệt ban đầu. Dự án đã hoàn thành vào tháng 4/2018 nhưng khi phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh theo quyết định của Công ty CP Tasco vào tháng 5/2018 vẫn bao gồm chi phí dự phòng.

Theo KTNN, những sai sót đó dẫn tới việc ký kết giá trị hợp đồng BT ban đầu thường có giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế thực hiện đã được quyết toán hoặc KTNN xác định trong phần giá trị hợp đồng BT.

Dự án có con số báo cáo là 1.543,6 tỷ đồng, trong khi giá trị KTNN xác nhận lại chỉ hơn 946,5 tỷ đồng (chênh lệch gần 600 tỷ đồng).

Ngoài ra, dự án còn chậm tiến độ theo điều khoản hợp đồng BT đã ký, không đáp ứng được yêu cầu sự cần thiết của dự án. Việc giao đất thực hiện dự án đối ứng để thanh toán hợp đồng BT còn nhiều bất cập.

Nguồn: Phapluatplus.vn