Kỳ án Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân: Những uẩn khúc chưa thể làm rõ trong vụ oan sai xảy ra tại Cần Thơ

Sức ép khủng khiếp từ nhiều phía  

Ngay từ đầu năm 2016, những thông tin bất lợi cho dự án của Công ty Tây Nam do ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân làm chủ đã mờ mịt xuất hiện trên một số phương tiện truyền thông.

Những thông tin sai sự thật, thậm chí vu khống như “ dự án ma, vay tiền không có xây dựng dự án, vay tiền xây dựng chòi vịt….” trên một số phương tiện truyền thông đã khiến hoạt động của Công ty Tây Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để bảo vệ uy tín và minh bạch thông tin, Công ty Tây Nam đã chủ động mời một số cơ quan báo chí đến dự Họp báo, cung cấp thông tin tài liệu, tham quan dự án để minh bạch thông tin.

Bên cạnh đó, Công ty Tây Nam còn thu thập tài liệu để tiến hành khởi kiện một số cơ quan truyền thông đưa thông tin vu khống, sai sự thật về Công ty này.

Ngay khi đoàn nhà báo có mặt tại Cần Thơ đã được Giám đốc Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân cung cấp tài liệu và đưa xuống Dự án tại huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang tham quan.

Tuy nhiên, khi đoàn trở về Cần Thơ để tiếp tục làm việc cùng với ông Nhân, thì ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân bị bắt ngay trước sự chứng kiến của các báo.

screen-shot-2018-04-13-at-060321-1127-2233-1110

Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân chia sẻ với PV về những khó khăn của Công ty trước khi bị Cơ quan công an điều tra.

Gần như ngay sau đó, nhiều phương tiện truyền thông đã đăng những thông tin việc bố trí bắt ông Nhân ly kỳ giống như đang bắt 1 ông trùm nào đó với những tít báo như: “Đeo bám 130 km để bắt Giám đốc lừa đảo ở miền Tây”, “Giám đốc lừa đảo ở Cần Thơ bị bắt trên đường chạy trốn” … Sự phối hợp nhịp nhàng, nhanh nhạy như vậy giữa các cơ quan truyền thông và Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cần Thơ đã khiến 6 người vô tội nghiễm nhiên trở thành những tội phạm nghiêm trọng và cần bị trừng phạt thích đáng ngay lập tức.  

Việc Khởi tố bắt tạm giam ông Nhân được thực hiện vào 14h20 ngày 16/6/2016, nhưng Thông báo bắt giam ghi ngày 17/6/2016 với nội dung ông Nhân đã có hành vi làm khống hồ sơ chiếm đoạt tiền hỗ trợ lãi suất của nhà nước.

Trong khi đó, như thông tin Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải nhiều lần, phía Agribank Việt Nam đã có văn bản trước đó xác định không có việc hỗ trợ lãi suất và khoản vay giữa Công ty Tây Nam và ngân hàng này là khoản vay bình thường.

Phía Bộ Tài chính cũng có văn bản xác định không có việc hỗ trợ lãi suất cho Công ty Tây Nam. Mặc cho cả bên vay và bên cho vay đều có văn bản gửi Công an Cần Thơ xác nhận không có thiệt hại, khoản vay được thế chấp đầy đủ, không có sự chiếm đoạt, nhưng Cơ quan tố tụng này vẫn khẳng định đã có chiếm đoạt xảy ra nên khởi tố tạm giam ông Nhân suốt 28 tháng sau đó.

Trong suốt 6 năm theo đuổi vụ án với hàng chục kỳ báo, Báo Pháp luật Việt Nam luôn bảo vệ quan điểm Cơ quan điều tra lúng túng trong việc buộc tội ông Nhân.

Bởi lẽ, Công an Cần Thơ liên tục thay đổi tội danh truy tố ông này và tội danh cuối cùng của ông Nhân lại là “Vi phạm qui định cho vay trong các tổ chức tín dụng”, một sự khó hiểu không thể giải thích bởi lẽ người đi vay lại bị điều tra và truy tố tội danh của người cho vay (?).

Ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân có phải là đối tượng đặc biệt nguy hiểm cho xã hội?

Một vấn đề khiến dư luận không thể giải thích là việc ông Nhân bị tạm giam suốt 28 tháng. Liệu 800 ngày bị cách ly khỏi xã hội trên có bị quá thời gian theo quy định của pháp luật hay không?

Điều 173 Bộ Luật Tố tụng 2015 đã quy định về Thời hạn tạm giam để điều tra là:“Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Điểm d, khoản 2 của Điều 173 cũng quy định: “Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng”.

1-nhan-16415538987781633743810-1917

Doanh nhân Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân tại phiên toà.

Như đã phân tích, vụ việc chỉ là quan hệ dân sự giữa ngân hàng và bên đi vay, vụ án có 6 bị can, 5 người được cho tại ngoại.

Riêng ông Nhân lại bị tạm giam suốt 28 tháng, không cho tại ngoại mặc dù gia đình nhiều lần xin được bão lãnh vì ông Nhân bị các Cơ quan tố tụng Cần Thơ xác định là đối tượng nguy hiểm cho xã hội (?).

Vậy ông Nhân gây nguy hiểm cho xã hội cụ thể cho ai trong khi ông Nhân chỉ là Giám đốc doanh nghiệp chế biến nông thủy sản, có địa chỉ cư trú rõ ràng, nhân thân trong sạch.

Trong khi đó, bố mẹ ông Nhân đều là Đảng viên, đều đã đóng góp rất nhiều cho đất nước trong ngành nuôi trồng chế biến thủy hải sản Việt Nam.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Kịch (bố đẻ Nguyễn Huỳnh Đật Nhân) nhiều năm giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Tôm Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch VASEP, nguyên Phó Chủ tịch hội nghề Cá Việt Nam.

Ông Kịch còn được nguyên Thủ tướng Phan Văn khải chỉ định vào Ban Chống kiện phá giá tôm tại Mỹ, nhiều lần sang Mỹ đàm phán, giúp con tôm Việt Nam vượt qua các rào cản pháp lý của Mỹ.

Công ty cổ phần Cafatex của bố Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân từ năm 1994 đã nhiều năm dẫn đầu xuất khẩu tôm Việt Nam xuất khẩu thường xuyên đạt trên 100 triệu USD/ năm, được Chủ tịch nước phong anh hùng lao động năm 2000.

Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đi du học tại Mỹ, trở về Việt Nam với khát vọng tiếp nối truyền thống gia đình, cống hiến cho ngành chế biến nông thủy sản Việt Nam.

Vậy cơ sở nào xác định ông Nhân lại là “đối tượng nguy hiểm cho xã hội”, tạm giam tới 28 tháng, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật?

Vụ án oan sai cho 6 người kéo dài suốt hơn 2.000 ngày đã kết thúc với phán quyết vô tội của TAND thành phố Cần Thơ nhưng những câu hỏi về động cơ, mục đích và sự quyết tâm đưa 6 người nhân thân tốt thành những “đối tượng nguy hiểm cho xã hội” vẫn còn nguyên đó.

Các cơ quan chức năng cần xác định rõ, có câu trả lời thoả đáng cho dư luận, để khẳng định sự công minh, khách quan của pháp luật và pháp luật được đặt ra không phải để phục vụ cho bất kỳ “nhóm lợi ích” nào.

Điều 20 Hiến pháp Việt Nam 2013 đã quy định rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. 

Hãy để cho những người dân bình thường có cảm giác an toàn, yên tâm luôn được Nhà nước và pháp luật bảo vệ theo đúng quy định của Hiến pháp Việt Nam.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vê vụ việc này.

 

 

Nguồn: Phapluatplus.vn