Công an cầm vật giống súng “giao tiếp” với người dân là chưa phù hợp và đúng đắn

Như Pháp luật Plus đã thông tin trước đó về vụ việc trên mạng xã hội Facebook đang lan truyền một video ghi lại cảnh nói chuyện giữa người dân và lực lượng công an. Căn cứ nội dung video, nơi xảy ra sự việc và được quay lại là tại xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Theo đó, video này dài khoảng 5 phút do một nam thanh niên quay lại khi người này vào trụ sở của Công an xã Thành Công (nằm trong trụ sở của UBND xã Thành Công), huyện Khoái Châu và yêu cầu được vào làm việc với người thân.

Bản thân người thanh niên này đã nói rõ “tôi được uỷ quyền để đến đây làm việc”. Tuy nhiên, lực lượng công an xã không đồng ý và yêu cầu người này ra ngoài. 

Mặc dù người thanh niên quay video liên tục nói là chỉ đứng đây, không cản trở ai làm việc nhưng lực lượng công an vẫn cương quyết yêu cầu người quay video ra khỏi trụ sở.

Đáng chú ý trong số đó, có một người mặc sắc phục công an, theo lời đọc của người quay video có biển tên Lê Thanh Hà, mã số 342-100 đã vừa cầm điện thoại để ghi hình, vừa cầm một vật có hình dạng giống khẩu súng vung vẩy trong khi nói chuyện, giao tiếp với người dân.

9

Một người mặc sắc phục công an, theo lời đọc của người quay video có biển tên Lê Thanh Hà, mã số 342-100 đã vừa cầm điện thoại để ghi hình, vừa cầm một vật có hình dạng giống khẩu súng vung vẩy trong khi nói chuyện, giao tiếp với người dân. (Ảnh chụp từ video)

Trao đổi với Pháp luật Plus theo Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho rằng:

Đoạn clip công an cầm súng yêu cầu công dân ra khỏi trụ sở UBND xã Thành Công, huyện Khoái Châu chỉ thể hiện từ thời điểm công an yêu cầu công dân ra ngoài. Các thông tin trước thời điểm này về hành động của công dân có sai phạm gì, mức độ ra sao mà dẫn tới phản ứng của chiến sỹ công an không được ghi nhận.

Dù là công dân hay chiến sỹ công an nhân dân thì pháp luật đều quy định quyền nghĩa vụ, các ứng xử chuẩn mực và tương ứng với từng tình huống nhất định.

Với việc yêu cầu công dân ra khỏi trụ sở.

Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân ghi nhận chiến sỹ công an nhân dân khi ứng xử cần:

Điều 40. Ứng xử khi giao tiếp với nhân dân

1. Khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo; thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, của Ngành; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không gây khó khăn, phiền hà với nhân dân.

Điều 41. Ứng xử khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật

Khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm.

10

Luật sư Quách Thành Lực.

Luật Tiếp công dân năm 2013 ghi nhận :

Điều 9. Những trường hợp được từ chối tiếp công dân Người tiếp công dân được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp sau đây:

2. Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân; Nếu công dân không có giấy ủy quyền hợp pháp hoặc vi phạm nội quy tiếp công dân hoặc không đủ điều kiện tham gia một vụ việc đang được giải quyết tại UBND xã, do Công an xã chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh thì chiến sỹ công an có quyền yêu cầu người này không thực hiện, chấm dứt các hoạt động cản trở công việc của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên việc yêu cầu công dân ra khỏi phạm vi trụ sở UBND sẽ là một ứng xử không thực sự phù hợp, gây phản ứng tiêu cực trong dư luận.

Về việc sử dụng công cụ hỗ trợ.

Khoản 11, điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.

Trong đó, súng bắn điện, súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, phương tiện xịt hơi cay, chất gây mê, chất gây ngứa... là công cụ hỗ trợ.

Điều 61 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định Sử dụng công cụ hỗ trợ như sau:

1. Người được giao công cụ hỗ trợ khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này và được sử dụng trong trường hợp sau đây:

a) Trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này;

b) Ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

c) Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

d) Ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ, làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy;

đ) Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.

2. Người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng công cụ hỗ trợ đã tuân thủ quy định tại Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp sử dụng công cụ hỗ trợ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu công dân trong clip thuộc một trong các trường hợp trên thì chiến sỹ công an mới được phép sử dụng công cụ hỗ trợ. Sử dụng công cụ hỗ trợ được hiểu theo nghĩa rộng là khai thác mọi tính năng, tác dụng của công cụ hỗ trợ chứ không thể hiểu theo nghĩa hẹp là nổ súng.

Trong clip này có thể thấy phản ứng của cả hai bên đều thực sự chưa đúng đắn, phù hợp các các quy định pháp luật.

Nguồn: Phapluatplus.vn