Công nhân mắc Covid-19 tăng cao, làm sao để không đứt gãy sản xuất?

Công nhân mắc Covid-19 tăng cao, làm sao để không đứt gãy sản xuất? ảnh 1

Báo cáo mới nhất của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho biết, trong tuần qua tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm cộng đồng tăng với nhiều ổ dịch tại gia đình.

Số ca nhiễm Covid-19 trong đoàn viên, công nhân viên chức lao động tại Hà Nội là 9.965 (tăng 3.545 ca). Trong đó, tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có 1.381 ca.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, công đoàn các khu công nghiệp vẫn cập nhật lượng công nhân là F0, F1 theo tuần. Từ sau Tết, lượng công nhân là F0 tăng nhiều so với trước đó.

Số ca nhiễm Covid-19 là công nhân ngày càng tăng khiến nhiều nhà máy phải lên phương án ứng phó với nguy cơ thiếu hụt lao động.

Không riêng Hà Nội, tại các địa bàn lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động tạm thời do số lượng lao động là F0 có xu hướng gia tăng.

Theo công đoàn cơ sở phản ánh thì hiện nay, một số công ty có nhiều công nhân mắc Covid-19 đang bố trí bằng cách công nhân làm thay cho nhau, tăng ca... để không phải dừng dây chuyền, đóng cửa nhà máy. Có những doanh nghiệp phải tuyển lao động gấp hoặc sử dụng biện pháp thuê lại lao động từ các công ty cho thuê trong thời gian ngắn để đảm bảo hoạt động sản xuất.

Trao đổi về vấn đề này, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, số lượng công nhân là F0 tăng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới sản xuất. Nhưng hiện nay, đa số công nhân đã được tiêm 3 mũi vaccine nên thời gian khỏi bệnh nhanh, chỉ trong 5 - 7 ngày, để giải quyết việc thiếu hụt tạm thời mà tuyển dụng sẽ dẫn đến dư thừa lực lượng lao động. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động bố trí lực lượng sản xuất phù hợp.

Theo các chuyên gia lao động, với nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, thích ứng an toàn với dịch, sau Tết, doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động. Hiện nay, do số lượng F0 tăng mạnh, nhiều công ty có nhu cầu tuyển người mới theo hợp đồng ngắn hạn hoặc thời vụ (khoảng 3-6 tháng) để bổ sung tạm thời, vì thế có thể dẫn tới cạnh tranh khi tuyển dụng.

Mới đây, tại phiên giao dịch việc làm kết nối 7 tỉnh thành phía Bắc, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lạng Sơn cần tuyển hơn 19.300 lao động. Mức lương dao động 5-20 triệu đồng, trình độ từ lao động phổ thông đến kỹ sư, kế toán. Ở phân khúc lao động phổ thông, các doanh nghiệp liên tục tuyển mới bổ sung do công nhân không trở lại thành phố sau Tết, F0 đang chữa bệnh hoặc mở rộng sản xuất.

Riêng sàn giao dịch việc làm Hà Nội có 34 doanh nghiệp cần tuyển hơn 1.000 lao động, tập trung ở nhóm ngành may mặc, bán hàng, thu ngân, nhân viên y tế, kinh doanh, kỹ sư, lao động phổ thông. Song không nhiều lao động trực tiếp đến tìm việc làm, chủ yếu qua phỏng vấn online.

Nguồn: Anninhthudo.vn