Lương tối thiểu vùng được đo lường dựa trên những tiêu chí nào?

Lương tối thiểu vùng được đo lường dựa trên những tiêu chí nào? ảnh 1

Mức sống tối thiểu của người lao động là một trong những căn cứ xem xét để điều chỉnh lương

Theo kế hoạch, Bộ LĐ-TB&XH sắp tiến hành điều tra tại 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ.

2.000 doanh nghiệp được chọn điều tra, đại diện theo 3 nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh: Nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ; có quy mô dưới 100 lao động, từ 100 đến 300 lao động và trên 300 lao động.

Việc điều tra tiến hành từ ngày 1/4/2022, trong thời gian 60 ngày theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp người sử dụng lao động, đại diện người sử dụng lao động về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tiền lương tối thiểu, thang bảng lương, quy chế trả lương, nâng bậc lương, các mức tiền lương trong doanh nghiệp, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác có tính chất lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Đặc biệt, sẽ khảo sát phương thức thực hiện điều chỉnh tiền lương khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và ý kiến của doanh nghiệp về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dự kiến năm 2023.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, 2 năm qua tiền lương tối thiểu chưa được điều chỉnh tăng khiến nhiều công nhân, lao động băn khoăn.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 91 Bộ Luật Lao động năm 2019, mức lương tối thiểu vùng được dựa trên 7 tiêu chí. Bao gồm, mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Điều 91 Bộ luật Lao động 2012 quy định mức lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh dựa trên nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động).

Trên cơ sở đo lường 7 tiêu chí này, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tư vấn và khuyến nghị Chính phủ quyết định, công bố mức lương tối thiểu, chính sách tiền lương đối với người lao động.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, lương tối thiểu vùng I là 4.420.000 đồng; vùng II là 3.920.000 đồng; vùng III là 3.420.000 đồng; vùng IV là 3.070.000 đồng.

Nguồn: Anninhthudo.vn